Hà Nội: Địa phương đứng đầu trong quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản

Thứ sáu - 20/03/2020 02:17
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa công bố kết quả xếp hạng 63 tỉnh, thành về công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản năm 2019. Với 91,5/100 điểm, Hà Nội đứng đầu trong bảng xếp hạng này.
Theo kết quả xếp hạng này, có 16 tỉnh thành được xếp vào nhóm địa phương triển khai "tốt", 45 tỉnh thành xếp vào nhóm "đạt yêu cầu", 2 địa phương là Đồng Tháp và Bình Dương không nhận được hồ sơ tự chấm điểm của địa phương. Điều đáng ghi nhận trong bảng xếp hạng là Hà Nội đã vươn lên đứng đầu trong bảng xếp hạng nhóm địa phương triển khai tốt với số điểm 91,5/100 (năm 2018 Hà Nội xếp thứ 10 với 83/100 điểm). Tiếp theo là Bạc Liêu, Nam Định, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Bình, Sóc Trăng, Long An, Hà Nam, Phú Thọ, Tiền Giang, Hà Giang, Đồng Nai, Trà Vinh với điểm từ 80,5 - 90,5/100. Đặc biệt tỉnh Quảng Ngãi, Hà Giang lần xếp hạng trước năm 2018, từ nhóm “còn hạn chế” - xếp cuối đã vươn lên tốp 5 địa phương “triển khai tốt”.
 
ha noi dia phuong dung dau trong quan ly attp nong lam thuy san

Hà Nội là địa phương đứng đầu trong quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản. Ảnh Internet


Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) - Bộ NN&PTNT, các cơ quan chức năng địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo ATTP, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Năm 2018 có 18 địa phương thuộc nhóm triển khai tốt thì năm 2019 chỉ có 16 địa phương. Kết quả của năm 2018 đã tạo động lực rất lớn khuyến khích các địa phương làm tốt, đồng thời khuyến cáo các địa phương làm tốt hơn. Bởi vậy, sau năm 2018, nhiều tỉnh thuộc tốp dưới đã tổ chức tốt việc quản lý chất lượng ATTP trong năm 2019, nên một số địa phương đã có bứt phá trong xếp hạng.

Bộ NN&PTNT có hệ thống giám sát toàn diện về ATTP nông, lâm, thủy sản và kết quả cho thấy, đã quản lý, giám sát tốt, ngăn ngừa triệt để việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Năm 2019, toàn ngành nông nghiệp đã thanh, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính 4.701 cơ sở/67.080 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản (giảm so với 7,3% năm 2018 do các doanh nghiệp tuân thủ tốt hơn các quy định về chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP) với tổng số tiền phạt tương đương năm 2018 (33 tỷ đồng, bình quân 7,02 triệu/cơ sở vi phạm).

Với kết quả đạt được năm 2019, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Nafiqad - cho biết, trong năm nay, Nafiqad tiếp tục tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong ngành nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý chất lượng, ATTP. Giảm thiểu ô nhiễm sinh học, tạp chất và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu bảo đảm ATTP cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm 2019 hàng loạt Luật, Nghị định trong lĩnh vực nông nghiệp chính thức được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu hiệu lực từ đầu năm 2020 với những chế tài xử phạt rất nghiêm minh, răn đe trong lĩnh vực ATTP.

Tuy nhiên, năm 2020 vẫn còn rất nhiều thách thức về quản lý ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi khiến mặt hàng thịt lợn thiếu nên đây là lĩnh vực mà các cơ quan, ban ngành phải chú ý và tăng cường quản lý trong năm 2020.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam đa phần quy mô vẫn còn nhỏ, chủ yếu là nông dân, hạ tầng còn kém, chế biến sâu còn yếu, đây chính là hạn chế khiến nông sản Việt chưa hội nhập được sâu rộng với thế giới. Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị năm 2020 cần được coi là năm bản lề để thực hiện các kế hoạch, chiến lược, đề án bài bản trong lĩnh vực ATTP xuyên suốt cho các năm tiếp theo.

Tính đến nay cả nước đã có 1.950 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tương đương với diện tích 38,6 nghìn ha cây trồng, tăng gấp đôi diện tích giai đoạn 2016. Với chăn nuôi là 11.521 trang trại và hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP, tăng 1,6 lần giai đoạn 2016. Với thủy sản, có 624 vùng/cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 5.174 ha, tăng gấp ba diện tích giai đoạn 2016.

Hiện đã có 11 khu/vùng nông nghiệp và 44 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận, 59 tỉnh, thành phê duyệt đề án/kế hoạch OCOP trong đó 12 tỉnh đánh giá, phân hạng và công nhận 604 sản phẩm OCOP.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức được 1.514 chuỗi (tăng 418 chuỗi so với năm 2018), 2.381 sản phẩm và 3.267 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi với sự tham gia của một số tập đoàn lớn như: Dabaco, Ba Huân, Saigon Coop, San Hà.....

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Thư viện ảnh

Image cannot be loaded
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi