Cải thiện chất lượng lao động là yêu cầu cấp bách để thu hút đầu tư |
Khó tuyển lao động có kỹ năng
Theo khảo sát của Cục Việc làm, hiện có 39,86% DN FDI đang thiếu hụt lao động và các DN này chủ yếu khắc phục bằng tuyển lao động mới, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do không có lao động đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật (chiếm gần 77%). Ông Simon Matthews - Tổng giám đốc ManPower Group Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, Việt Nam - đánh giá, Việt Nam đang thiếu lao động chuyên môn cao, lực lượng lao động tay nghề cao của Việt Nam chỉ chiếm 11%, trong khi tay nghề trung bình và lao động không có chuyên môn chiếm áp đảo.
Nguyên nhân chất lượng nguồn lao động thấp, kỹ năng không đáp ứng yêu cầu của DN FDI được nhiều chuyên gia, DN phân tích là do xuất phát từ hệ thống giáo dục, hướng nghiệp và đào tạo chưa theo kịp nhu cầu của thị trường lao động, nhất là đối với lao động yêu cầu kỹ năng cao; lao động không có sự chuẩn bị nên khó thích nghi với yêu cầu phát triển. Ngay như tỉnh Đồng Nai, địa phương có số DN FDI hoạt động lớn, nhưng ông Phạm Văn Cộng - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cũng phải thừa nhận, chất lượng đào tạo nghề của địa phương còn bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật của các DN FDI trên địa bàn.
Loại bỏ tâm lý "chứng chỉ"
Dự báo của Cục Việc làm, năm 2018, nhu cầu tuyển thêm lao động tập trung chủ yếu tại DN FDI (chiếm 51,96%). Vì vậy, để có thể tìm kiếm việc làm tại khu vực này, ông Colin Blackwell - Trưởng nhóm Nguồn nhân lực (Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam) - cho rằng, nguồn nhân lực của Việt Nam là "một thế mạnh quan trọng" nhưng lâu nay, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn băn khoăn về chất lượng bởi thiếu tính sáng tạo, kỷ luật và giáo dục chưa phù hợp. "Đã đến lúc không thể thu hút FDI dựa vào nhân công giá rẻ nữa, mà phải tiến lên nấc thang giá trị cao hơn, với thu nhập cao hơn" - ông Colin Blackwell khuyến nghị.
Hiện nay, tại nhiều địa phương, tuy đã có hệ thống các trường dạy nghề, nhưng ngành nghề đào tạo còn chưa sát với vị trí tuyển dụng của DN FDI, dẫn đến bị động trong việc cung ứng nguồn nhân lực cho khu vực này. Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, các cấp quản lý và chính quyền địa phương cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đưa ra các chính sách đột phá trong đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của DN. Đồng thời, cần nâng tính sẵn sàng của người lao động về tiếp thu kiến thức mới.
Nhiều ý kiến khác đề xuất thêm, chất lượng đào tạo của các trường đại học, trường nghề cần được quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn. Việc liên kết giữa các cơ sở này với DN là không thể bỏ qua nhằm gắn lý thuyết với thực hành trong quá trình đào tạo, tránh tình trạng học viên ra trường, DN vẫn phải đào tạo lại hoặc đào tạo những thứ không phù hợp với yêu cầu công việc. Theo ông Colin Blackwell, để cải thiện hiệu suất lao động, Việt Nam cần đánh giá đúng tầm quan trọng của đào tạo nghề, và phải loại bỏ tâm lý "chứng chỉ", chất lượng nhân lực phải được cải thiện thực chất để tiếp cận với khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, hình thành tác phong công nghiệp hiện đại.
Ông Vũ Đại Thắng -Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Mục tiêu chiến lược và định hướng thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 - 2030 là từng bước chuyển dần thu hút FDI với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao. |
Nguồn tin: baocongthuong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn