Tuy nhiên, cùng với những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế xã hội, tốc độ tăng trưởng trong nước và cân đối nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển còn gặp nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã chủ trương “Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực để phát triển nhanh, bền vững”. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã khẳng định vai trò của việc huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, đồng thời, nhấn mạnh giải pháp thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA.
Để hoàn thành các nhiệm vụ trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội lớn, khả năng huy động nguồn nội lực chưa đáp ứng đầy đủ, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn, việc huy động từ các nguồn vốn trong và ngoài nước là cần thiết, có vai trò hết sức quan trọng.
Vì vậy, chủ trương huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó có nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là đúng đắn, kịp thời, góp phần bổ sung nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với chủ trương đúng đắn như vậy, trong thời gian tới, vấn đề đặt ra là phải có những giải pháp đồng bộ trong sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài.
Khẳng định nguồn vốn vay nước ngoài có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị Báo cáo giám sát cần làm rõ, đánh giá đầy đủ tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA; nêu rõ những cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt cũng như chưa tốt chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài (vốn ODA); qua đó đề ra những giải pháp cụ thể để tiếp tục sử dụng và quản lý hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài.
Đánh giá cao UBTVQH đã lựa chọn chủ đề thiết thực về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải mong muốn Báo cáo giám sát nêu rõ hơn tính hiệu quả của công tác quản lý ngồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016. Có những luận giả rõ về việc quản lý nguồn vốn này có tốt hay không, có để xảy ra những thất thoát lãng phí hay không, có đáp ứng được yêu cầu thực tiễn hay không, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện như thế nào và kết quả ra sao; nếu có sai phạm thì cũng nêu lên những sai phạm cụ thể là gì.
Quan ngại trước những vấn đề còn hạn chế, tồn tại trong thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài mà Báo cáo giám sát đã chỉ ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng những vấn đề hạn chế mà chúng ta đã thấy thì phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai và trách nhiệm đến đâu; những kiến nghị khắc phục cụ thể là như thế nào.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, điều kiện nguồn vốn ODA, mức độ ưu đãi của các nguồn vốn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam đang giảm dần. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng tiêu chí lựa chọn các dự án, tiêu chí đánh giá hiệu quả các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, tạo cơ sở để bảo đảm tính chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch trong ký kết hiệp định, bảo đảm quyền lợi của phía Việt Nam trong tiếp nhận nguồn vốn; kiên quyết loại bỏ các dự án không thực sự cấp bách, không phù hợp với điều kiện, tiêu chí về hiệu quả kinh tế và khả năng trả nợ, không vay cho chi thường xuyên. Tiếp tục hoàn thiện hoặc đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Song song với đó, các thành viên UBTVQH đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài trên địa bàn; phối hợp với các nhà tài trợ để đàm phán, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục, bảo đảm hài hòa giữa pháp luật Việt Nam và quy định của nhà tài trợ. Tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan và nhà đầu tư trong quá trình giải phóng mặt bằng, không để ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đã được ký kết. Quan tâm hơn nữa đến công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán và quyết toán công trình, việc bàn giao đưa các dự án đi vào sử dụng, bảo đảm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay; chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư, bảo đảm thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về các dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, sau khi phân tích, nêu bật những mặt được, những nhân tố tích cực cũng như những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: “UBTVQH thấy rằng cẩn phải ban hành một nghị quyết giám sát về nội dung này theo quy định của pháp luật và giao cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế cùng các cơ quan hữu quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết, xin ý kiến UBTVQH trước khi ký ban hành và đây là nghị quyết có giá trị pháp luật rất cao”.
Báo cáo giám sát kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 của UBTVQH cho thấy: Giai đoạn 2011-2016, đã có 319 Hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỷ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 – 2010 trong đó ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 32,296 tỷ USD và ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,346 tỷ USD, chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này. Bình quân trong giai đoạn 2011-2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ NSNN cho thấy vai trò quan trọng của nguồn lực vay ODA và ưu đãi nước ngoài.
Về tình hình giải ngân vốn vay, trong giai đoạn 2011-2016, tổng giải ngân cả giai đoạn khoảng 28 tỷ USD (tương đương khoảng 560 nghìn tỷ đồng), trong đó giải ngân nguồn vốn vay ODA là 23,2 tỷ USD chiếm 82,3%, vốn vay ưu đãi là 3,2 tỷ USD chiếm 11%; vay thương mại là 1,7 tỷ USD, chiếm khoảng 6% tổng trị giá giải ngân.
Trong giai đoạn 2011-2016, việc bố trí vốn kế hoạch đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực của bộ, ngành trung ương và địa phương đã được quan tâm, theo đó đã ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Trong đó, nguồn lực đối ứng chủ yếu dành cho các công trình giao thông (31.146 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng vốn đối ứng); đối với các địa phương, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các dự án ODA của địa phương đã tập trung ưu tiên cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Miền núi phía Bắc, Tây Nguyên./.
Về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp trong quản lý, sử dụng nguồn vốn, Báo cáo giám sát khẳng định, các bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã phối hợp chặt chẽ từ khâu xây dựng văn bản pháp quy, chiến lược, quy hoạch thu hút và sử dụng ODA; xây dựng chính sách, biện pháp điều phối trong thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng ODA trên địa bàn; chú trọng phối hợp, lồng ghép các dự án, tổ chức các buổi chia sẻ thông tin đa chiều giữa dự án với dự án, dự án với cơ quan quản lý, tổ chức kiểm tra dự án. Đặc biệt, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ, nhất là nhóm 6 ngân hàng phát triển, đã nỗ lực trong điều hành để thu hút, sử dụng nguồn lực đạt kết quả tốt./.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn