![]() |
16 diễn giả và 500 lãnh đạo cấp cao đến từ nhiều lĩnh vực tham dự Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 |
Với chủ đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2020 được tổ chức trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng 4.0 đã làm thay đổi nền kinh tế thế giới. Là một phần trong bức tranh kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng như các nền kinh tế khác chịu ảnh hưởng không nhỏ từ đại dịch và khuynh hướng đầu tư mới của khu vực. Trong bối cảnh này, triển vọng của kinh tế Việt Nam với mức tăng trưởng dương cao nhất trong 5 nền kinh tế tại Đông Nam Á, có thể coi là tích cực trong bối cảnh nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Việt Nam cũng đã và đang có nhiều nỗ lực để vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội để trở thành điểm dừng chân của làn sóng đầu tư mới của khu vực khi có xu hướng tái chuyển dịch dòng vốn toàn cầu.
Tại Diễn đàn, các diễn giả đã cung cấp cái nhìn tổng thể và sâu sắc về thị trường M&A Việt Nam với 3 phiên thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề nóng hổi.
Với tiêu đề “Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới”, dưới sự điều phối của ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành, Công ty Luật Baker & McKenzie, tại Phiên 1, các diễn giả đã có góc nhìn tổng quan về thị trường M&A Việt Nam trong 2020. Những thương vụ thành công và nổi bật, những dự báo ngành, lĩnh vực tiềm năng cho hoạt động M&A trong giai đoạn tới như: ngành bán lẻ, bất động sản, tài chính- ngân hàng, năng lượng... là mối quan tâm của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…
![]() |
Các diễn giả trong nước và quốc tế thảo luận tại Diễn đàn M&A 2020 |
Với sự xuất hiện của các diễn giả: Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation; Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham; ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia; ông Paul DiGiacomo, Giám đốc điều hành cấp cao, BDA Partners; Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty ASL Law…nhiều góc độ của thị trường M&A Việt Nam đã được phân tích, mổ xẻ.
Theo các diễn giả, trên phạm vi toàn cầu, giá trị M&A năm 2020 tính đến quý II/2020 đã ghi nhận suy giảm 52%. Việt Nam được đánh giá ít bị tác động nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á nhưng trong trạng thái bình thường mới, hoạt động M&A dự kiến suy giảm, với giá trị năm 2020 ước đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019).
Tuy nhiên giới đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường M&A trong giai đoạn hậu Covid. Theo dự báo của CMAC, thị trường có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Theo đó thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.
Trong giai đoạn 6/2019 – 10/2020, các ngành chủ yếu thu hút các thương vụ M&A: Bất động sản, Tài chính - Ngân hàng, Công nghiệp, Bán lẻ, Logistics, Nông nghiệp, Dược phẩm - Y tế, Xây dựng. Thị trường M&A 2020 tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại, trong đó tập trung vào 4 quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore. Tuy nhiên tỷ trọng giá trị M&A mà doanh nghiệp Việt Nam đóng vai trò bên mua đang có xu hướng tăng lên.
Mặc dù đại dịch Covid-19 với lệnh phong tỏa biên giới ở nhiều quốc gia đang làm chậm lại các hoạt động M&A tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn trong dài hạn, dịch bệnh sẽ khiến thị trường bùng nổ với nhu cầu gia tăng cả bên bán và bên mua.
Phiên 2 với chủ đề thảo luận “Chiến lược tái cấu trúc của các tập đoàn thông qua M&A”, dưới sự điều phối của ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch GIBC, các diễn giả bao gồm ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cao cấp Tài chính, Tập đoàn Novaland và ông Denis Brunetti, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc phụ trách khu vực Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, Tập đoàn Ericsson đã thảo luận, chia sẻ thông tin liên quan đến Chiến lược tái cấu trúc, hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi giá trị của các Tập đoàn thông qua hoạt động M&A? Xây dựng chiến lược M&A thế nào là tối ưu và tạo ra sự tăng trưởng đột phá? Doanh nghiệp lựa chọn M&A theo chiều dọc, hay chiều ngang? Chuỗi giá trị của doanh nghiệp được hình thành như thế nào? Chiến lược quản lý công ty hậu M&A như thế nào là hợp lý? Sử dụng nhân sự tại công ty thành viên hay là thay máu đội ngũ lãnh đạo.
“Cơ hội M&A trong lĩnh vực bất động sản” là chủ đề được các diễn giả phân tích mổ xẻ tại phiên 3 dưới sự điều phối của ông Michael Paul Piro, Giám đốc điều hành, Indochina Capital Corporation. Cùng với các diễn giả đến từ Công ty Gamuda Land (HCMC), ông Lim Hua Tiong, Tổng giám đốc Công ty Frasers Property Vietnam, ông Vũ Minh Tiến, Thành viên HĐQT phụ trách kiểm soát chiến lược đầu tư và M&A, Tập đoàn An Thịnh, bà Khanh Nguyễn, Giám đốc cao cấp thị trường vốn, Công ty JLL Việt Nam, Công ty Hưng Thịnh Land…đã cùng nhau đánh giá hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản trong năm 2020 và dự báo triển vọng trong thời gian tới. Nhận diện các điểm nghẽn đối với hoạt động M&A trong lĩnh vực bất động sản? Hoạt động M&A trong lĩnh vực này sẽ sôi động và bứt phá như thế nào trong thời gian tới nếu những điểm nghẽn này được tháo gỡ?...
Tại Diễn đàn M&A 2020, các diễn giả, các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách đều cho rằng: mặc dù năm 2020 thị trường M&A Việt Nam chỉ có thể đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên hoạt động M& A có thể tăng trở lại từ giữa 2021, khi kinh tế hồi phục và dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển mạnh mẽ hơn với qui mô thị trường có thể quay trở lại mức 5 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng nhận định: các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao về Việt Nam. IMF dự báo Việt Nam là nước duy nhất duy trì kinh tế dương so với các nước trong khu vực. Còn theo Euromonitor Việt Nam đạt 102 điểm hoạt động M&A (chỉ đứng sau Mỹ). Điều này cho thấy Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và an toàn cho nhà đầu tư nước và dự báo 2021 là 5 tỷ USD.
Bên cạnh đó việc Việt Nam tham gia hàng loạt các FTA như EVFTA hay việc ký kết hiệp định toàn diện của khu vực (RCEP) được ký kết vào 15/11/2020 cũng sẽ là những yếu tố thúc đẩy tự do hoá thương mại trong thời gian tới. Đồng thời mục tiêu của Chính phủ năm 2021đặt mục tiêu tăng trưởng 6% và quản lý dịch bệnh tốt cũng là những yếu tố thúc đẩy M&A tại Việt Nam “trỗi dậy” trong năm 2021.
Tại Diễn đàn M&A 2020 cũng đã vinh danh các thương vụ đầu tư và mua bán M&A tiêu biểu trong năm 2019-2020. Cụ thể như KEB hHana Bank sở hữu 15% của BIDV (878 triệu USD); KKR mua vinhomes (~$650 triệu USD); Stark Corp mua lại Thịnh Phát (240 triệu USD); Sumitomo Life mua Bảo Việt (22.09% cổ phần tương đương 173 triệu USD); DKRH mua 100% dự án của Sun frontier; Aozora mua 15% (dưới dạng bán cổ phiếu riêng lẻ cho cty nước ngoài) của OCB… |
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn