Sóc Trăng: Tìm cách tăng giải ngân nguồn vốn

Thứ sáu - 20/03/2020 01:01
Làm thế nào để tăng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn khuyến công của Sóc Trăng trong năm 2020 là nhiệm vụ khó, khi lực lượng cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) của tỉnh hạn chế cả về số lượng và chất lượng.        
Năm 2019, khuyến công Sóc Trăng được phê duyệt 2,323 tỷ đồng cho triển khai các chương trình đề án. Theo đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã triển khai và hoàn thành 1 kế hoạch, 12 đề án. Các đề án đã phát huy tốt hiệu quả, khi không chỉ giúp các cơ sở CNNT ứng dụng khoa học - công nghệ mới, mở rộng sản xuất, mà còn giúp gia tăng thị phần trong nước, tìm kiếm thị trường mới.
 
soc trang tim cach tang giai ngan nguon von

Ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp nông thôn


Tiêu biểu, Đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong sản xuất bánh pía - lạp xưởng – bánh phồng tôm" được khuyến công Sóc Trăng phối hợp triển khai tại Công ty TNHH Quãng Trân (xã An Hiệp, huyện Châu Thành). Đề án có tổng kinh phí thực hiện 641,7 triệu đồng, trong đó kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 294 triệu đồng. Dưới sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, doanh nghiệp đã đầu tư 1 lò hơi, công suất 1.000 kg/giờ; 1 hệ thống đường ống dẫn hơi và nước ngưng dài 50 m, cách nhiệt 50 mm, tole mạ màu. Sau khi thiết bị mới được đưa vào hoạt động đã giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động tại địa phương. Sản phẩm ngày càng được ưa chuộng trên thị trường.

Tuy vậy, năm vừa qua, khuyến công Sóc Trăng chỉ thực hiện được 871,91 triệu đồng, đạt 37,53% kinh phí được cấp. Nguyên nhân được xác định là do số lượng cơ sở CNNT trên địa bàn ít về số lượng, nên khó tìm đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công. Cùng đó, sản xuất của các cơ sở này manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm đơn điệu, hiệu quả đầu tư thấp, khiến việc tìm kiếm đối tượng thụ hưởng khuyến công đã khó càng thêm khó. Bên cạnh đó, công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án còn hạn chế về chất lượng cũng là một phần nguyên nhân khiến khuyến công Sóc Trăng không chỉ khó giải ngân vốn, mà còn gặp khó trong quá trình triển khai các hoạt động.

Với quyết tâm tăng tỷ lệ giải ngân kinh phí khuyến công năm 2020; tăng số lượng chương trình, đề án… từ cuối năm 2019, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã tổ chức khảo sát thực tế tại các cơ sở CNNT có tiềm năng, tìm ra những đối tượng phù hợp để hỗ trợ xây dựng đề án.

Cùng đó, trung tâm đã đa dạng hóa phương thức thông tin, tuyên truyền về chính sách khuyến công, nhằm thu hút sự quan tâm của các cơ sở CNNT và tích cực tham gia, thụ hưởng; đưa chính sách khuyến công tới sâu rộng các địa phương trong tỉnh, phát huy được vai trò khuyến khích phát triển CNNT; lồng ghép, ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ cho cơ sở CNNT sản xuất các sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" và các đề án có vốn đầu tư lớn, thu hút nhiều lao động; khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ sản xuất, nhất là áp dụng công nghệ tiên tiến giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cũng sát sao thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đề án đang triển khai, kịp thời tháo gỡ khó khăn phát sinh để đảm bảo hoàn thành đúng mục tiêu tiến độ. Ngoài ra, để nâng cao chất lượng công tác khuyến công, trung tâm bố trí cán bộ luân phiên đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, phù hợp với đòi hỏi thực tế.

Năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sóc Trăng dự kiến triển khai 20 kế hoạch, đề án, với tổng kinh phí thực hiện trên 7,6 tỷ đồng.

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi