Thuế tài sản sẽ tác động tới thu nhập ra sao?
Linh Hà
2018-12-17T04:02:59-05:00
2018-12-17T04:02:59-05:00
https://nxbcongthuong.vn/news/thoi-su/thue-tai-san-se-tac-dong-toi-thu-nhap-ra-sao-24067.html
/themes/nxbcongthuong/images/no_image.gif
Nhà xuất bản Công Thương
https://nxbcongthuong.vn/uploads/logo_small.png
Thứ hai - 17/12/2018 04:02
Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa tổ chức “Hội thảo khoa học khả năng áp dụng và tác động của thuế tài sản ở Việt Nam”.
TS Nguyễn Việt Cường từ Đại học Kinh tế quốc dân đã có nghiên cứu đưa ra dự báo ảnh hưởng của Luật Thuế tài sản lên phúc lợi hộ gia đình. Dự báo này dựa trên số liệu “Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2016” do Tổng cục Thống kê điều tra với mẫu 9.399 hộ gia đình tại 6 vùng địa lý, bao gồm cả nông thôn và thành thị.
Có các kịch bản nghiên cứu thuế tài sản với các ngưỡng chịu thuế 700 triệu đồng, 1 tỷ đồng, 2 tỷ đồng; với thuế suất 0,3% và 0,4%.
TS Nguyễn Việt Cường đã phân tích, đối với ngưỡng 700 triệu đồng, nếu thuế suất 0,3% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 978 nghìn đồng (bằng 0,66% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 638 nghìn đồng (bằng 0,27% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4% thì mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,3 triệu đồng (bằng 0,89% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 851 nghìn đồng (bằng 0,36% tổng chi tiêu).
Đối với ngưỡng 1 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 897 nghìn đồng (bằng 0,61% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 600 nghìn đồng (bằng 0,25% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,198 triệu đồng (bằng 0,82% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 800 nghìn đồng (bằng 0,34% tổng chi tiêu).
Cuối cùng, đối với ngưỡng 2 tỷ đồng, nếu thuế suất là 0,3%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 763 nghìn đồng (bằng 0,53% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 525 nghìn đồng (bằng 0,22% tổng chi tiêu). Nếu thuế suất là 0,4%, mức thuế mỗi hộ phải nộp là 1,019 triệu đồng (bằng 0,72% tổng thu nhập), mức chi tiêu giảm đi là 700 nghìn đồng (bằng 0,29% tổng chi tiêu).
“Phương án thuế suất 0,3% và ngưỡng chịu thuế 2 tỷ đồng đối với nhà ở là có tác động nhỏ nhất với hộ gia đình. Phương án thuế suất 0,4% và ngưỡng chịu thuế 1 tỷ đồng đối với nhà ở có tác động nhỏ hơn đến các hộ gia đình nhưng vẫn duy trì được doanh thu thuế cao”, TS Nguyễn Việt Cường nhận định.
TS Nguyễn Việt Cường cũng chỉ ra thuế tài sản sẽ làm giảm thu nhập khả dụng (giảm 0,9%), giảm chi tiêu thực tế (giảm 0,7%). Các hộ gia đình có chủ hộ là nữ, chủ hộ nhiều tuổi, chủ hộ có học vấn cao bị ảnh hưởng nhiều hơn các hộ có chủ hộ là nam giới, trẻ tuổi và học vấn thấp. Các hộ gia đình có nhiều người cao tuổi bị ảnh hưởng nhiều hơn các gia đình bình thường.
TS Vũ Sĩ Cường (Học viện Tài chính) cung cấp thông tin, đóng góp trung bình của thuế bất động sản vào GDP các nước OECD là 2,12%, tại các nước đang phát triển là 0,6%, tại các nền kinh tế chuyển đổi là 0,68%. Tính trung bình tất cả các quốc gia là 1,04% GDP.
TS Vũ Sỹ Cường cho rằng, ở nhiều nước phát triển, việc đánh thuế này đạt đồng thuận cao nhờ sự minh bạch và tính giải trình trong cả thu và chi tại các nước này rất cao. Còn tại Việt Nam, tính minh bạch và giải trình còn thấp nên chưa có sự đồng thuận.
Đánh giá về kết quả nghiên cứu, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, băn khoăn dự thảo Luật Thuế tài sản lần này được đưa ra trong bối cảnh hiện chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về phân phối tài sản của xã hội, trong khi đây sẽ là hàm tham chiếu để tính mốc đánh thuế hợp lý nhất. Cần tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp trong cả thu và chi để người dân biết, từ đó mới không vấp phải phản ứng từ người dân.
Trước đó, về dự thảo Luật Thuế tài sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng đã bày tỏ quan điểm, hoan nghênh, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhân dân cả nước về dự thảo luật này để tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, khi xây dựng dự thảo Luật, Bộ Tài chính đã khá chủ động xin ý kiến nhân dân, chuyên gia sớm, để hoàn thiện dự án, từ đó sẽ góp phần xây dựng các quy định đóng góp nhiều vào công tác phòng ngừa, phòng chống tham nhũng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, hạn chế sử dụng tài sản công, nâng cao minh bạch, góp phần nâng cao NSNN. Cuối cùng mới là lý do tăng thêm nguồn thu ngân sách về tài sản, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại nguồn thu NSNN. Bộ Tài chính cũng đang thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi ngân sách, đặc biệt giảm chi thường xuyên để có tiền chi cho đầu tư phát triển như: khoán xe công; thực hiện tinh giản bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa…
Nguồn tin: baochinhphu.vn