![]() |
Hai nhân viên gác chắn Nguyễn Thị Minh và Đỗ Thị Lan dũng cảm cứu bà cụ suýt bị tàu đâm trong gang tấc. |
Sự việc xảy ra khi đoàn tàu đi từ ga Sài Gòn chuẩn bị chạy qua điểm giao cắt với đường bộ thuộc phường Thống Nhất, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Mặc dù hai nữ nhân viên đã kéo rào chắn ra hiệu lệnh để những người tham gia giao thông dừng lại để đoàn tàu chạy qua, một cụ bà vẫn cố gắng băng qua đường. Ngay sau đó cụ bà vấp chân và ngã xuống đường tàu. Hai nữ nhân viên gác chắn lập tức lao tới kéo bà cụ khỏi đường ray và cũng lúc đó đoàn tàu sập sập lao tới.
Đoạn video ghi lại khoảnh khắc sinh tử này khiến người xem không khỏi tim lo ngại cho tính mạng của cả ba người, cùng sự cảm phục hai nữ nhân viên dũng cảm.
Lòng tốt đích thực thì luôn giản dị. Việc làm của hai nữ nhân viên rất giản dị: Thấy người gặp nguy hiểm thì lao đến cứu. Khi nguy hiểm đã qua, cách họ trả lời trên phương tiện thông tin đại chúng cũng rất giản dị: "Lúc đó không nghĩ gì, chỉ phản xạ cứu người vậy, không muốn bà cụ gặp nạn. Sau đó nghĩ lại mới run, giờ chỉ mong xuống ca về với gia đình". Đó là chia sẻ của chị Đỗ Thị Lan (32 tuổi, quê Nam Định).
Thậm chí, ngay cả khi bị cư dân mạng có ý kiến chỉ trích về việc đã để bà cụ lọt vào khu vực nguy hiểm và tự ý chạy qua đường tàu, chị cũng nói rất đơn giản, đấy là họ không biết, chứ nhiều người khi bị ngăn cản băng qua đường tàu sẽ “sẵn sàng mắng thẳng vào mặt chúng tôi”.
Và cả khi được tặng Bằng khen và thưởng nóng về nghĩa cử dũng cảm cứu người 2 chị một lần nữa cũng nói rất chân thành: "Chúng tôi cứu người không phải để được khen thưởng mà đó là bản năng, phản xạ của tình người trước hoạn nạn".
Nghề gác chắn tàu có lẽ là một trong những nghề ít ỏi còn sót lại ở những đất nước mà hệ thống giao thông công cộng chưa hoàn thiện, mạng lưới đường sắt xen lẫn với các phương tiện giao thông khác và được điều hành chủ yếu bằng cơ học.
Công việc của những người gác chắn tàu cũng chỉ là lao động đơn giản, nhưng không vì vậy mà kém phần nhọc nhằn nguy hiểm.
Một trong những nguyên nhân khiến công việc này vất vả hơn đó chính là ý thức của người tham gia giao thông. Tại hầu hết các điểm chắn tàu vẫn xảy ra tình trạng người tham gia giao thông cố tình vượt qua khi chắn tàu đã và đang được kéo ra, đoàn tàu sắp sửa chạy qua.
Nhân viên gác chắn tàu làm nhiệm vụ đảm bảo an toàn tính mạng sức khỏe cho những người tham gia giao thông cả đường sắt lẫn đường bộ. Tuy nhiên họ lại thường xuyên gặp phải phản ứng tiêu cực từ những người tham giao thông những đối tượng được bảo vệ. Chen lấn, xô đẩy, buông lời mắng chửi tục tĩu là những thứ mà có lẽ bất cứ nhân viên nào cũng phải đối mặt.
Bên cạnh đó bị coi là nghề lao động giản đơn, thu nhập của những người làm nghề gác rào chắn khá thấp chỉ dao động trên dưới 4 triệu đồng/tháng, số tiền bị coi là khó có thể đủ trang trải cuộc sống cho những nhu cầu tối thiểu của bản thân và gia đình.
Cũng ngay trong dịp đầu năm đã có rất nhiều câu chuyện liên quan đến ý thức của người tham gia giao thông. Đó là câu chuyện của người điều khiển xe ô tô khi thấy con mình va chạm với xe máy đã thẳng thay tát vào mặt người điều khiển xe máy là một phụ nữ trẻ đang chở con nhỏ phía sau. Đó là chuyện những người có sở thích kì lạ thích mở tiệc ăn uống ngay trên đường cao tốc rồi livestream hoặc tung clip lên mạng để “khoe thành tích”. Thậm chí việc làm trái luật và dại dột này lại còn có xu hướng trở thành một “trào lưu”. Ngay cả trong câu chuyện 2 nữ nhân viên gác chắn tàu, cũng không thể phủ nhận, nguy hiểm đã đến khi chính bà cụ đã cố tình vượt qua đường tàu khi nhân viên đã đóng rào chắn và phát tín hiệu.
Trong tình trạng ý thức của một số người tham gia giao thông đang ở mức rất thấp, hành động dũng cảm cứu người không toan tính của hai nữ nhân viên càng đáng được biểu dương, khen ngợi và có lẽ mỗi người cũng nên “soi” lại từng hành vi, ý thức của mình.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn