Các khách mời tham dự Tọa đàm (từ phải sang): Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội; Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) Đoàn Ngọc Dương; nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa; Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh; ông Nguyễn Văn Đạt – Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên, chi nhánh Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên (VIMIKO) - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Năm 2025 được coi là năm "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu tăng trưởng cả nhiệm kỳ 2020-2025, chuẩn bị cho đất nước tâm thế sẵn sàng, vững tin bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong năm bản lề có ý nghĩa vô cùng quan trọng này, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu vượt trội để tăng tốc, bứt phá và phát triển đã được Chính phủ đề xuất và được Trung ương thống nhất, trong đó có mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm 2025, tạo đà để tăng trưởng liên tục 2 con số trong giai đoạn 2026-2031.
Để đạt mục tiêu trên, năng lượng điện có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi đây là sản phẩm hàng hóa đặc thù, "đầu vào của mọi đầu vào" của nền kinh tế, góp phần bảo đảm đời sống dân sinh, an ninh, quốc phòng của đất nước.
Trong bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ luôn đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo đảm cân đối năng lượng; yêu cầu khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc của ngành điện và nhấn mạnh quan điểm, mệnh lệnh dứt khoát là phải bảo đảm "Đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng trong mọi tình huống"; có lộ trình tính đúng, tính đủ để có giá điện bán ra phù hợp trong nền kinh tế thị trường…
Bối cảnh mới, tình hình mới đặt ra các yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với ngành điện trong bảo đảm vấn đề cung cấp điện cho nền kinh tế. Vậy ngành điện có giải pháp, kịch bản, sự chuẩn bị như thế nào trong đáp ứng nhu cầu điện cho tăng trưởng; hoạt động sản xuất, điều tiết, vận hành, cung ứng điện và cách tính giá thành điện năng hiện nay đang đặt ra những vấn đề gì; các giải pháp cần thiết nhằm sử dụng năng lượng điện tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh… Những nội dung này được phân tích, kiến giải, luận bàn tại Tọa đàm "Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng, doanh nghiệp:
- Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội
- Phó Cục trưởng Cục Điện lực (Bộ Công Thương) Đoàn Ngọc Dương
- Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa
- Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh
- Ông Nguyễn Văn Đạt – Phó Giám đốc Nhà máy Kẽm điện phân Thái Nguyên, chi nhánh Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên (VIMIKO).
Mở đầu Tọa đàm, xin được dành câu hỏi đầu tiên cho Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu. Thưa ông, như đã phân tích ở trên, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và những năm tiếp theo là tham vọng rất lớn trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, ông bình luận gì về mục tiêu tăng trưởng này? Ở góc độ kinh tế, ông có thể phân tích ý nghĩa và vai trò của năng lượng điện với tư cách là sản phẩm hàng hóa đặc thù, được coi như "đầu vào của mọi đầu vào" trong bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển mà chúng ta đang hướng tới?
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu: Với 2 thách thức đặt ra của ngành năng lượng gồm đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và đảm bảo chất lượng nguồn điện thì trong thời gian tới, giá điện phải khác đi - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu: Tại phiên khai mạc Quốc hội, Chính phủ đã trình bày báo cáo đầy đủ tình hình kinh tế xã hội 2024-2025 và Uỷ ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội đã tham mưu cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc thẩm tra báo cáo này.
Đầu tiên, chúng ta vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng trên 8% GDP trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ dự kiến bổ sung một số giải pháp nhưng vẫn bám sát mục tiêu điều hành kinh tế xã hội. Năng lượng, đặc biệt năng lượng điện, là yếu tố đầu vào rất quan trọng trong sản xuất kinh doanh và để đạt mục tiêu tăng trưởng như trên, không có cách nào khác là phải thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Điều này khiến cho nhu cầu về năng lượng và điện tất yếu sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng không chỉ tăng về mặt sản lượng hoặc mức tiêu thụ năng lượng mà hiện giờ nền kinh tế còn có yêu cầu cao hơn về chất lượng của nguồn năng lượng. Ví dụ như sản xuất bán dẫn yêu cầu nguồn năng lượng rất sạch và tính ổn định của nguồn điện. Với nước cũng tương tự. Chúng ta có thể thấy, yêu cầu về tính ổn định của năng lượng đặt trong bối cảnh net zero của nền kinh tế xanh thì rõ ràng chất lượng của nguồn năng lượng rất quan trọng.
Với 2 thách thức đặt ra của ngành năng lượng gồm đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và đảm bảo chất lượng nguồn điện thì trong thời gian tới, giá điện phải khác đi. Đây là chia sẻ về của tôi dưới góc độ kinh tế vĩ mô.
"Đáp ứng đủ nhu cầu về điện năng trong mọi tình huống" là yêu cầu, là mệnh lệnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thưa ông Đoàn Ngọc Dương, ngành điện đã và đang triển khai thực hiện yêu cầu, chỉ đạo này như thế nào? Đặc biệt, trong bối cảnh mới, điều kiện mới, mùa nắng nóng 2025 bắt đầu, Bộ Công Thương đã chỉ đạo ngành điện có giải pháp, kịch bản, kế hoạch cụ thể ra sao trong đáp ứng nhu cầu điện đang gia tăng cho sản xuất, sinh hoạt, phục vụ mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế?
Phó Cục trưởng Cục Điện lực Đoàn Ngọc Dương: Với những giải pháp và đến thời điểm hiện nay, chúng tôi nhận định việc cung ứng điện năng cho đất nước trong năm 2025 sẽ được đảm bảo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Cục trưởng Cục Điện lực Đoàn Ngọc Dương: Chúng ta cũng biết là ngay từ những ngày đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 01 về những giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho cao điểm năm 2025 và những năm tiếp theo. Trong đó đã đề ra những nhóm nhiệm vụ và giải pháp hết sức quyết liệt để triển khai thực hiện.
Một trong những nhóm nội dung quan trọng, trước hết là đảm bảo trong ngắn và trung hạn phải hoàn thiện thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy đầu tư phát triển điện lực. Trước tiên chúng ta phải đảm bảo nguồn cung thì mới đáp ứng được cầu trong tương lai. Trong tình hình sẽ tăng trưởng cao thì nhu cầu điện dự báo cũng sẽ cao hơn. Bộ Công Thương, với trách nhiệm và tinh thần quyết liệt, trong thời gian rất ngắn đầu năm 2025, đã tham mưu cho Chính phủ ban hành những nghị định liên quan. Bộ Công Thương cũng đã xây dựng và ban hành một loạt thông tư hướng dẫn thi hành Luật Điện lực năm 2024. Đến nay cơ bản những văn bản quy phạm pháp luật đó đã hoàn thiện và những cơ chế chính sách để phát triển điện lực cơ bản cũng đã tháo gỡ được những vướng mắc thời gian vừa qua để thúc đẩy việc đầu tư phát triển điện lực, đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.
Để đảm bảo cung ứng điện năng cho năm 2025 này, ngay từ cuối năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát và xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2025. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% trong năm nay, nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng trên 12% theo cái kịch bản Bộ Công Thương đặt ra để điều hành.
Trên cơ sở kịch bản điều hành như vậy, ngay từ đầu năm, Bộ chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp trong ngành điện đáp ứng cung ứng điện. Để thực hiện triển khai những nhóm giải pháp đảm bảo việc cung ứng điện trong năm nay, chúng tôi tập trung vào sáu nhóm giải pháp.
Nhóm thứ nhất là các nhà máy điện, các đơn vị truyền tải, phân phối sẽ phải đảm bảo kế hoạch liên quan đến duy tu, bảo dưỡng để các tổ máy phát điện, những thiết bị điện trong hệ thống sẵn sàng cao nhất để đáp ứng nhu cầu điện trong năm.
Thứ hai, về mặt cung ứng nhiên liệu cho phát điện, các nhà máy điện và các đơn vị cung ứng nhiên liệu chủ chốt cho phát điện như than, dầu, khí… phải lên kế hoạch và đảm bảo ít nhất là lượng lưu trữ, tồn trữ trong nhà máy cũng như trong kho chứa để cung ứng điện trong những giai đoạn cao điểm.
Thứ ba là thúc đẩy và đôn đốc quyết liệt việc hoàn thành tiến độ một số công trình điện quan trọng theo kế hoạch sẽ vận hành trong năm nay, bao gồm một số dự án nguồn điện như hai tổ máy của Thủy điện Hòa Bình mở rộng, hai tổ máy của Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4 và một số dự án nguồn điện khác.
Song song với đó, một số dự án lưới điện quan trọng cũng đặt mục tiêu phải thúc đẩy nhanh để đưa vào vận hành. Ví dụ như dự án lưới điện 500 kV Lào Cai-Vĩnh Yên. Mục đích, mục tiêu là giải tỏa công suất thủy điện ở khu vực phía Bắc để đưa về trung tâm phụ tải khu vực Hà Nội. Theo kế hoạch, EVN đang hết sức quyết liệt đưa vào vận hành trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 tới đây.
Nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ tư là yêu cầu công ty điều độ và vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia phải chuẩn bị sẵn những kịch bản, xây dựng và cập nhật những tình huống, tình hình liên quan đến thay đổi, ví dụ về phụ tải hoặc thay đổi về điều kiện thủy văn, thời tiết để chuẩn bị sẵn những kịch bản điều hành và huy động hợp lý những nguồn điện khác nhau đáp ứng nhu cầu điện trong những thời điểm từ cao điểm đến thấp điểm.
Nhóm giải pháp thứ năm là tăng cường tiết kiệm điện. Đây cũng là một trong những giải pháp được đặt ra hết sức quan trọng. Việc chúng ta tiết kiệm điện cũng tương ứng với việc chúng ta sẽ giảm được nhu cầu, đặc biệt là vào những thời điểm cao điểm. Chúng ta cũng đã có một loạt quy định, chế tài rồi yêu cầu đối với việc tăng cường tiết điện trong sản xuất, kinh doanh, trong tiêu dùng và đặc biệt là những thời gian cao điểm.
Cuối cùng là thường xuyên kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng để đảm bảo toàn bộ các đơn vị, cơ quan, tổ chức tham gia trong các khâu từ phát điện, điều độ hệ thống, đến truyền tải, phân phối phải sẵn sàng cao nhất, chuẩn bị thích ứng và ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Chúng ta cũng thấy là trong 4 tháng đầu năm, việc cung ứng điện cho nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của nhân dân đã cơ bản được đảm bảo. Đặc biệt là những ngày lễ lớn vừa qua, việc cung ứng điện hết sức an toàn và được đảm bảo. Theo nhận định của Bộ Công Thương, với những giải pháp và đến thời điểm hiện nay, chúng tôi nhận định việc cung ứng điện năng cho đất nước trong năm 2025 sẽ được đảm bảo với các điều kiện, kịch bản sẽ diễn ra như đã dự báo cho đến thời điểm này.
Tuy nhiên, có thể vẫn xảy ra những trường hợp cực đoan, ví dụ như tăng trưởng phụ tải đột biến hoặc là thời tiết cực đoan, nước về hồ thủy điện lưu lượng có thể thấp hơn so với trung bình nhiều năm hoặc thời gian nắng nóng có thể kéo dài, trùng hợp với một số tổ máy điện có thể bị sự cố do quá trình vận hành đầy tải liên tục. Trong những trường hợp đó, quan trọng là chúng ta đã và đang tiếp tục xây dựng những kế hoạch ứng phó để đảm bảo sẵn sàng có những đơn vị liên quan có thể xử lý, giải quyết nhanh, đảm bảo an ninh an toàn cung ứng điện.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn