Ông Skripal là một điệp viên hai mang, năm 2004 bị Cơ quan an ninh Liên bang Nga bắt giữ và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội “Phản bội tổ quốc”, đồng thời bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu. Sau 6 năm thụ án, Skripal được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên và ông này được Anh cho cư trú.
Ngày 12/3, phát biểu trước Quốc hội Anh, Thủ tướng Theresa May nói rằng "có khả năng cao" Nga phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc nói trên.
Bà May cho rằng Nga phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ đầu độc này hoặc Moscow để cho một loại chất độc thần kinh rơi vào tay những đối tượng khác, đồng thời đưa ra yêu cầu là đến tối 13/3, Nga phải giải thích về vụ việc này với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học.
Phản ứng về động thái trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Zakharova nhấn mạnh “đó là trò diễn xiếc trong Quốc hội Anh, một chiến dịch thông tin-chính trị dựa trên sự khiêu khích”.
Trong khi đó, Người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov cho biết, cựu điệp viên Skripal làm việc cho tình báo Anh và bị đầu độc trên lãnh thổ Anh. Vì vậy vụ việc "không liên quan tới Nga”.
Còn trên tài khoản Twitter ngày 13/3, Đại sứ quán Nga tại Anh nêu rõ: “Hôm nay, Đại sứ quán Nga đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Anh, trong đó nhấn mạnh Nga không hề liên quan đến vụ việc tại thành phố Salisbury, đồng thời đề nghị tiến hành một cuộc điều tra chung”.
Tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Anh cũng nhấn mạnh Anh cần phải tuân thủ các quy định của Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC) để cùng tiến hành cuộc điều tra chung về vụ việc trên.
Về việc Anh ra tối hậu thư cho Nga phải trả lời ngay tức khắc xung quanh “vụ Skripal” thì Đại sứ quán Nga cũng nêu rõ Nga không trả lời tối hậu thư của Anh, vì đến nay, các chuyên gia Nga vẫn chưa được tiếp cận với hóa chất mà phía London cho là sử dụng trong vụ đầu độc. Do đó, Đại sứ quán Nga cho rằng hành động của chính quyền Anh "rõ ràng là hành động khiêu khích" và Liên bang Nga không liên quan đến vụ việc này.
Ngày 14/3, phía Nga thông báo triệu đại sứ Anh lên Bộ Ngoại giao để giải trình về các cáo buộc của Thủ tướng Anh. Cùng ngày, trong một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov cho biết đã chính thức yêu cầu London cho tiếp cận với độc chất, được cho là đã được sử dụng trong vụ việc, đồng thời đề nghị được tiếp cận với toàn bộ các thông tin về cuộc điều tra đang diễn ra, với lý do một trong các nạn nhân là công dân Nga, tức bà Ioulia Skripal (con gái cựu điệp viên). Ông Lavrov cho biết theo CWC, Anh phải ngay lập tức gửi yêu cầu tới nước bị nghi sử dụng hóa chất, đồng thời nước được gửi yêu cầu có quyền được tiếp cận với hóa chất được sử dụng để có thể tự phân tích.
Trong một diễn biến liên quan đến quan hệ hai nước, cơ quan ngoại giao Nga tại Anh cũng đã chính thức yêu cầu Bộ Ngoại giao Anh giải thích về thông tin rằng Anh "đe dọa tấn công mạng" nhằm vào Nga đang lan truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đại sứ quán Nga nhấn mạnh nước này đặc biệt chú ý đến các hành vi vi phạm an ninh mạng.
Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng cảnh báo "sẽ không một phương tiện thông tin đại chúng nào của Anh được phép hoạt động tại Nga nếu Anh đóng cửa kênh Russia Today (RT)”.
Phía Nga đưa ra tuyên bố trên sau khi cơ quan giám sát truyền thông Anh Ofcom cho biết kênh tin tức RT của Nga có thể bị tước giấy phép phát sóng tại Anh nếu Chính phủ Anh kết luận Nga đứng sau vụ đầu độc cựu đại tá Skripal cùng con gái Yulia.
Theo phóng viên RFI tại Anh, báo chí Anh sáng 14/3 đồng loạt mô tả mối quan hệ giữa hai nước Anh và Nga “đang ở giai đoạn căng thẳng nhất”, sau tuyên bố của Thủ tướng Anh trước Quốc hội về khả năng hầu như là Nga đã nhúng tay vào vụ ám sát bằng chất độc thần kinh trên lãnh thổ Anh.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn