Tây Nam bộ: Tăng kiểm tra thị trường, đảm bảo ổn định giá trong mùa dịch

Thứ sáu - 27/03/2020 05:59
Tác động từ dịch Covid-19 trong thời gian qua đã kéo một số mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực và thực phẩm rơi vào tình trạng “cầu vượt quá cung”. Để tránh trường hợp lợi dụng thời điểm này để tăng giá, găm hàng trên thị trường, ngành chức năng các tỉnh Tây Nam bộ đã tăng cường công tác kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa trong vùng.
 

Nói về tình hình cung cầu hàng hóa trên thị trường trong tỉnh, ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An - cho biết: Do nhu cầu mua tích trữ hàng hóa thiết yếu tăng mạnh nên Sở này đã yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh phân phối, bán lẻ trong tỉnh chủ động nguồn hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu để cung ứng khi người dân cần, ổn định thị trường và tránh hiện tượng đầu cơ, tăng giá.

Theo ghi nhận tại tỉnh Long An, kể từ sau tết tới nay mặt hàng khẩu trang y tế và nước rửa tay sát khuẩn là sản phẩm có sức mua tăng mạnh nhất, khiến luôn trong tình trạng cháy hàng. Để không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Long An đã liên tục kiểm tra các điểm bán, cơ sở kinh doanh cũng như kịp thời phát hiện, thu giữ việc buôn bán khẩu trang trái phép qua biên giới. Gần đây nhất, các ngành chức năng đã kịp thời phát hiện 50.000 khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc chuẩn bị chuyển sang Campuchia tiêu thụ. Hiện toàn bộ số khẩu trang này đã bị lực lượng chức năng lập biên bản tạm giữ chờ xử lý.

tay nam bo tang kiem tra thi truong dam bao on dinh gia trong mua dich
Các điểm bán lẻ tại khu vực Tây Nam bộ luôn đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân

Cũng như Long An, tại tỉnh Sóc Trăng dù chưa phát hiện ca nhiễm Covid-19 nào nhưng do tâm lý lo lắng, nhiều người dân đua nhau mua khẩu trang, nước rửa tay, gạo, mì gói… về tích trữ, gây ra tình trạng mua sắm tăng đột biến tại các kênh bán lẻ trên địa bàn.

Để góp phần ổn định cung - cầu trên thị trường, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã ra quân kiểm tra các siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn. Việc kiểm tra tập trung vào các mặt hàng thiết yếu nhằm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng tăng giá quá mức, đảm bảo đủ nguồn hàng cho người tiêu dùng. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở, siêu thị chấp hành tốt quy định, hàng hóa niêm yết rõ ràng, không có hành vi đầu cơ găm hàng, tăng giá, qua đó đảm bảo đủ nguồn cung cho người tiêu dùng.

Tại Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Thậm - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang - cho biết, tỉnh này đã lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Công Thương chủ trì để tăng cường công tác kiểm tra niêm yết giá, kịp thời xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán bất hợp lý cũng như buôn bán hàng giả, kém chất lượng, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

“Việc chủ động của Sở cùng các đơn vị liên quan đã góp phần đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu và tới nay trong tỉnh không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến mặt hàng nào”, ông Thậm khẳng định.

Theo các ngành chức năng khu vực Tây Nam bộ, để tiếp tục ổn định thị trường hàng hóa, trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh này sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Qua công tác kiểm tra, nếu phát hiện có tình trạng găm hàng, tăng giá sẽ xử lý vi phạm các đơn vị đó. Đối với các chợ đầu mối, các cửa hàng lớn nhỏ ở vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới cũng sẽ được tăng cường kiểm tra nhiều hơn để xử nghiêm các hành vi vi phạm.

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, ngành Công Thương Tây Nam bộ đã thực hiện nghiêm theo chỉ đạo từ Bộ Công Thương về công tác tăng dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, đảm bảo đủ nhu yếu phẩm cho người dân trong mùa dịch. Cụ thể, tỉnh Long An chỉ đạo các đơn vị sản xuất, phân phối tăng gấp đôi lượng hàng; An Giang xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường năm 2020 trên địa bàn tỉnh với sự tham gia của 22 doanh nghiệp với 76 điểm bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh, tổng giá trị hàng hóa gần 5.000 tỷ đồng… Đặc biệt, các tỉnh cho biết từ ký kết hợp tác kết nối cung- cầu giữa TP. Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng, hàng hóa sẽ được đảm bảo điều phối qua lại giữa các địa phương để không xảy ra thiếu hàng.

Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An:
Qua việc thường xuyên khảo sát các doanh nghiệp kinh doanh phân phối, bán lẻ chúng tôi nhận thấy sự chủ động nguồn hàng hóa, nhất là những mặt hàng thiết yếu để cung ứng khi người dân cần. Chính vì thế trong tỉnh không xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trong thời điểm dịch bệnh.

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi