![]() |
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Luật Giáo dục đại học là đạo luật đầu tiên điều chỉnh về giáo dục đại học, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển giáo dục đại học Việt Nam, tạo ra chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân. Luật Giáo dục đại học quy định các nội dung khá toàn diện, tạo môi trường pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển, khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và quốc tế.
Luật Giáo dục đại học đã đặt nền móng vững chắc cho tự chủ đại học. Các cơ sở giáo dục đại học bước đầu đã được giao quyền tự chủ ở hầu hết các mặt hoạt động; đổi mới công tác quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học… Mặt khác, Luật Giáo dục đại học đã chú trọng công tác bảo đảm chất lượng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo cơ sở pháp lý, từng bước hình thành văn hóa chất lượng trong các trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế xã hội Việt Nam và thế giới, các mối quan hệ được Luật Giáo dục đại học điều chỉnh đều có sự thay đổi nhanh chóng để hội nhập với quốc tế. Do đó, sau 5 năm thực hiện, Luật Giáo dục đại học đã bộc lộ một số bất cập, gây khó khăn, trở ngại cho các cơ sở giáo dục đại học cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013.
Theo phân tích của PGS.TS. Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, để được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 của Quốc hội, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được Chính phủ trình, Quốc hội thông qua với 4 chính sách cần sửa đổi, bổ sung.
Đó là: Mở rộng phạm vi tự chủ đại học; quản trị đại học của cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài; quản lý đào tạo; quản lý nhà nước đối với các trường cao đẳng. Về cơ bản, 4 chính sách này đã bao trùm những vấn đề vướng mắc nhất trong hoạt động giáo dục Đại học hiện nay.
Việc sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học cần mở rộng phạm vi tự chủ đại học bởi đây là chính sách quan trọng, ảnh hưởng đến phần lớn các điều trong Luật Giáo dục đại học. Mục đích của chính sách này là nhằm hoàn thiện hơn nữa cơ chế thực hiện quyền tự chủ đại học đã được ghi nhận tại Điều 32 và các nội dung liên quan của Luật Giáo dục đại học.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tự chủ đại học sẽ theo hướng tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ ở mức cao hơn; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để các cơ sở giáo dục đại học được thực sự trao quyền tự chủ phù hợp với quy định pháp luật, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hiệu quả quản lý nhà nước trong điều kiện hội nhập quốc tế...
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn