Thí điểm chính sách, không hạn chế không gian
Thực tế, việc cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số xe ô tô thông qua đấu giá từng được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, một số địa phương triển khai, nhưng do chưa có sự thống nhất trong điều hành, còn vướng mắc về mặt pháp lý, nên việc triển khai chưa được như mong đợi và phải dừng lại.
Trong lần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 16 chiều qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với chủ trương này và cho rằng, việc thí điểm đấu giá cấp quyền sử dụng đăng ký ô tô nhằm đáp ứng nhu cầu không nhỏ của người mua xe muốn sở hữu biển số xe theo mong muốn cá nhân, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tránh dư luận xã hội cho rằng có sự thiếu minh bạch, có hành vi trục lợi trong việc cấp biển số xe, nhất là có nhiều xe ô tô giá trị cao - “xe sang” thường có “biển số đẹp”.
Như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thì việc thí điểm chính là thực hiện quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, "đáp ứng nhu cầu có thật của chủ sở hữu phương tiện xe cơ giới là ô tô”.
Về biển số được đưa ra đấu giá, dự thảo Nghị quyết quy định: Biển số đưa ra đấu giá là biển số ô tô chưa đăng ký, Bộ Công an dự kiến cấp mới cho xe ô tô của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (nền màu trắng, chữ và số màu đen), được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản, Cổng thông tin điện tử Bộ Công an; Trang thông tin điện tử Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an; Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức đấu giá tài sản và trên các phương tiện thông tin đại chúng trước 30 ngày tổ chức đấu giá.
Cơ bản đồng tình với quy định nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích: Biển số xe không phải là tài sản thông thường, nên vẫn cần có sự hạn chế phù hợp, nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước. Do đó, việc thí điểm "nên thận trọng", "khoanh vùng phạm vi thí điểm" đối với biển trắng cấp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; chưa nên mở rộng phạm vi đối với biển vàng, tức là cấp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động vận tải và biển số đối với mô tô. "Tập trung thí điểm với biển trắng để xem xét, đánh giá, sau đó mới cân nhắc, mở rộng phạm vi thí điểm đấu giá”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị.
Thời gian từ nay đến khi trình dự thảo Nghị quyết ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư sắp tới không còn nhiều. Chỉ rõ điều này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, về phạm vi, mức độ thí điểm, Chính phủ phải chủ động cân nhắc, lựa chọn. Trong quá trình thực hiện có thể rà soát, bổ sung đối tượng hoặc phạm vi điều chỉnh, không nhất thiết phải mở rộng phạm vi ngay từ đầu. "Thí điểm về chính sách, nhưng không hạn chế không gian, có thể tỉnh này đấu giá trực tiếp ở tỉnh kia...”, Chủ tịch Quốc hội gợi mở.
Áp dụng mức giá khởi điểm thống nhất trong toàn quốc
Đồng ý về mặt chủ trương, nhưng cụ thể với giá khởi điểm đấu giá nên ở mức nào đang là nội dung còn ý kiến khác nhau. Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, một số ý kiến nhất trí với dự thảo Nghị quyết, xác định giá khởi điểm của một biển số đưa ra đấu giá đối với vùng 1 (gồm TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) là 40 triệu đồng, đối với vùng 2 (các địa phương còn lại) là 20 triệu đồng, vì cho rằng mức giá khởi điểm này cơ bản phù hợp với thực tiễn thu nhập bình quân của vùng 1 và vùng 2; mức chênh lệnh giá khởi điểm giữa vùng 1 và vùng 2 cũng tương đương với mức chênh lệch phí đăng ký biển số xe ô tô giữa khu vực 1 và khu vực 2 (20 triệu đồng - 10 triệu đồng).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến không nhất trí với quy định nêu trên với lý lẽ, việc đưa ra giá khởi điểm vùng 1 và vùng 2 còn thiếu căn cứ rõ ràng. Do đó, đề nghị áp dụng thống nhất trong cả nước một mức giá khởi điểm, có thể là 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị mức giá khởi điểm là 50 triệu đồng chung cho cả hai vùng. Có ý kiến lại đề nghị xây dựng danh mục và chỉ xác định giá khởi điểm cho danh mục các “biển số đẹp” đã được thừa nhận rộng rãi, như các biển "tứ quý", "ngũ quý", "số tiến"…. để xác định giá khởi điểm cho phù hợp.
Thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, về các biển số đưa ra đấu giá đã được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết và việc xây dựng danh mục các “biển số đẹp” là không khả thi, vì không có tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là “biển số đẹp”, mà tùy thuộc vào cách nhìn nhận, đánh giá và sở thích của từng cá nhân khác nhau.
Việc xác định giá khởi điểm của biển số xe ô tô là rất khó, vì đây là tài sản đặc biệt nên chưa có cơ sở để xác định giá khởi điểm đối với từng loại biển số khác nhau. Việc quy định giá khởi điểm khác nhau giữa vùng 1 và vùng 2 cũng không có ý nghĩa khi người tham gia đấu giá trên phạm vi toàn quốc, không giới hạn và phân biệt giữa vùng 1 và vùng 2. Nêu rõ thực tế này và trên cơ sở đề xuất giá khởi điểm của Chính phủ (40 triệu đồng và 20 triệu đồng), Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc là 40 triệu đồng.
Đồng tình với phương án nên áp dụng thống nhất một mức giá khởi điểm trên toàn quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Chính phủ nghiên cứu ý kiến của cơ quan thẩm tra, theo đó "có thể quy định một mức chung nhất, nhưng không nên quá cao". Nếu quy định giá khởi điểm quá cao, thì chưa chắc đã đạt mục tiêu "thu hút được người dân tham gia". Thí điểm đấu giá biển số xe là nhằm khai thác hiệu quả kho số, đáp ứng một phần nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, không phải mục tiêu duy nhất để thu ngân sách. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần rà soát trình tự, thủ tục để tạo thuận lợi nhất và bảo vệ quyền lợi của người dân, từ đó tạo sự hấp dẫn với người tham gia đấu giá.
Kết luận phần cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉnh sửa về mặt kỹ thuật văn bản theo hướng khái quát hơn, bảo đảm "dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện".
Đối với biển số xe ô tô đưa ra đấu giá, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thí điểm với biển số xe chữ đen, nền trắng trong kho biển số chưa được đăng ký. Không áp dụng đối với biển số cấp cho xe có nguồn mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe ô tô hoạt động kinh doanh vận tải, xe ô tô của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài, xe ô tô của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức nước ngoài và quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Và chưa thí điểm đấu giá với biển số mô tô, xe gắn máy. Về giá khởi điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị áp dụng mức giá thống nhất trên phạm vi cả nước. Mức giá do Chính phủ đề xuất, nhưng không nên cao quá để có thể thu hút nhiều người tham gia.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn