Tỉnh Quảng Ninh vào cuộc gỡ khó cho doanh nghiệp mùa dịch Covid-19

Thứ sáu - 20/03/2020 02:15
Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo cho các sở, ngành, địa phương tìm giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp có thể tiếp tục sản xuất, kinh doanh bình thường.
Doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19

Dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Quảng Ninh, nhất là đối với những doanh nghiệp bị giảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào, giảm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm lao động...

Khảo sát của Đoàn công tác do Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại 22 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: Sản xuất vật liệu xây dựng, lắp ráp điện tử, dịch vụ du lịch, ăn uống, kinh doanh thương mại và thương mại biên giới... cho thấy, dịch vụ du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh Covid-19, kéo theo hàng loạt các ngành nghề khác bị ảnh hưởng như: Vận chuyển đi lại, dịch vụ ăn uống, khách sạn...

tinh quang ninh vao cuoc go kho cho doanh nghiep mua dich covid 19

Sở Công Thương Quảng Ninh hỗ trợ nông dân tìm hướng ra cho các mặt hàng nông sản


Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, đặc biệt là các doanh nghiệp tại TP. Móng Cái – nơi tiếp giáp với Trung Quốc do thiếu nguyên vật liệu, thiếu lao động đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng lao động kỹ thuật người Trung Quốc. Hiện các hoạt động giao thương vẫn hoạt động cầm chừng do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, hiện việc kinh doanh đang bị sụt giảm nghiêm trọng, doanh nghiệp không có thu trong khi vẫn phải chi trả nhiều khoản kinh phí lớn như lãi suất ngân hàng, nộp các loại thuế, tiền thuê đất, chi phí lưu kho bãi, kinh phí duy trì bộ máy, trả lương chờ việc, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động... Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải thêm chi phí phòng dịch như khẩu trang y tế, thuốc sát trùng, nước rửa tay… và phí bảo quản hàng hóa chống dịch.

Riêng tại Móng Cái, đã có trên 1.000 doanh nghiệp đang mất khoảng 500-600 tỷ đồng mỗi tháng để duy trì trả lương cho khoảng hơn 7.500 lao động. Còn đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, trung bình doanh nghiệp sẽ bị mất 5 triệu đồng/ngày/container, nếu “nằm” chờ tại bến cả tháng, doanh nghiệp sẽ mất khoảng 3 tỷ đồng/tháng, chưa kể đến các chi phí sử dụng hạ tầng vận tải khác, trong khi không có doanh thu để bù đắp.

Nhiều giải pháp “gỡ” khó được đưa ra

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: “Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ sàng lọc tất cả ý kiến của doanh nghiệp theo từng nhóm ý kiến để tiếp tục báo cáo với UBND tỉnh xem xét và giải quyết các vấn đề. Đồng thời, những vấn đề liên quan đến các bộ, ngành Trung ương sẽ kiến nghị với tỉnh để báo cáo các cấp có thẩm quyền có phương hướng tháo gỡ cho doanh nghiệp”.

Trước mắt, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện một số giải pháp ban đầu nhằm tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp như: Xây dựng điều chỉnh kịch bản tăng trưởng của ngành du lịch cũng như các ngành nghề kinh doanh khác, cùng nhau vượt khó. Cùng với đó, tỉnh đã chủ động thực hiện đủ các điều kiện để thông quan cầu Bắc Luân II, cầu phao tạm Km3+4 và cửa khẩu Hoành Mô, đưa hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trở lại, trước mắt giải quyết khó khăn cho những doanh nghiệp XNK để giải tỏa số lượng hàng hóa đã lưu kho kể từ khi phát hiện dịch bệnh.

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cũng đã có văn bản đề nghị một số doanh nghiệp logistics hỗ trợ tiền thuê kho bãi, giảm chi phí bốc xếp đối với các doanh nghiệp trong thời gian vẫn ảnh hưởng của dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết: “Hiện đã có Công ty cổ phần xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương, Công ty CP Thành Đạt hỗ trợ giảm mức phí vào cổng phí lưu kho bãi từ 100 - 300 ngàn đồng. Sở cũng đang đề nghị các DN tiếp tục giảm một phần các chi phí khác như phí vận chuyển, bốc xếp hàng hóa nếu người dân hay các đơn vị có nhu cầu”. Cùng với đó, Sở Công Thương đang phối hợp với các ngành liên quan tìm giải pháp hỗ trợ và tìm hướng ra cho các mặt hàng nông sản như: Hầu, tôm, ngao hai cùi, trứng gà...

Theo sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, hiện các chi nhánh ngân hàng thương mại tại Quảng Ninh đang rà soát, áp dụng các biện pháp hỗ trợ phù hợp đối với những khách hàng thực sự bị tác động bởi dịch. Ngân hàng cũng đang có hướng đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường hơn các mối quan hệ với Hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề để sớm nhận được phản hồi, kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ. Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành Văn bản số 495/BHXH-QLT hướng dẫn doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra có từ 50% số lao động đang tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc trở lên, để lập hồ sơ làm căn cứ tạm dừng đóng BHXH.

Hiện tỉnh Quảng Ninh vẫn đang sát sao trong việc chỉ đạo cho các ngành, địa phương tiếp tục khảo sát, đánh giá thực trạng doanh nghiệp để tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài, các doanh nghiệp vẫn cần chủ động có kế hoạch để thích ứng với tình hình mới, chuẩn bị sẵn tâm thế để ngay sau khi dịch kết thúc có thể phát triển mạnh hơn, bù đắp lại thiệt hại kinh tế do dịch gây ra.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến ngày 17/3, tại tỉnh Quảng Ninh, Cửa khẩu chính Hoành Mô đã xuất khẩu 8 xe (nông sản, hải sản); nhập khẩu: 13 xe (tạp hóa, gạch ốp lát, vải); tồn 13 xe (hàng nông sản). Đối với lối mở Km3+4 xuất khẩu 84 xe (tinh bột sắn, hải sản, nông sản, hoa quả); Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái xuất khẩu 17 xe (sợi, hoa quả khô); nhập khẩu 137 xe (hàng tạp hóa); tồn 45 xe (hàng khô).

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi