Theo phương án, cổ phần Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, cổ phần bán ưu đãi cho người lao động 0,118% vốn điều lệ, cổ phần bán đấu giá công khai 20% vốn điều lệ, cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 28,882% vốn điều lệ.
Theo PVPower, năm 2017 Tổng công ty đã quản lý, vận hành sản xuất các nhà máy điện ổn định, tuyệt đối an toàn và hiệu quả cao.
Sản lượng điện đạt 20.581 triệu kWh, vượt 2,4% so với kế hoạch Bộ Công Thương giao, doanh thu toàn Tổng công ty đạt 30.987 tỷ đồng (bằng 106% kế hoạch năm 2017), lợi nhuận trước thuế đạt 2.503 tỷ đồng (bằng 183% kế hoạch năm 2017), nộp ngân sách Nhà nước đạt 1.374 tỷ đồng, vượt 10% so với năm 2016.
Trao đổi với báo giới chiều 15/1, Tổng Giám đốc PVPower Nguyễn Xuân Hoà cho biết, đến nay PVPower đã tiếp xúc hơn 100 nhà đầu tư và nhận được thư quan tâm trở thành cổ đông chiến lược của 30 nhà đầu tư.
Trước đó một năm, PVPower đã thực hiện các roadshow ở Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các nhà đầu tư chiến lược quan tâm bao gồm nhóm các nhà đầu tư phát điện có năng lực mạnh, kỹ thuật, quản trị tốt của các nước tiên tiến và nhóm các chủ mỏ khí, than từ Indonesia, Australia, Trung Đông.
Đánh giá về mức độ hấp dẫn của việc thoái vốn Nhà nước tại PVPower lần này, lãnh đạo PVPower bày tỏ sự lạc quan: Đây là một lượng cổ phần rất hấp dẫn cho nhà đầu tư chiến lược khi quan tâm đầu tư, Nhà nước cổ phần hoá PVPower theo hình thức thoái vốn, nhà đầu tư nào tham gia mua cổ đông chiến lược 29% và một phần của IPO thì hoàn toàn có thể mua được trên 35%.
Các doanh nghiệp phát điện không nằm trong danh mục hạn chế các nhà đầu tư tham gia, trong tương lai nhà đầu tư có cơ hội nắm giữ thêm cổ phần tại PVPower, bởi sau năm 2019, khi PVPower đàm phán xong với các nhà tài trợ quốc tế tái cấu trúc khoản vay của Nhiệt điện Vũng Áng 1, Tổng công ty sẽ tiếp tục giảm vốn Nhà nước xuống dưới 51%.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn