![]() |
Số người mắc ung thư vú được phát hiện tăng cao là do người dân đã ý thức được việc khám sàng lọc định kỳ. Ảnh: VGP/Mai Phương |
Trong Chương trình sức khỏe Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg, có đề cập việc phát hiện và quản lý một số bệnh không lây nhiễm là một trong 11 nội dung ưu tiên giai đoạn 2018- 2030, trong đó có mục tiêu tăng tỷ lệ người thuộc đối tượng nguy cơ được khám và phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung từ 40% (năm 2025) lên 50% (năm 2030).
Để thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia y tế cho rằng, cần phải tăng cường nhận thức cho người dân về cách phát hiện sớm những bệnh không lây nhiễm như ung thư. Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo chính phủ đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai – một cơ sở tuyến cuối điều trị ung thư.
PGS có nhận định gì về tỷ lệ mắc ung thư vú hiện nay ở nước ta?
PGS.TS Phạm Cẩm Phương: Theo Globocan 2018 tại Việt Nam, ung thư vú là bệnh lý đứng đầu về tỷ lệ mới mắc ở nữ giới với 15.229 (chiếm 20,6%) ca và đứng thứ 4 về tỷ lệ tử vong với 6.103 ca (chiếm gần 6%).
Riêng tại bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ bệnh nhân khám và điều trị ung thư vú đứng thứ 3, sau ung thư gan và phổi chủ yếu ở nam giới.
Tuy nhiên, hiện nay có một điều đáng mừng là mặc dù tỷ lệ người mắc mới ung thư vú tăng cao nhưng số lượng bệnh nhân mắc ung thư vú được phát hiện ở giai đoạn sớm cũng đang tăng. Điều này sẽ giúp giảm tỷ lệ tử vong ở nữ giới do ung thư vú.
So với 10 năm trước đây, việc đi khám sức khỏe định kỳ, tự kiểm tra vú tại nhà hoặc tham gia các chương trình thăm khám sàng lọc miễn phí bệnh ung thư vú của người dân ngày càng nhiều hơn nhiều. Hiểu biết của người dân về bệnh này cũng tốt hơn nhiều. Vì vậy, tỷ lệ phát hiện ở giai đoạn muộn di căn hạch nách, hạch cổ có giảm, thay vào đó là tỷ lệ phát hiện bệnh sớm mà chủ yếu phát hiện ung thư vú khi kích thước u vú dưới 2cm.
Tại sao tỷ lệ mắc ung thư vú ngày càng tăng như PGS vừa trao đổi, và các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú ở phụ nữ là gì, thưa PGS?
PGS.TS Phạm Cẩm Phương: Ung thư vú là bệnh lý ác tính của tế bào tuyến vú. Ung thư vú cùng với ung thư cổ tử cung là 2 loại ung thư phổ biến nhất và gây tử vong hàng đầu ở nữ giới.
Số người mắc ung thư vú được phát hiện tăng cao là do ý thức của người dân đã thay đổi, một bộ phận đã thăm khám định kỳ và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú bao gồm: phụ nữ trên 40 tuổi, người có tiền sử gia đình có mẹ, con cái, chị/em gái bị ung thư vú, hành kinh sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), phụ nữ mang thai muộn (trên 30 tuổi), không mang thai, không cho con bú… Những đối tượng này nên đi thăm khám, tầm soát bệnh định kỳ hàng năm, có thể tầm soát bệnh từ 35 tuổi.
Bên cạnh đó, chúng ta cần giảm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khác mà biết chắc chắn sẽ gây ra bệnh ung thư như: hút thuốc lá, nhiễm các virus (phải dự phòng bằng cách tiêm vaccine), ăn thực phẩm nấm mốc, có chất tăng trọng, thực phẩm chế biến sẵn…
Có thông tin cho rằng, uống nước cây dừa cạn sẽ phòng được bệnh ung thư vú, điều này có phải không, thưa PGS?
PGS.TS Phạm Cẩm Phương: Tôi chưa thấy một báo cáo hay nghiên cứu nào nói về tác dụng phòng ung thư của cây dừa cạn. Chính vì vậy, người dân cần phải tìm hiểu kỹ, tránh nghe theo tin truyền miệng không đúng là không thăm khám hoặc sàng lọc bệnh sớm, hoặc bỏ lỡ cơ hội điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.
Ung thư vú có thể điều trị khỏi hoàn toàn không thưa PGS và làm thế nào để tăng tỷ lệ người được sàng lọc sớm bệnh này, thưa Bà?
PGS.TS Phạm Cẩm Phương: Với nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị ung thư hiện nay, ung thư vú hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Vì vậy, việc sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư vú rất quan trọng.
Nhưng để phát hiện bệnh sớm thì trong cộng đồng người dân phải có sự hiểu biết về việc sàng lọc ung thư vú. Chính vì vậy, tại Trung tâm Ung bướu, bệnh viện Bạch Mai cũng như các cơ sở điều trị ung thư hiện nay đang thành lập và phát triển các câu lạc bộ bệnh nhân ung thư vú. Đây là môi trường để chia sẻ thông tin dự phòng hay điều trị bệnh, chia sẻ tình cảm, tinh thần giữa người bệnh với người bệnh, người bệnh với bác sĩ và cộng đồng, nhằm kêu gọi chị em phụ nữ có ý thức sàng lọc bệnh sớm và lan truyền thông điệp này tới cộng đồng.
Đối với những bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn hơn, chúng tôi khuyến cáo người bệnh cần tin tưởng vào chẩn đoán và điều trị của bác sĩ. Nếu tuân thủ phác đồ điều trị, đó sẽ là chìa khoá quyết định sự thành công trong quá trình điều trị bệnh.
Xin trân trọng cảm ơn PGS!
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn