Dự thảo 1 luật sửa 13 luật được Quốc hội thảo luận sôi động

Thứ năm - 07/06/2018 03:10
 Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch là một dự án luật mà phạm vi tác động rất rộng và liên quan tới nhiều luật nên đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận sáng 1/6.

Phát biểu kết thúc thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết dự án luật này đã có 20 vị đại biểu Quốc hội đăng ký và đã phát biểu ý kiến. Có 2 vị đại biểu Quốc hội tranh luận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt cho Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra báo cáo giải trình thêm một số nội dung mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.

 

Nhìn chung, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao việc Chính phủ chuẩn bị dự án luật này và cũng tán thành với tờ trình dự thảo luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng cần thiết phải ban hành luật này và cũng đồng ý với đề nghị thông qua theo quy trình tại một kỳ họp để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc tạo ra khoảng trống pháp lý khi triển khai thi hành Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, về tên gọi và phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến tán thành với tên gọi như Tờ trình của Chính phủ và dự thảo luật, nhưng có ý kiến cho rằng tên gọi của dự án luật này còn quá dài, nhiều từ, đề nghị cân nhắc xem có cách nào gọn hơn cho dễ nhớ, đơn giản như thông lệ quốc tế.

Về phạm vi điều chỉnh của luật, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất tại kỳ họp này chỉ sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến Luật Quy hoạch, còn những vấn đề về cơ chế, chính sách quy định tại các luật này sẽ được nghiên cứu khi tổng kết thực tiễn, đánh giá chính sách và sửa đổi các luật này, còn không đưa các nội dung chính sách vào trong luật sửa đổi lần này.

Về sửa đổi, bổ sung các nội dung cụ thể tại các luật này, đại biểu Quốc hội cũng đã phát biểu rất cụ thể và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có ý kiến giải trình thêm một số vấn đề về các dự án luật này.

Riêng về dự án Luật Công chứng, đại biểu Quốc hội tán thành với việc bỏ quy hoạch trong Luật Công chứng. Cũng có ý kiến đề nghị không đưa đoạn giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thành lập và hoạt động văn phòng công chứng vào trong dự án luật sửa đổi, bổ sung các luật này. Một vài ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng công chứng là một nghề tư pháp, là một chủ trương rất lớn của Đảng, Nhà nước khi xã hội hóa hoạt động công chức nhưng cũng cần phải bảo đảm chất lượng, điều kiện, tiêu chuẩn của công chứng viên và thành lập các văn phòng công chứng. Đây là vấn đề đại biểu Quốc hội cũng tranh luận và có nhiều ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, với phạm vi điều chỉnh như vậy trong luật này chỉ điều chỉnh đến vấn đề liên quan đến quy hoạch. Còn những cái gì liên quan đến cơ chế, chính sách, liên quan đến điều kiện thành lập, tiêu chuẩn công chứng viên sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng kết và sẽ báo cáo với Quốc hội sửa đổi sau.

Đối với Luật Đầu tư công, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã giải trình, đây là vấn đề Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét, rà soát lại để có thể nói chỉ quy định vào trong luật này những cái gì liên quan đến quy hoạch, còn liên quan đến chính sách đầu tư xây dựng quy hoạch cần phải xem xét, không nên đưa vào.  

Đối với Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn để tránh trùng lặp, chồng chéo.

Có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm của quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện để không trùng lặp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng được quy định trong Luật Quy hoạch. Cũng có ý kiến đề nghị bỏ quy định về cấp giấy phép xây dựng trong Luật Xây dựng và chứng chỉ quy hoạch ngay trong luật này để tránh gây phiền hà, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Có ý kiến đề nghị đối với dự án Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị cần có thêm thời gian để rà soát, đánh giá, nghiên cứu và có thể đưa vào khi Quốc hội xem xét thông qua các luật còn lại liên quan đến Luật Quy hoạch tại kỳ họp thứ 6.

“Ý kiến các vị đại biểu Quốc hội đã được ghi chép, ghi âm đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu hoàn chỉnh dự án luật để trình Quốc hội thông qua dự án luật tại kỳ họp này theo đúng chương trình”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi