Ảnh: VGP/Thế Phong |
Cuộc họp là một trong những hoạt động cuối cùng ở cấp Ủy ban và Nhóm công tác trong khuôn khổ Hội nghị SOM 1.
Theo Ban Thư ký APEC, công tác chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp APEC (SOM 1) đã hoàn tất với hoạt động của Ủy ban điều phối SOM về Hợp tác kinh tế-kỹ thuật (SCE), Nhóm bạn Chủ tịch (FoTC) về kết nối, và Hội đồng điều hành Cơ quan hỗ trợ chính sách (PSU).
Là hoạt động đầu tiên có sự tham dự trực tiếp của các quan chức cao cấp APEC, Nhóm bạn Chủ tịch về kết nối đã cập nhật tiến độ thực hiện các sáng kiến nhằm triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối của APEC. Đại diện các nền kinh tế cũng thảo luận việc thực hiện Kế hoạch dài hạn về đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như Lộ trình cạnh tranh dịch vụ APEC.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nhấn mạnh tăng cường kết nối sẽ góp phần tạo những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển bao trùm và gắn kết, tăng cường liên kết kinh tế khu vực và đưa các nền kinh tế APEC xích lại gần nhau hơn.
Phiên họp của Ủy ban điều phối SOM về Hợp tác kinh tế-kỹ thuật đã nghe báo cáo của Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế Alan Bollard về việc hài hòa kế hoạch công tác của các cơ chế với mục tiêu và tầm nhìn tổng thể của APEC. Trên cơ sở đó, Ủy ban đã rà soát, đóng góp ý kiến đối với kế hoạch hành động năm 2017 của các nhóm công tác trực thuộc.
Ủy ban này là cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực các nền kinh tế thành viên APEC, một trong những trọng tâm của Chương trình nghị sự Osaka APEC đưa ra năm 1994 để triển khai các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư. Hợp tác nâng cao năng lực cũng góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên, qua đó thúc đẩy tính bao trùm và bền vững của hợp tác APEC.
Cũng trong ngày 1/3, Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế Alan Bollard và Giám đốc Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU) Denis Hew đã có buổi gặp gỡ báo chí để thông tin về bối cảnh Hội nghị SOM 1 và chia sẻ đánh giá triển vọng thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nền kinh tế APEC.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, ông Bollard khẳng định trong bối cảnh tâm lý nghi ngại toàn cầu hoá hiện nay, APEC có nhiều lợi thế để khẳng định vai trò là động lực của liên kết kinh tế khu vực, đồng thời, là nền kinh tế đã hội nhập thành công, có được nhiều lợi ích từ mở cửa và tự do hóa thương mại, Việt Nam có thể phát huy vai trò to lớn trong dẫn dắt xu thế liên kết kinh tế quốc tế.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn