Tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; và các thành viên Đoàn giám sát.
Theo dự thảo Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát, giai đoạn 2021 - 2024, Đảng ta rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản định hướng, chủ trương phát triển nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành văn bản pháp luật, chương trình, đề án, tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực. Công tác tuyên truyền, quán triệt, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm.
Đoàn giám sát đánh giá, trong thời điểm hiện nay, nguồn nhân lực của nước ta cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy mô nguồn nhân lực có bước phát triển, cơ cấu ngày càng phù hợp hơn; trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động được nâng lên; năng suất lao động, việc làm, thu nhập của người lao động có chuyển biến tích cực.
Đào tạo nhân lực chất lượng cao bước đầu được quan tâm ở cả bậc phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học với hệ thống trường chuyên, các chương trình chất lượng cao, chương trình đào tạo kỹ sư và cử nhân tài năng, chương trình hợp tác đào tạo và đào tạo có yếu tố nước ngoài... Các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân lực chất lượng cao của các bộ, ngành địa phương bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra rằng, trong bối cảnh bước vào kỷ nguyên mới, yêu cầu về nhân lực cao hơn, đất nước ta đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia đầu ngành, “tổng công trình sư” trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lĩnh vực kinh tế mới, nhân lực phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực quan trọng khác như luật, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, khí tượng thủy văn...
Cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa thực sự hợp lý, chưa gắn kết chặt chẽ và theo kịp nhu cầu thực tiễn. Tỷ lệ theo học các nhóm ngành khoa học cơ bản, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… có xu hướng giảm. Một bộ phận không nhỏ sinh viên tốt nghiệp đại học chưa đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ước tính 30% sinh viên tốt nghiệp không làm việc trong lĩnh vực được đào tạo. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao...
Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực, song còn chậm. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức còn khá cao, chiếm 64,6% lực lượng lao động, đa số thu nhập thấp, thời gian làm việc kéo dài, điều kiện lao động không bảo đảm.
Phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế và trách nhiệm các bên liên quan, Đoàn giám sát đưa ra một số kiến nghị, giải pháp chủ yếu. Trong đó, về hoàn thiện thể chế, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng, thể chế hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả 4 Nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị, tập trung thể chế hóa các nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, chủ trương, đường lối của Đảng về hiện đại hóa giáo dục, chăm lo sức khỏe nhân dân, dân số và phát triển.
Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và bố trí đầy đủ nguồn lực bảo đảm để thực hiện, nâng cao năng lực sáng tạo của nhân lực gắn với sử dụng hợp lý trí tuệ nhân tạo và các công cụ khoa học công nghệ mới; xây dựng và trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Dân số, Luật Viên chức, Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển.
Ban hành quy định về nhân lực chất lượng cao theo hướng quy định rõ về khái niệm, tiêu chí, thẩm quyền xác định nhân lực chất lượng cao trong tổng thể nguồn nhân lực (qua các tiêu chí về kết quả đào tạo, bồi dưỡng, kết quả thực hành nghề nghiệp, kinh nghiệm, uy tín, thành tựu trong công tác)...
Tại phiên họp, các đại biểu nhận xét, Báo cáo kết quả giám sát đã đánh giá khách quan, toàn diện và tương đối đầy đủ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.
Cho rằng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đòi hỏi rất cao, các đại biểu đề nghị trong các giải pháp cần ưu tiên đầu tư đào tạo nhân lực trình độ cao để thích ứng linh hoạt với thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Xác định những ngành nghề có lợi thế cạnh tranh. Có cơ chế, tạo môi trường để thu hút nhân tài, nhà khoa học đầu ngành từ nước ngoài về nước làm việc…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao nỗ lực của Đoàn giám sát và Tổ giúp việc. Mặc dù đây là chuyên đề khó, phạm vi rộng, song Đoàn giám sát đã xác định 2 nhóm nội dung trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực và sử dụng nguồn nhân lực. Kết quả giám sát bước đầu đã cung cấp thông tin tin cậy, giúp các cơ quan của Quốc hội góp ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo; dự thảo nghị quyết về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; góp ý kiến dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng; thẩm tra và hoàn thiện dự thảo Luật Việc làm, Luật Nhà giáo, Luật Cán bộ, công chức… và một số luật, nghị quyết khác trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội Khóa XV. Đây cũng là cơ sở chuẩn bị cho việc xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật về lĩnh vực giáo dục và đào tạo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười; thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo; Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số và phát triển...
Nhấn mạnh, bối cảnh hiện nay có nhiều thách thức mới, khi Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết chiến lược, trong đó đều xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, là yếu tố then chốt để triển khai thành công các nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh yêu cầu Báo cáo kết quả giám sát phải cập nhật các chủ trương mới, đưa ra giải pháp phù hợp, khả thi. “Báo cáo phải mạch lạc, chặt chẽ, có điểm nhấn, cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành”.
Báo cáo kết quả giám sát sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sơ bộ tại phiên họp tháng 7/2025 và chính thức giám sát tại phiên họp tháng 8/2025.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn