![]() |
Ảnh minh họa |
Từ kiểm soát chuyển sang giám sát
Đánh giá về mức độ tự chủ ĐH trên thế giới, GS. Phạm Phụ (ĐH quốc gia TPHCM) cho rằng vẫn tồn tại một “phổ” khá rộng về tự chủ ĐH giữa các nền GDĐH trên các châu lục, cũng như giữa các cơ sở ĐH của từng nước.
Trên thế giới, hệ ĐH Anh-Mỹ có mức độ tự chủ ĐH cao nhất sau đó là đến hệ ĐH châu Âu và ĐH Châu Á có mức độ tự chủ thấp nhất, trừ trường hợp như Singapore, Nhật Bản.
Cụ thể, tại châu Âu, mô hình quản trị ĐH đang dịch chuyển theo hướng xóa bỏ quản lý trực tiếp của Nhà nước để thay bằng giám sát từ xa thông qua các cơ quan trung gian cấp tài trợ và giám sát chất lượng. Cùng với đó là các thử nghiệm và hoàn thiện mô hình trường ĐH hoạt động theo tư cách pháp nhân độc lập hoàn toàn, áp dụng các kỹ thuật quản lý của doanh nghiệp vào trường ĐH. Cụm từ thường dùng để mô tả mô hình quản trị ĐH mới là “ĐH doanh nghiệp” .
Trong khi ở hệ ĐH Anh Mỹ, các trường ĐH vốn không phải là một bộ phận trong tổ chức bộ máy của Nhà nước, hoạt động theo điều lệ riêng, và không chịu sự chỉ đạo từ bất cứ cơ quan Nhà nước nào. Việc giám sát hoạt động của trường ĐH là các hội đồng trường mà thành phần gồm đa số các thành viên ngoài trường và hội đồng giảng viên bao gồm những giáo sư uy tín trong trường.
Báo cáo tổng quan về xu thế quản trị ĐH trên thế giới của Ngân hàng Thế giới đã khái quát 4 mô hình có mức độ tự chủ khác nhau, từ mô hình Nhà nước kiểm soát hoàn toàn như ở Malaysia, đến các mô hình bán tự chủ như ở Pháp và New Zealand, mô hình bán độc lập ở Singapore, và mô hình độc lập ở Anh, Australia.
Mặc dầu vậy, trong mô hình Nhà nước kiểm soát thì cơ sở GDĐH vẫn được hưởng một mức độ tự chủ nhất định vì những lý do tài chính và thực tiễn, Nhà nước không thể kiểm soát được tất cả các hoạt động của cơ sở GDĐH; bên cạnh đó, ngay trong mô hình độc lập thì vẫn có những mặc định ngầm về quyền của Nhà nước nắm giữ một số kiểm soát về mặt chiến lược và có quyền yêu cầu tính giải trình cao ở các cơ sở GDĐH.
Tuy nhiên, xu hướng chung trong quản trị ĐH trên toàn cầu hiện nay là chuyển dịch dần từ mô hình Nhà nước kiểm soát sang các mô hình có mức độ tự chủ cao hơn, trong đó Nhà nước chỉ đóng vai trò giám sát.
Điều này dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu quản trị của các trường ĐH nhằm tách ra khỏi cách hoạt động như một tổ chức Nhà nước và được quản lý như một công ty hay một tổ chức độc lập phi Chính phủ.
![]() |
Ảnh minh họa |
Đến “công ty ĐH”
Nhiều chuyên gia giáo dục nhấn mạnh nguyên lý cơ bản đằng sau tự chủ ĐH là các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) sẽ vận hành tốt hơn nếu được nắm vận mệnh của chính mình.
Tự chủ sẽ tạo động lực để trường ĐH đổi mới nhằm đạt hiệu quả cao hơn trong hoạt động của mình, đồng thời cũng làm tăng tính cạnh tranh giữa các cơ sở GDĐH, tạo điều kiện để đa dạng hóa các hoạt động giáo dục.
Điển hình tại Singapore năm 2005, Chính phủ chấp thuận ĐH Quốc gia Singapore (NUS), ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), ĐH Quản lý Singapore (SMU) trở thành đại học tự chủ với cơ chế doanh nghiệp phi lợi nhuận. Điều này đã giúp các trường linh hoạt hơn trong tự chủ quản trị và tự chủ tài chính, có khả năng tạo ra những bước đột phá trong giáo dục dựa trên sự khác biệt và định hướng chiến lược riêng về thế mạnh cho mỗi trường để đạt được thành tích xuất sắc về học thuật.
Đáng chú ý, trong nghiên cứu về các trường ĐH quốc gia của Nhật Bản, Ths. Nguyễn Ngọc Thảo Trang (ĐH Tài chính Marketing) đã nêu lên nhiều điểm tương đồng với các trường ĐH công lập ở Việt Nam ở thời điểm trước khi tự chủ.
Cụ thể, hoạt động nghiên cứu và giáo dục của các trường ĐH quốc gia ở Nhật Bản phụ thuộc phần nhiều vào ngân sách Nhà nước. Nhân sự và tổ chức nằm dưới sự quản lý của Nhà nướcVới các quy định tiền lương đã có sẵn, nhà trường không thể đưa ra mức lương cao hơn để mời những nhà nghiên cứu giỏi về làm việc. Nhà trường cũng không thể linh động điều phối chi tiêu cho những kế hoạch dài hạn do ngân sách cấp theo từng năm. Điều này đã khiến nhà trường bị hạn chế trong công tác quản lý và chi tiêu dẫn đến kìm chế sự sáng tạo và phát triển.
Nhưng kể từ khi chuyển đổi thành công ty quản trị độc lập, các trường ĐH quốc gia của Nhật Bản đã vận hành theo mô hình quản lý DN có hội đồng quản trị, hội đồng nghiên cứu và giáo dục.
Các quy định về ngân sách và nhân sự được bãi bỏ nhằm giúp tăng cường cạnh tranh và bảo đảm tính tự chủ của mỗi trường. Các trường ĐH sẽ đưa ra các chương trình nghiên cứu và giáo dục có sức thu hút. Tập thể giảng viên, nhân viên của ĐH không còn là công chức. Nhà nước chỉ còn chức năng đánh giá chất lượng, thành lập và đóng cửa trường ĐH, cung cấp nguồn ngân sách cần thiết cho mỗi công ty ĐH quốc gia dựa trên đánh giá của bên thứ ba. Nhà trường hoàn toàn tự chủ quản trị thu chi sử dụng, có thể huy động thêm từ nhiều nguồn và tự chịu trách nhiệm về việc thực thi tài chính của mình.
Nhờ vậy, năm 2005, 87 trường ĐH quốc gia của Nhật Bản chuyển đổi thành công ty, giảm 13,7 tỷ yên tiền lương và thu được 11,8 tỷ yên từ bản quyền sáng chế, đạt khoản lợi nhuận 71,6 tỷ yên.
Mô hình tự chủ của các trường ĐH Singapore và Nhật Bản cho thấy điểm chung trong các mô hình quản trị ĐH thành công trên thế giới là sự vận hành theo cơ chế DN với một hội đồng trường được thành lập như hội đồng quản trị, được giao mọi quyền hạn về tuyển dụng bổ nhiệm hiệu trưởng, quản trị nguồn nhân lực (tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ, sa thải nhân viên), chất lượng đào tạo (tuyển sinh, học phí, chất lượng giảng dạy…). Việc tuyển dụng giảng viên chỉ cần phù hợp với mục tiêu đào tạo đặc trưng của trường, xác định rõ nhiệm vụ của giảng viên là nghiên cứu khoa học với việc bảo đảm cho họ mức sống trung lưu trong xã hội.
Để đổi mới, kiện toàn và phát triển giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam theo xu hướng thế giới thì tự chủ ĐH là không thể thiếu. Do đó, học hỏi kinh nghiệm các nền giáo dục phát triển, từ đó phân tích điều chỉnh phù hợp với tình hình nước ta là một hướng giải pháp cần xem xét trên nhiều phương diện: tự chủ về mục tiêu hoạt động, tự chủ về tài chính, tự chủ về tuyển sinh tuyển dụng, tự chủ về nghiên cứu khoa học…
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn