Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, giai đoạn 2010 - 2015, thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng trưởng cao, liên tục với mức độ trung bình 14,9% về hành khách và 10,7% về hàng hóa. Năm 2015, tổng thị trường vận tải hành khách Việt Nam đạt 40,5% triệu lượt khách (tăng 22,25 so với năm 2014) và 792.000 tấn hàng hóa.
Tính đến giữa tháng 9/2016, bốn hãng hàng không đang khai thác 50 đường bay nội địa kết nối Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM theo hệ thống mạng đường bay “trục nan” từ 3 trung tâm, kết hợp phát triển mạng đường bay “điểm đến điểm” với các cảng hàng không địa phương.
Bên cạnh đó, thị phần vận chuyển hành khách nội địa 6 tháng đầu năm 2016 có sự thay đổi với việc gia tăng thị phần của các hãng hàng không chi phí thấp. Cho đến nay, thị phần của 2 hãng hàng không giá rẻ (Vietjet và Jetstar Pacific) đã vượt quá con số 55%, đặc biệt là Vietjet, dù mới chỉ tham gia khai thác thị trường từ cuối năm 2011 nhưng thị phần đã vượt quá con số 40%.
“Vietjet đã làm thay đổi diện mạo của ngành hàng không Việt Nam, đưa lĩnh vực vận tải này trở nên đơn giản với mọi người dân Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhận định trong buổi làm việc cuối tháng 9/2016.
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, sự tham gia của Vietjet vào cuối năm 2012 đã phá vỡ sự độc quyền trong kinh doanh hàng không, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, cũng như giúp cho 30% hành khách lần đầu tiên được sử dụng dịch vụ hàng không.
Trong năm qua, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã tiếp nhận và khai thác thành công 4 tàu bay Airbus A350 và 8 tàu bay Boeing 787 trong năm đầu tiên (trong tổng số 14 tàu bay A350 và 19 tàu bay Boeing 787 được bàn giao dần từ giữa 2015 đến đầu 2019), với đội ngũ phi công, thợ kỹ thuật, giáo viên 100% người Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ mới. Chất lượng dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế 4 sao được Skytrax công nhận ngày 12/7 đã làm hài lòng hành khách ở tất cả các hạng mục dịch vụ.
Chính phủ, Bộ GTVT, Cục Hàng không cũng đã hỗ trợ mạnh mẽ bằng những chính sách cải cách, mở ra cơ chế hoạt động cho doanh nghiệp tư nhân, thực hiện cam kết “mở cửa bầu trời”. Chính phủ đã công bố đầu tư hơn 10 tỷ USD vào hạ tầng hàng không để tới năm 2020 Việt Nam sẽ đầu tư thêm 4 sân bay mới trong Chiến lược phát triển ngành GTVT. Như vậy, Việt Nam sẽ có 26 sân bay vào năm 2020.
Tuy nhiên, so với tiềm năng thị trường và quy mô của các hãng hàng không trong khu vực Đông Nam Á chúng ta vẫn còn một khoảng cách không nhỏ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ các hàng hàng không có thể mất thị phần ngay trên sân nhà.
Nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch của người dân tăng mạnh trong những năm qua là có thật, chủ yếu do kinh tế đất nước phục hồi tốt và do các hãng đã xây dựng chính sách giá vé hợp lý, thu hút được nhiều đối tượng đi lại bằng đường hàng không.
Bên cạnh đó, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam sẽ đạt khoảng 10.000 USD vào năm 2020. Nếu như vậy, tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không chưa chắc sẽ duy trì ở mức trên 20%/năm trong 3-4 năm tới. Đây cũng là kinh nghiệm được ghi nhận của một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc (tăng 30%/năm), Thái Lan (tăng 37%/năm).
Việc phát triển các hãng hàng không Việt gắn với xây dựng các sản phẩm vận chuyển hàng không chủ đạo hướng ra thị trường quốc tế đang đòi hỏi một chiến lược quốc gia tổng thể về phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi đầu tư về hạ tầng hàng không, mua sắm đội tàu bay; hỗ trợ phát triển mạng đường bay với việc mở đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn trọng điểm đến Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn trước mắt, việc giải quyết vấn đề quá tải sớm tại 2 sân bay trọng điểm (Nội Bài và Tân Sơn Nhất) là khả thi dựa trên việc mở rộng các nhà ga bằng phương thức xã hội hóa với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, cải thiện phương thức điều hành bay.
Khảo sát cho thấy, công suất khai thác hiện nay chỉ có cảng hàng không Tân Sơn Nhất vượt quá nhưng đã có các biện pháp giải quyết ngắn hạn như: Kêu gọi xã hội hoá, đầu tư mở rộng nhà ga, sân đỗ, kết hợp với các dự án cải thiện hạ tầng xung quanh sân bay này và dự án cải thiện năng lực về tổ chức vận hành, cất/hạ cánh (hiện năng lực trung bình quốc tế là hơn 60 lượt và Tổng công ty Quản lý bay hiện đang nỗ lực nâng năng lực này lên ngang bằng với mức quốc tế). Nếu các giải pháp ngắn hạn này được triển khai thì vấn đề quá tải tại Tân Sơn Nhất sẽ được giải quyết, bảo đảm nâng công suất khai thác lên gấp đôi so với hiện tại, phục vụ 50 triệu lượt hành khách.
Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT, bên cạnh nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, việc các cơ quan quản lý Nhà nước làm tốt vai trò “bà đỡ” chính sách, kiến tạo một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng là giải pháp giúp để hàng không Việt Nam phát triển bền vững, sớm vươn lên trở thành một nền kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển, hội nhập và thu hút đầu tư.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn