Đối thoại biển: Hợp tác nghề cá tại Biển Đông

Thứ năm - 15/03/2018 23:22
Ngày 15/3, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp cùng Quỹ Konrad-Adenauer-Stiftung (KAS) và Đại sứ quán Australia tại Hà Nội tổ chức Đối thoại biển lần thứ 2 với nội dung "Hợp tác nghề cá tại Biển Đông", trong đó tập trung thảo luận về tình hình và đánh giá cơ hội hợp tác nghề cá tại Biển Đông.

Diễn ra trong bối cảnh nghề cá trong khu vực đối mặt với nhiều thách thức, đối thoại đã thu hút nhiều đại biểu từ các cơ quan đại diện nước ngoài, các cơ quan và giới học giả của Việt Nam tham dự.

Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, TS. Lê Hải Bình cho biết, nghề cá tại Biển Đông mang lại nhiều lợi ích không chỉ về mặt kinh tế, mà còn góp phần ổn định kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống mưu sinh cho hàng trăm triệu người dân ven biển ở Biển Đông.

Tuy nhiên, trước tình hình đánh bắt cá quá mức, hoạt động đánh bắt cá trái phép (IUU Fishing) và việc ngư dân sử dụng những phương thức đánh cá gây huỷ diệt môi trường biển, các quốc gia tại Biển Đông có trách nhiệm khai thác nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Ông Lê Hải Bình khẳng định, đối thoại là cơ hội quan trọng để các chuyên gia chia sẻ quan điểm, cũng như đề xuất ra những sáng kiến thúc đẩy nghề cá trong khu vực.

Ông Peter Girke, Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam cũng chia sẻ, trong bối cảnh trữ lượng cá đang ngày càng suy giảm, các nước cần tích cực thúc đẩy các biện pháp hợp tác trên cơ sở tính toán cân bằng lợi ích của từng lĩnh vực và giữa các quốc gia.

Bà Stacey Nation, Tham tán Chính trị Đại sứ quán Australia đánh giá cao việc tổ chức Đối thoại về biển lần thứ hai, cho biết Australia áp dụng cách tiếp cận đa diện trong hoạt động nghề cá nói chung và chống lại các hành vi đánh cá trái phép nói riêng. Australia đã hợp tác tích cực với Việt Nam trong hoạt động nghề cá và cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương chặt chẽ trong thời gian tới.

Các diễn giả đều đồng tình rằng hiện nay tại Biển Đông, tình hình đánh bắt cá trái phép, đánh bắt cá bằng các phương thức huỷ diệt môi trường và nhận thức kém về bảo vệ môi trường biển là nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm nghiêm trọng nguồn cá. Do đó, các quốc gia cần hợp tác với nhau một cách toàn diện, thực chất.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi