Cần “cú hích” cho những hãng hàng không chủ lực

Thứ hai - 05/12/2016 02:24
 Các chuyên gia cho rằng việc mở rộng đội tàu bay là tất yếu và cần khuyến khích các hãng nội địa xây dựng chính sách giá vé hợp lý, thu hút được nhiều đối tượng đi lại bằng đường hàng không.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương mang tới 33 triệu việc làm và đóng góp 700 tỷ USD vào GDP khu vực. Dự báo trong 30 năm tới, ngành công nghiệp này sẽ tạo ra 70 triệu việc làm và 1.300 tỷ USD.

"Nếu chúng ta có thể khai thác được tiềm năng của ngành này thì sẽ tạo ra lượng việc làm và đóng góp kinh tế tương ứng” ông Tony Tyler, Giám đốc điều hành kiêm CEO của IATA nhận định.

Đây thực sự là cơ hội “vàng” để ngành hàng không Việt Nam phát triển, vươn lên trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, chiến lược, có vị thế trong khu vực.

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, cần nhìn nhận tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức 2 con số mỗi năm của ngành hàng không Việt Nam ở một góc nhìn bao quát, tổng thể hơn thay vì lo ngại phát triển “nóng”. Điều này thể hiện rõ qua hệ thống sân bay, đường bay, lực lượng máy bay...

Theo ông Lưu Bích Hồ, quan ngại về việc thị trường hàng không tăng trưởng quá nhanh là không có cơ sở bởi trên thực tế nhu cầu đi lại, giao thương, du lịch của người dân tăng mạnh trong những năm qua là có thật, chủ yếu do kinh tế đất nước phục hồi tốt và do các hãng đã xây dựng chính sách giá vé hợp lý, thu hút được nhiều đối tượng đi lại bằng đường hàng không.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, nếu không nắm bắt và đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế của hành khách ngày càng tăng, các hãng hàng không nội địa có thể sẽ thua trên chính sân nhà, mất thị phần vào tay các hãng hàng không nước ngoài.

Do đó, các chuyên gia cho rằng việc mở rộng đội tàu bay là tất yếu và cần khuyến khích các hãng nội địa xây dựng chính sách giá vé hợp lý, thu hút được nhiều đối tượng đi lại bằng đường hàng không. Cùng với đó, để thị trường hàng không phát triển cũng cần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng và những “cú hích” để đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển, mở rộng hạ tầng tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài.  

Khảo sát cho thấy, công suất khai thác chỉ có Cảng hàng không Tân Sơn Nhất vượt quá nhưng đã có các biện pháp giải quyết ngắn hạn như có thể kêu gọi xã hội hoá, đầu tư mở rộng nhà ga, sân đỗ, kết hợp với các dự án cải thiện hạ tầng quanh sân bay của TPHCM đang triển khai và dự án cải thiện năng lực về tổ chức vận hành, cất/hạ cánh.

Giáo sư Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách khoa TPHCM đánh giá nếu các giải pháp ngắn hạn này được triển khai mạnh mẽ, trước mắt, vấn đề quá tải tại Tân Sơn Nhất sẽ được giải quyết, bảo đảm Tân Sơn Nhất có thể nâng công suất khai thác lên gấp đôi so với hiện tại  và đủ sức phục vụ 50 triệu lượt hành khách.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi