Hà Tĩnh, Quảng Bình ứng phó khả năng ‘lũ chồng lũ’

Thứ hai - 31/10/2016 23:24
Trước diễn biến phức tạp của đợt mưa lũ mới có thể xảy ra do ảnh hưởng của không khí lạnh, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình đang khẩn trương chuẩn bị việc ứng phó, trong đó đặc biệt chú ý hiện tượng sạt lở đất và công tác xả lũ.

 

Do mưa lớn, cầu tràn ở xã Hương Đô (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) bị ngập trở lại. Ảnh: Báo Hà Tĩnh
Do chịu ảnh hưởng không khí lạnh, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có mưa, đặc biệt một số nơi mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa từ 7h ngày 29/10 đến 7h ngày 31/10 tại Linh Cảm đạt 66,6 mm; Sơn Diệm 97 mm, Sơn Kim 119,5 mm; Chu Lễ 250 mm; Hòa Duyệt 95 mm; Cẩm Nhượng 336 mm; Hà Tĩnh 118,7 mm; Kỳ Anh 453 mm; Hoành Sơn 336,6 mm; Hương Khê 293,4 mm; Kẻ Gỗ 213 mm; Sông Rác 399 mm; mực nước lũ trên các sông đang tiếp tục lên nhanh.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, sáng 21/10, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp thủy nông, công ty thủy điện chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, nhất là tránh hiện tượng lũ chồng lũ do mưa lớn, xả lũ hồ chứa gây ra.

Theo đó, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thời gian và lưu lượng xả lũ các hồ chứa, hồ thủy điện, thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền địa phương và người dân.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các công trình trọng điểm Kẻ Gỗ-Bộc Nguyên; Sông Rác, Kim Sơn và thượng Sông Trí; các nhà máy thủy điện: Hố Hô và Hương Sơn thường xuyên kiểm tra, chỉ huy và điều hành thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho công trình và dân cư vùng hạ du hồ chứa, hồ thủy điện; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa, hồ thủy điện theo dõi sát tình hình diễn biến mưa, lũ và ngập lụt phía hạ du công trình để chủ động điều tiết, hạ thấp mực nước trong hồ vừa bảo đảm an toàn cho các công trình, vừa giảm thiệt hại cho vùng hạ du, tránh trường hợp lũ chồng lũ do mưa lớn và xả lũ gây ra.

 

Mưa lớn làm nước sông Gianh dâng cao (ảnh chụp lúc 9h ngày 31/10 tại xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn). Ảnh: Báo Quảng Bình

Tại Quảng Bình, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc nên từ 1h ngày 30/10 đến 4h ngày 31/10, ở Quảng Bình đã có mưa vừa đến mưa to, phía bắc tỉnh mưa rất to. Đây là đợt mưa khá lớn, trong khi Quảng Bình vừa bị ảnh hưởng nặng nề do đợt lũ, lụt giữa đầu tháng 10.

Ngay trong sáng 31/10, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh rà soát phương án phòng chống lũ, lụt, phương án điều tiết nước, bảo đảm an toàn hồ đập cũng như an toàn vùng hạ du. Cử cán bộ trực 24/24h ở các hồ, đập chứa nước để kiểm tra, theo dõi và có biện pháp ứng phó kịp thời, đặc biệt tập trung ở các hồ xung yếu, các hồ có nguy cơ cao.

Các huyện, thành phố, thị xã theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo cho dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét biết thông tin để chủ động các biện pháp ứng phó. Chủ động tổ chức, thực hiện các phương án di dời dân tại các vùng nguy hiểm, vùng thường bị ngập lụt chia cắt.

Các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tuyên tuyền, quán triệt cho nhân dân không vớt củi, đánh bắt hải sản trên các khu vực ngập nước, khu vực nguy hiểm, không được để xảy ra thiệt hại về người.

Chỉ đạo,  hướng dẫn nhân dân và các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện phương châm “4 tại chỗ” từ hộ gia đình, đến làng xóm, thôn, xã, huyện, tỉnh để chủ động ứng phó mưa lũ; tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống đủ dùng trong thời gian mưa lũ, bị chia cắt, tối thiểu 7 ngày. 

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi