![]() |
Khu Kinh tế Phú Quốc đang được đầu tư với tốc độ chóng mặt |
Tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là một nội dung lớn, quan trọng của dự thảo luật, trong đó Chính phủ đề xuất 2 phương án bao gồm: (1) Không tổ chức hội đồng nhân dân (HĐND) và ủy ban nhân dân (UBND) tại đơn vị HCKTĐB mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB (Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này); (2) Tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND và UBND.
Theo giải trình của Chính phủ, thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB được tổ chức phù hợp với quy định của Hiến pháp về chính quyền địa phương (khoản 1 Điều 111) và nguyên tắc Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước không chỉ thông qua Quốc hội và HĐND, mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6). Đặc biệt, mô hình này sẽ tạo sự đột phá về thể chế hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; đổi mới căn bản cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB; bảo đảm tổ chức bộ máy và nhân sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; làm rõ và đề cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; bảo đảm sự giám sát của các chủ thể có liên quan; phù hợp với yêu cầu đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội của đơn vị HCKTĐB. Chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là sự thử nghiệm về đổi mới bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 11-NQ/TW. Hạn chế cần khắc phục đối với mô hình này là do không phải một cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND có thể dẫn đến lạm quyền, cần có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ.
Phương án tổ chức có HĐND và UBND là một cấp chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB phù hợp Hiến pháp, không gây xáo trộn nhiều so với tập quán tổ chức chính quyền địa phương hiện nay ở nước ta, đổi mới một bước cách thức tổ chức cấp chính quyền địa phương ở xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, phương án này chưa tạo được bước đột phá về đổi mới tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB chưa tinh gọn, vẫn chủ yếu làm việc theo chế độ tập thể, thủ tục còn phức tạp, chưa tương thích với tính chất đặc biệt của chính sách kinh tế - xã hội của đơn vị HCKTĐB, chưa tiếp cận các kinh nghiệm tốt trên thế giới.
Theo đánh giá của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, phương án 1 thể hiện được tính “đặc biệt” về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB, đáp ứng yêu cầu thử nghiệm đổi mới nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII, phù hợp Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương theo hướng có độ “mở” để tạo không gian cho cải cách khi cần thiết. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn cơ chế thực hiện giám sát đối với Trưởng Đơn vị HCKTĐB để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, tránh lạm dụng quyền lực.
Phương án thứ hai, theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và thống nhất với Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, thể hiện tính nhất quán về tổ chức của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương, bảo đảm nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, tính đại diện và quyền làm chủ, quyền giám sát của Nhân dân. Tuy nhiên, phương án này nếu được lựa chọn cần rà soát để thiết kế lại cách thức thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND tại đơn vị HCKTĐB nhằm thể hiện rõ hơn tính đặc thù, tính cải cách, đột phá.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, dù phương án 1 hay 2 được lựa chọn cũng cần phải làm rõ ngay trong Luật Đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt về mối quan hệ theo chiều dọc, chiều ngang, theo phạm vi lãnh thổ giữa chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB với HĐND, UBND cấp tỉnh, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, các cơ quan nhà nước ở trung ương và cơ quan của trung ương đóng tại địa phương; phân định rõ thẩm quyền giữa chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB với các khu hành chính…
Đồng thời, quy định rõ địa vị pháp lý, thẩm quyền, quy trình xử lý công việc trong từng mối quan hệ. Chẳng hạn, giao thẩm quyền vượt trội cho đơn vị HCKTĐB trong mọi lĩnh vực nhưng vẫn xác định là đơn vị trực thuộc cấp tỉnh thì đơn vị HCKTĐB có phải thực hiện các văn bản do HĐND, UBND tỉnh ban hành hay không? Hay cơ chế về ngân sách, quyết toán ngân sách, quản lý đầu tư, quản lý đất đai là thẩm quyền độc lập hay vẫn phải báo cáo các cơ quan cấp tỉnh và nhiều vấn đề tương tự, cần phải được làm rõ./.
Nguồn tin: baocongthuong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn