Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao
Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, sản xuất giày… lâm vào tình trạng khó khăn từ khâu nhập nguyên vật liệu đến việc tìm kiếm thị trường cho sản phẩm. Một số đơn vị buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân sự, phân công ca làm việc luân phiên.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hoá, tính đến cuối tháng 3/2020, những điều chỉnh này đã trực tiếp tác động tới hoạt động của 27,78% lao động tại các doanh nghiệp. Trong đó, số người buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động chiếm 9,9%, số người tạm hoãn hợp đồng lao động chiếm 1,58% và 16,3% lao động bị giảm giờ làm, giảm thu nhập. Tỉ lệ thất nghiệp tại địa phương trên được dự báo sẽ tăng nhanh trong quý II/2020 và có thể phải mất nhiều thời gian để ổn định trở lại.
![]() |
Một số doanh nghiệp buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, phân công ca làm việc luân phiên... do dịch Covid-19 (Ảnh minh họa) |
Cũng trong quý I/2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN) cho 3.430 người lao động, tăng 3,56%; tiếp nhận thông tin khai báo, tư vấn việc làm cho 15.161 người, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Lê Đăng Thanh - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Thanh Hóa - cho biết: Trong 4 tháng đầu năm, lượng hồ sơ Trung tâm tiếp nhận qua cả đường bưu điện và trực tiếp đều gia tăng. Từ khi tiếp nhận hồ sơ đến khi có quyết định giải quyết chế độ TCTN là 20 ngày nhưng Trung tâm cùng các bộ phận liên quan khẩn trương thẩm định, giải quyết nhanh các chế độ liên quan, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Bên cạnh đó, những người lao động vẫn đến nhận quyết định hưởng TCTN, khai báo tình hình việc làm và được tư vấn tìm kiếm việc.
Theo kế hoạch, Trung tâm sẽ khảo sát khoảng 600 doanh nghiệp về tình hình biến động lao động và nhu cầu sử dụng lao động, để thực hiện xây dựng bản tin thị trường lao động quý I/2020. Trên thực tế, để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hơn 10 phiên giao dịch việc làm tập trung theo thông lệ đã phải huỷ bỏ, thời gian và quy trình tiếp đón công dân tới làm việc trực tiếp tại trụ sở chính và các văn phòng Trung tâm cũng phải điều chỉnh phù hợp.
Thời điểm giãn cách xã hội, Trung tâm đã hỗ trợ người lao động khai báo tìm kiếm việc làm qua điện thoại, thư điện tử, website…; nếu người lao động đang bị cách ly y tế bắt buộc thì có thể gửi phiếu khai báo qua đường bưu điện về Trung tâm. Nhờ đó, ngay cả khi không thể ra khỏi nhà, hàng chục ngàn lao động vẫn có thể kịp thời tiếp cận những thông tin hữu ích về những vị trí việc làm còn trống ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Kết quả cho thấy, trong quý I/2020, Trung tâm đã thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho khoảng 10.740 trường hợp và tư vấn xuất khẩu lao động cho 1.278 đối tượng, trong đó, chủ yếu là tới làm việc theo hợp đồng có thời hạn ở hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hơn 800 điểm chi trả hỗ trợ người dân
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng bố trí hơn 800 điểm chi trả hỗ trợ dân gặp khó vì dịch Covid-19 theo Quyết định 42/NQ-CP. Theo số liệu thống kê, tỉnh Thanh Hóa có 72.225 đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, 200.862 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo: 539.161 hộ. Tổng kinh phí dự kiến chi trả cho 3 nhóm đối tượng trên hơn 800 tỷ đồng.
Theo ông Trịnh Phương Nam - Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Thanh Hóa, để đảm bảo công tác chi trả nhanh và kịp thời, Bưu điện bố trí giãn cách với trên 800 điểm chi trả và hơn 1.100 nhân viên thực hiện gói an sinh xã hội theo Quyết định 42. Bưu điện tỉnh cũng xây dựng các phương án báo cáo UBND cấp huyện để UBND huyện có văn bản chỉ đạo các xã phối hợp, hỗ trợ với Bưu điện trong công tác chi trả. Thông tin đến các UBND các xã, phường hướng dẫn các thủ tục cho người dân để họ không phải đi lại nhiều lần. Những người già, bệnh tật không đi lại được, cán bộ bưu điện chi trả sẽ đến trực tiếp từng nhà.
Với những bước làm này, tỉnh Thanh Hoá sẽ vừa đồng hành cùng doanh nghiệp, vừa thực hiện được vai trò bảo vệ người lao động và người dân để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm ổn định được tình hình sản xuất hậu đại dịch.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn