Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ.

Thứ năm - 07/06/2018 03:09
Họp phiên toàn thể tại Hội trường chiều 1/6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến của các Đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ và Hội trường về Dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan, đơn vị hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật.

Ngày 12/3/2018, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật; ngày 16/3/2018, Dự thảo Luật đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Tính đến ngày 26/4/2018, Văn phòng Quốc hội đã nhận được Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật của 53 Đoàn đại biểu Quốc hội.

Với 9 chương, 61 điều, dự án Luật Đo đạc và Bản đồ quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, về phạm vi điều chỉnh của Luật (điều 1), tiếp thu ý kiến góp ý của các ĐBQH, Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh sửa lại phạm vi điều chỉnh theo hướng liệt kê các nội dung quy định trong các Chương của dự thảo Luật nhằm thể hiện đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn phạm vi điều chỉnh của Luật; bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ; chỉnh sửa, bổ sung trách nhiệm quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ.

Đồng thời, trong dự thảo Luật, các nội dung đã được rà soát, đối chiếu với quy định liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ trong các luật khác như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Bộ luật Hàng hải… để tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ, tiếp thu ý kiến xác đáng của các ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý, bổ sung nguyên tắc hoạt động đo đạc và bản đồ phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; phù hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; kịp thời ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải được cập nhật, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; công trình hạ tầng đo đạc, thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ được xây dựng bằng ngân sách nhà nước là tài sản công, phải được kế thừa, sử dụng, quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật như đã được thể hiện tại Điều 4 của Dự thảo Luật.

Liên quan đến quy định về quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ, ông Phan Xuân Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến xác đáng của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo việc rà soát, chỉnh lý bổ sung các quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ vào dự thảo Luật như thể hiện tại Chương VIII.

Dự thảo Luật cũng đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các ĐBQH về bố cục, văn phong, kỹ thuật văn bản; chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung giải thích từ ngữ (Điều 3), chính sách của nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ (Điều 5), tài chính cho hoạt động đo đạc và bản đồ; dữ liệu ảnh hàng không, dữ liệu ảnh viễn thám; đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính…

Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật; nguyên tắc trong hoạt động đo đạc và bản đồ, đề nghị bổ sung các nguyên tắc: bảo đảm chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh; kế thừa, sử dụng chung và chia sẻ thông tin để bảo đảm thống nhất, không gây lãng phí; xã hội hóa, thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động đo đạc và bản đồ; các hoạt động đo đạc và bản đồ phải phù hợp với luật pháp quốc tế.

Một số ý kiến đề nghị rà soát quy định rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng và UBND cấp tỉnh trong việc quản lý đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; về bản đồ quy hoạch không gian ngầm, bản đồ xây dựng công trình ngầm  phù hợp với Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị.

Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng cơ quan soạn thảo dự án luật cần tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất của luật trong trong hệ thống pháp luật nói chung, tránh sự trùng lắp, chồng chéo.

Còn đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (TP HCM) đề xuất, dự án Luật cần bổ sung, nêu rõ hơn quy định về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; cũng như quy định rõ về điều kiện kinh doanh liên quan đến hoạt động đo đạc bản đồ.

Về điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ, có ý kiến đề xuất cần quy định thống nhất áp dụng việc cấp phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho tổ chức trong nước và nước ngoài, bảo đảm chặt chẽ việc cấp phép theo hướng giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính; làm rõ đối tượng cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ.

Bên cạnh đó, có kiến đề nghị không nên quy định quá cụ thể điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ mà để Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn về trình độ phát triển khoa học công nghệ trong hoạt động đo đạc và bản đồ từng giai đoạn.

Cho rằng, có những nội dung của hoạt động đo đạc và bản đồ có liên quan đến bí mật nhà nước, đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị dự án luật cần có những quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ. Cùng với đó là xây dựng các quy định liên quan đến vấn đề bảo đảm nguồn lực cho hoạt động đo đạc và bản đồ, có các chính sách thu hút nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước cho hoạt động đo đạc và bản đồ.

Ngoài ra, đề cập đến vấn đề về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, một số đại biểu cho rằng làm rõ sự cần thiết và quy định cụ thể nội dung của hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; nội dung dữ liệu khung, dữ liệu không gian địa lý quốc gia chuyên ngành; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; quy định việc bảo đảm kết nối, truy cập dữ liệu không gian địa lý qua cổng thông tin địa lý quốc gia.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Thư viện ảnh

Image cannot be loaded
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi