Bảo hiểm thất nghiệp trở thành điểm tựa vững chắc cho người lao động Đà Nẵng

Thứ sáu - 08/05/2020 02:08
Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã góp phần thiết thực giải quyết khó khăn của người lao động Đà Nẵng khi rơi vào tình trạng mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; không chỉ bảo đảm quyền lợi người lao động mà còn đóng góp vào sự vững mạnh của hệ thống an sinh xã hội.
 

Từ đầu năm 2020, dịch bệnh kéo dài đã trực tiếp tác động đến cuộc sống của hàng nghìn người lao động tại Đà Nẵng khi hơn 1.000 doanh nghiệp bị đình trệ nặng nề hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính tới đầu tháng 4, thành phố có gần 58.000 lao động thuộc các ngành nghề điện tử, du lịch, dệt may… bị mất việc làm hoặc nghỉ việc không lương do các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô sản xuất nhằm duy trì hoạt động trong thời gian dịch bệnh.

Thời điểm này bảo hiểm thất nghiệp trở thành “cứu cánh” quan trọng đối với người lao động. Ở mỗi giai đoạn khác nhau, chính sách bảo hiểm thất nghiệp có những quy định khác nhau nhưng đều hướng tới mục đích hỗ trợ người lao động khi gặp khó khăn được hưởng chế độ do Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chi trả theo quy định, có điều kiện tiếp tục được tham gia thị trường lao động. Người tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian mất việc được hưởng mức trợ cấp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc (có khống chế mức hưởng tối đa). Người lao động cũng được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Điểm đáng lưu ý nhất trong chính sách bảo hiểm thất nghiệp không phải là việc trợ cấp cho người lao động mà là trao cho họ cơ hội học nghề, lựa chọn nghề nghiệp mới, phù hợp để sớm tìm kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống.
 

bao hiem that nghiep tro thanh diem tua vung chac cho nguoi lao dong da nang

Bảo hiểm thất nghiệp cho thấy vai trò thiết thực đảm bảo quyền lợi người lao động trong tình hình khó khăn chung


Trợ cấp thất nghiệp hàng tháng đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho cuộc sống của hàng nghìn lao động. Từ đầu năm đến nay, số người tới Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng làm thủ tục đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng cao. Riêng con số này của tháng 3 đã cao hơn 1,5 lần so với bình quân các tháng của những năm trước. Trong thời gian qua, gần 3.000 trường hợp đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, gần 19.000 đối tượng đã được tư vấn, giới thiệu việc làm mới để sớm quay trở lại thị trường lao động. Người lao động được cán bộ nhân viên của trung tâm hỗ trợ tư vấn, nắm bắt nhu cầu và giải quyết theo nguyện vọng của mình về lao động, việc làm và bảo hiểm thất nghiệp.

Đáng chú ý, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn ngày một tăng cho thấy nhận thức của người lao động và doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm thất nghiệp có thay đổi. Họ xác định được ý nghĩa, quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật, từ đó đã thúc đẩy việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày một hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, thời gian qua cơ quan bảo hiểm xã hội TP. Đà Nẵng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong việc thực hiện các quy định về chính sách bảo hiểm thất nghiệp của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động. Với những trường hợp doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng lao động nhưng không tuân thủ Luật Lao động về việc trả lương cho người lao động, người lao động có thể liên hệ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố để được hướng dẫn khiếu nại doanh nghiệp, giành quyền lợi chính đáng.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã và đang khẳng định tính ưu việt trong việc bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống, việc làm cho người lao động tại địa phương nói riêng cũng như trên cả nước nói chung. Các chuyên gia nhận định, để chính sách bảo hiểm thất nghiệp phát huy hiệu quả hơn, thiết thực hơn, cần tăng cường liên kết giữa người sử dụng lao động và người lao động trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm. Cùng với đó, Trung tâm dịch vụ việc làm cần thực hiện giải pháp nâng cao, đổi mới hoạt động tư vấn, hỗ trợ việc làm, kết nối người lao động với doanh nghiệp hiệu quả nhất nhằm hướng người lao động sớm trở lại thị trường lao động.

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi