“Phương tiện để hội nhập kinh tế và phát triển toàn diện”

Thứ tư - 15/11/2017 22:06
Đây là thông điệp của các Nhà Lãnh đạo từ 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand) tham dự Hội nghị Cấp cao các nước đàm phán RCEP được tổ chức ngày 14/11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31. 

 

Các Nhà Lãnh đạo của 16 nước đàm phán RCEP tham dự Hội nghị Cấp cao RCEP ngày 14/11 tại Philippines

Trong tuyên bố chung về RCEP, các Nhà Lãnh đạo nêu rõ, mặc dù kinh tế toàn cầu suy giảm thời gian gần đây, chủ nghĩa bảo hộ đang có dấu hiệu gia tăng và đâu đó trên thế giới có tư tưởng chống toàn cầu hóa, các nền kinh tế RCEP vẫn có sức phục hồi và tiếp tục tăng trưởng tương đối cao so với phần còn lại của thế giới. Thương mại vẫn có giá trị đóng góp vào mở cửa và hội nhập kinh tế khu vực. RCEP với 16 nước thành viên chiếm gần một nửa dân số thế giới; 31,6% sản lượng toàn cầu; 28,5% thương mại thế giới và 1/5 vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn thế giới năm 2016, đang góp phần tạo việc làm, định hướng tăng trưởng bền vững, thúc đẩy phát triển toàn diện, sáng tạo, và từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Các Nhà Lãnh đạo khẳng định lại cam kết đảm bảo RCEP là tiềm năng cho động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế cân bằng, là con đường để hội nhập hơn nữa các nền kinh tế trong khu vực Đông Á. Các nước sẽ nỗ lực hoàn tất hiệp định, nhằm hiện thực hóa tinh thần và mục tiêu đã nêu trong Nguyên tắc hướng dẫn và Mục tiêu của đàm phán RCEP để có kết quả nhất định trong ba trụ cột tiếp cận thị trường, quy tắc và hợp tác, bao gồm các điều khoản duy trì quyền của các nước tham gia RCEP trong giải quyết các mục tiêu chính sách công.

RCEP cần thiết phải tập trung các FTA ASEAN+1 và xây dựng các liên kết kinh tế mới giữa các đối tác FTA của ASEAN không có FTA song phương. Đồng thời, tính đến sự khác biệt về mức độ phát triển của các nước thành viên, hình thức linh hoạt về đối xử đặc biệt và khác biệt, cộng với linh hoạt cho các nước ASEAN kém phát triển, phù hợp với các FTA ASEAN+1 hiện tại. Trong bối cảnh đàm phán RCEP là một nhiệm vụ phức tạp và đầy thách thức, các Nhà Lãnh đạo khẳng định lại cam kết đạt được một hiệp định đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao, cùng có lợi; hỗ trợ xây dựng môi trường thương mại và đầu tư cởi mở, năng động trong khu vực.

Theo đó, các Nhà Lãnh đạo yêu cầu các Bộ trưởng và các nhà đàm phán tăng cường nỗ lực trong năm 2018 để hoàn tất đàm phán RCEP, giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm đạt được mục tiêu đặt ra. Tính đến tháng 11/2017, Hiệp định RCEP cơ bản có những đặc điểm nội dung chính như sau:

(i) Thương mại hàng hóa: sẽ bao gồm các yếu tố then chốt điều chỉnh việc thực thi các cam kết liên quan đến hàng hóa. Các thảo luận dựa vào lời văn được bổ sung bằng đàm phán mở cửa thị trường nhằm từng bước xóa bỏ thuế quan trong giai đoạn hợp lý, giải quyết các rào cản phi thuế, đối với phần lớn tất cả thương mại hàng hóa để đạt mức độ tự do hóa cao, dựa vào mức tự do hóa hiện tại giữa các nước tham gia, thiết lập một khu vực thương mại tự do toàn diện.

(ii) Quy tắc xuất xứ: Chương này sẽ đặt ra các nguyên tắc xác định hàng hóa nào có thể và sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan như thế nào. Với RCEP, quy tắc xuất xứ sẽ hướng tới các quy tắc đơn giản kỹ thuật, tạo thuận lợi thương mại và thân thiện với doanh nghiệp mà trọng tâm là dễ dàng cho doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), để hiểu và sử dụng hiệp định trong khi đảm bảo nguyên tắc chuyển đổi cơ bản.

(iii) Thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại (CPTF): Chương này sẽ tạo ra một môi trường tích cực cho các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nhằm đảm bảo sự tin cậy, phù hợp và minh bạch trong áp dụng luật pháp hải quan, thúc đẩy sự giám sát hiệu quả của thủ tục hải quan và thông quan hàng hóa. Phù hợp với Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của WTO cũng như đơn giản hóa và hài hòa hóa các thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế là mục tiêu của Chương CPTF.

(iv) Các biện pháp SPS: Chương này đặt ra khuôn khổ cơ bản cho an toàn thực phẩm và bảo vệ con người, cũng như các yêu cầu sức khỏe động thực vật dựa vào nguyên tắc khoa học. Chương SPS hướng tới các biện pháp SPS chỉ được áp dụng khi cần thiết đẻ bảo vệ sức khỏe, hạn chế thương mại tối thiểu nếu có thể, và không phân biết đối xử giữa các nước tham gia trong điều kiện tương đồng nhau. Chương này sẽ tăng cường việc thực thi Hiệp định SPS của WTO.

(v) Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp (STRACAP): Chương này sẽ nâng cao việc thực thi HIệp định về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) của WTO và củng cố các nguyên tắc.

(vi) Phòng vệ thương mại: Chương này đặt ra các nguyên tắc điều khoản phòng vệ thương mại phù hợp cho các nước tham gia nhằm hỗ trợ mục tiêu tự do hóa thương mại của RCEP và các mục tiêu điều chỉnh nhằm bảo vệ các nguyên tắc trong các hiệp định WTO.

(vii) Thương mại dịch vụ: Chương này dựa vào các cam kết dịch vụ trong Hiệp định chung về thương mại dịch vụ của WTO (GATS) và các FTA ASEAN+1 mà không có ngoại trừ ưu tiên của bất kỳ ngành nghề nào hoặc phương thức cung ứng nào.

(viii) Dịch vụ tài chính: Phụ lục về dịch vụ tài chính trong Chương Thương mại dịch vụ sẽ hỗ trợ các quy tắc về tài chính và thúc đẩy sự minh bạch, tạo không gian chính sách và quy định đủ để bảo vệ khỏi các rủi ro về bất ổn của hệ thống tài chính.

(ix) Dịch vụ viễn thông: Phụ lục về dịch vụ viễn thông trong Chương Thương mại dịch vụ sẽ đưa ra một khuôn khổ về quy tắc tác động đến thương mại dịch vụ viễn thông, khẳng định quyền của các nước tham gia trong quy địnhv à duy trì môi trường viễn thông phù hợp, không phân biệt đối xử.

(x) Di chuyển thể nhân (MNP): Là một chương riêng bao gồm các cam kết đã được đàm phán giữa các nước tham gia, liên quan đến nhập cảnh tạm thời và lưu trú tạm thời của thể nhân từ một nước sang một nước khác vì mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Chương này cũng đặt ra các nghĩa vụ cụ thể liên quan đến minh bạch và các hình thức nhập cư cho các loại thể nhân được liệt kê trong biểu cam kết của mỗi nước. Thảo luận về vấn đề này vẫn đang diễn ra chủ yếu về cấu trúc và mối quan hệ giữa các cam kết MNP và Chương Thương mại dịch vụ.

(xi) Đầu tư: Chương này tạo ra môi trường đầu tư phù hợp trong khu vực bao gồm bốn trụ cột của đầu tư là bảo vệ, tự do hóa, thúc đẩy và tạo thuận lợi.

(xii) Cạnh tranh: Chương này thúc đẩy cạnh tranh trong thị trường khu vực, nâng cao hiệu quả kinh tế và phúc lợi người tiêu dùng thông qua áp dụng và duy trì luật pháp và quy định nhằm cấm các hành vi phản cạnh tranh cũng như thông qua hợp tác khu vực về phát triển và thực thi luật pháp cạnh tranh giữa các nước tham gia. Các mục tiêu này sẽ giúp đảm bảo lợi ích của Hiệp định RCEP.

(xiii) Sở hữu trí tuệ: Chương này thúc đẩy sự hội nhập kinh tế sâu sắc hơn thông qua thiết lập, sử dụng, bảo vệ các quyền sở hữu trí tuệ, tính đến mức độ khác nhau về kinh tế, năng lực của các hệ thống luật pháp quốc gia. Chương này sẽ thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới và duy trì sự cân bằng phù hợp giữa quyền của người sở hữu trí tuệ và lợi ích hợp pháp của người sử dụng và cộng đồng, tính đến quyền của chính phủ trong quy định mục tiêu chính sách công hợp pháp, tầm quan trọng của tạo thuận lợi chia sẻ thông tin, tri thức, nội dung, văn hóa và nghệ thuật.

(xiv) Thương mại điện tử: chương này sẽ thúc đẩy thương mại điện tử giữa các nước tham gia và sử dụng rộng rãi thương mại điện tử trên toàn cầu, nâng cao hợp tác giữa các nước trong xây dựng hệ thống thương mại điện tử. Chương này giúp RCEP là hiệp định mang lại lợi ích và cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

(xv) SME: chương này tạo nền tảng cho các nước tham gia thực hiện các chương trình và hoạt động hợp tác kinh tế có thể nâng cao năng lực của SME để tham gia và tận dụng các cơ hội từ hội nhập khu vực và các chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua RCEP.

(xvi) Hợp tác kinh tế và kỹ thuật (ECOTECH): chương này hướng tới tăng cường quan hệ kinh tế trong các lĩnh vực cùng có lợi và tập trung vào thực thi và sử dụng hiệu quả RCEP. Các hoạt động ECOTECH bao gồm xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và được cụ thể hóa theo chương trình làm việc.

(xvii) Mua sắm chính phủ: Chương này sẽ tập trung vào các điều khoản nhằm thúc đẩy sự minh bạch của luật pháp, quy định và thủ tục, tăng cường hợp tác giữa các nước tham gia về mua sắm chính phủ.

(xviii) Giải quyết tranh chấp: Chương này đưa ra tiến trình hiệu quả, minh bạch để tham vấn và giải quyết tranh chấp phát sinh trong khuôn khổ RCEP.

Nguồn tin: baocongthuong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi