![]() |
Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Dưới đây là nội dung Chương trình Giao lưu trực tuyến:
Kiều Trang, Hà Nội: Tôi đọc báo thấy, kế hoạch triển khai vaccine 5 trong 1 ComBe Five bị chậm vài tháng vừa rồi là do kết quả kiểm định chất lượng lô vaccine đó không đạt, vì vậy, tôi rất băn khoăn khi cho con tôi tiêm vaccine này, ngành y tế có khuyến cáo như thế nào?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Kế hoạch chuyển đổi vaccine com BE Five đã được Bộ Y tế chuẩn bị từ đầu năm 2018, tuy nhiên việc triển khai đã bị chậm hơn so với kế hoạch, do việc cung ứng vaccine. Đây là vaccine nhập khẩu được cung ứng qua UNICEF, vaccine sau khi nhập về Việt Nam đều phải được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế kiểm tra chất lượng, thời gian kéo dài khoảng 2-3 tuần.
Về tính an toàn của vaccine, các bậc cha mẹ hãy yên tâm, từng lô vaccine khi nhập về Việt Nam đều phải được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế kiểm định, chỉ khi đạt các tiêu chuẩn an toàn vaccine mới được cấp cho các địa phương để sử dụng.
Thu Quỳnh, Hải Phòng: Hiện tôi thấy nhiều người cho rằng, trẻ sinh non tháng thì bố mẹ không tiêm vaccine cho trẻ. Có phải như vậy không?
![]() |
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Do trẻ sinh non có hệ thống miễn dịch chưa hoàn chỉnh, dễ chịu tác động của tác nhân gây bệnh. Vì vậy, trẻ sinh non là đối tượng đặc biệt cần phải quan tâm đến việc tiêm vaccine để phòng bệnh. Ngoại trừ một số trường hợp như trẻ sinh non rất nhẹ cân (dưới 2 kg) hoặc trẻ có các chống chỉ định khác thì trẻ sinh non vẫn được tiêm chủng đúng lịch như trẻ khác. Trong trường hợp bạn đọc vẫn còn băn khoăn thì có thể đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa Nhi để được bác sĩ tư vấn trực tiếp.
Bạn đọc: Tại sao chúng ta không sử dụng vaccine 6 trong 1 hay pentaxim trong tiêm chủng mở rộng mà lại dùng các loại vaccine của Ấn Độ?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Tất cả các vaccine sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rông là các vaccine đạt yêu cầu của Bộ Y tế về tiêu chuẩn an toàn và hiệu quả về miễn dịch, để phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vaccine 5 trong 1 sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vaccine chứa thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, Hib, trong đó thành phần ho gà là vaccine toàn tế bào. Vaccine đã được sử dụng từ năm 2010 cho khoảng 40 triệu liều đến nay. Vaccine được khẳng định là an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho trẻ em Việt Nam.
Tuy nhiên bạn cũng có thể lựa chọn tiêm chủng cho con với vaccine có thành phần tương tự tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và phải trả phí.
Minh Anh, TPHCM: Tiêm vaccine phòng bệnh có tác dụng trong thời gian bao lâu? Khi nhỏ tiêm phòng nhưng lớn vẫn có thể mắc bệnh đúng không, thưa bác sĩ?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Đây là câu hỏi khá rộng, chúng tôi xin tóm tắt như sau để bạn đọc nắm được:
Chúng ta mắc bệnh nhiễm trùng là do hệ thống miễn dịch hay còn gọi là “sức đề kháng” chưa đủ mạnh để chống lại tác nhân gây bệnh. Trẻ nhỏ - hệ thống miễn dịch chưa phát triển hệ thống miễn dịch nên dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Do vậy, tiêm vaccine là giải pháp chủ động tạo miễn dịch để hỗ trợ trẻ chống lại tác nhân gây bệnh.
85-95% người được tiêm chủng vaccine đầy đủ sẽ không mắc bệnh trong thời gian cần bảo vệ. Ví dụ, vaccine BCG phòng được bệnh lao cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng cũng có tài liệu nói có hiệu quả phòng lao đến 20 năm. Hay vaccine viêm não Nhật Bản nếu trẻ được tiêm đủ 3 mũi cơ bản khi trẻ đủ 12 tháng, sau đó nhắc lại 3 năm/lần cho đến khi trẻ 15 tuổi thì có đến 85-95% trẻ trong độ tuổi này sẽ được bảo vệ. Như vậy, ngoài thời gian này thì hệ miễn dịch của chúng ta đã trưởng thành, đã được tôi luyện “qua tiêm chủng” thì có đủ khả năng bảo vệ cơ thể. Mặc dù vậy, trong quãng đời, bất cứ thời gian nào mà hệ miễn dịch kém thì vẫn có thể mắc bệnh.
Lịch tiêm chủng hiện nay là kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học để đảm bảo rằng trẻ được hỗ trợ tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại bệnh tật vào đúng khoảng thời gian mà trẻ cần.
Thu Hiền, Thái Bình: Làm sao để tin tưởng cho tiêm vaccine ComBe Five? Vì sao lại đổi Quinvaxem sang vaccine này?
: Vaccine 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib) sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng trước tháng 8/2018 là vaccine Quinvaxem do công ty Berna Biotech, Hàn Quốc sản xuất. Tuy nhiên, vaccine Quinvaxem hiện nay không còn được sản xuất và cung ứng trên thị trường. Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi vaccine Quivaxem bằng vaccine có thành phần, tính an toàn và hiệu quả phòng bệnh tương tự vaccine Quinvaxem. Vaccine có tên thương mại là ComBe Five.
![]() |
TS. Đặng Thị Thanh Huyền
Trước khi sử dụng vaccine ComBe Five đã phải qua thử nghiệm lâm sàng đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và của Tổ chức Y tế thế giới. Hiện tại vaccine đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Đồng thời, từng lô vaccine khi nhập vào Việt Nam đều được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế kiểm định và chỉ khi đạt tiêu chuẩn về an toàn mới được đưa ra sử dụng. Vaccine này đã được sử dụng tại hơn 43 quốc gia trên thế giới với hơn 400 triệu liều.
Kim Oanh, Hà Nội: Các mũi tiêm nếu bị quá thời gian thì tiêm còn hiệu quả không và có ảnh hưởng gì không?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Để việc tiêm chủng phát huy hiệu quả thì cần phải tiêm đúng đối tượng, đúng vaccine, đúng kỹ thuật, đúng liều, đúng lịch, tiêm đủ số mũi và tiêm an toàn. Như vậy, nếu mũi tiêm của bạn bị quá thời gian, tức là bị trễ so với lịch tiêm thì hiệu quả sẽ không đạt như mong đợi. Tuy nhiên, mũi tiêm trễ cần phải được tiêm càng sớm càng tốt để mũi tiêm phát huy vai trò bảo vệ cơ thể trẻ.
Hồng Thương, Nam Định: Con tôi đã 9 tháng, giờ cháu có được tiêm vaccine ComBe Five theo chương trình tiêm chủng mở rộng không?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Đối với trường hợp của con bạn, nếu cháu bé chưa được tiêm đủ 3 mũi vaccine 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib thì cần tiêm đủ 3 mũi vaccine này càng sớm càng tốt.
Bạn cần liên hệ với trạm y tế xã, phường nơi bạn cư trú để đăng ký tiêm chủng cho cháu.
Trần Tiệp, Hà Nội: Tại sao tiêm đủ 3 mũi sởi lúc 9 tháng, 18 tháng và nhắc lại rồi mà vẫn phải tiêm bổ sung? Tại sao các trường học lại ép chỉ tiêu 100% các cháu phải tiêm?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Đối với tiêm vaccine phòng bệnh sởi thì Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia khuyến cáo 3 thời điểm cần cho trẻ đi tiêm vaccine khi trẻ được 9 tháng (mũi 1), 18 tháng (mũi 2) và trước khi trẻ đi học tiểu học (mũi 3). Để có được hiệu quả phòng bệnh sởi cao nhất thì bên cạnh việc đảm bảo đầy đủ miễn dịch cho mỗi cá thể (tiêm đủ 3 mũi trên) cần phải đảm bảo miễn dịch cộng đồng (càng nhiều trẻ được tiêm chủng đủ, miễn dịch cộng đồng cao). Mũi vaccine tiêm bổ sung hiện nay nhằm bổ sung những mũi vaccine cho trẻ để tạo miễn dịch cộng đồng. Vì vậy cần có sự hưởng ứng của tất cả mọi người.
Huyền Lê, Đông Anh, Hà Nội: Bây giờ đã cuối tháng 12 rồi, vậy khi nào mới triển khai tiêm vaccine mới 5 trong 1? Nếu đã triển khai rồi, thì tại các địa phương đó, người dân có chấp nhận cho con tiêm vaccine mới này không?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Hiện tại vaccine 5 trong 1 ComBe Five đã được cung ứng tới tất cả 63 tỉnh, thành phố để triển khai tiêm chủng cho trẻ em. Tại Hà Nội, dự kiến vaccine này sẽ được triển khai từ tháng 1/2019.
Trước khi triển khai trên quy mô toàn quốc, vaccine đã được sử dụng cho hàng chục ngàn trẻ em tại 7 tỉnh: Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Bình Định, Kon Tum, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu trong tháng 10 và tháng 11/2018. Vaccine được các bố mẹ tin tưởng và được triển khai an toàn tại các địa phương này.
Hồ Hà, Quảng Ninh: Các mũi tiêm nhắc lại lần 2, lần 3 nếu không tiêm đủ, thì những mũi tiêm trước có còn tác dụng không, nếu quá thời gian lâu rồi mà tiêm nhắc lại thì có hiệu quả không?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Các mũi vaccine nhắc lại lần sau (lần 2,3) có tác dụng tạo miễn dịch thứ phát, làm nồng độ kháng thể tăng cao trong cơ thể và thời gian tồn lưu kháng thể trong cơ thể dài hơn. Do vậy, đối với một số loại vaccine chỉ tiêm một mũi đầu thì hiệu quả bảo vệ sẽ không cao.
Vì vậy, để tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể thì vẫn phải tiêm các mũi nhắc lại mặc dù là đã trễ lịch tiêm.
Trần Thị Lương, Hà Nội: Tôi đã dừng tiêm cho con tôi khi con 1 tuổi vì đọc báo thấy có ca tử vong do tiêm vaccine. Năm nay cháu đã 6 tuổi. Bác sĩ cho tôi hỏi, việc tiêm giữa chừng như vậy có sao không, nếu muốn tiêm tiếp thì làm thế nào để biết cháu đã tiêm mũi gì và mũi gì chưa tiêm, vì tôi đã đánh mất sổ theo dõi tiêm của cháu?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Vì vậy, trẻ cần được tiêm chủng kịp thời, đầy đủ để phòng bệnh. Trẻ không tiêm chủng, không được tiêm đầy đủ hoặc tiêm chậm lịch có thể bị mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Cháu nhà bạn đã 6 tuổi, nằm ngoài độ tuổi tiêm chủng miễn phí các vaccine trong chương trình TCMR. Tuy nhiên cháu vẫn cần được tiêm chủng phòng bệnh. Các vaccine cho trẻ lớn được cung ứng tại các điểm tiêm chủng dịch vụ. Để phòng các bệnh như sởi, quai bị, rubella, cúm… bạn hãy đưa cháu đến các điểm tiêm dịch vụ để được tư vấn cụ thể.
Lan Anh, Hưng Yên: Thưa bác sĩ, tôi xin hỏi có nhiều người chia sẻ, việc dùng khoai tây, chanh…đắp vào vết tiêm để trẻ không đau, không sưng có đúng không thưa bác sĩ?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Những vật liệu như bạn đọc vừa đề cập chưa được chứng minh có tác dụng giảm đau, giảm sưng tại vết tiêm, thậm chí khi dùng các vật liệu này còn có nguy cơ gây các biến chứng nhiễm trùng cho trẻ. Người chăm sóc trẻ cần tuân theo các tư vấn theo dõi và xử trí các phản ứng sau tiêm của thầy thuốc tiêm chủng, trong đó có phản ứng đau và sưng để có cách chăm sóc trẻ an toàn.
Huy Hùng, Tiền Giang: Cho tôi xin hỏi, tại sao Chương trình tiêm chủng mở rộng không sử dụng vaccine của các nước khác, mà chỉ sử dụng vaccine của Ấn Độ?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Hiện tại 9/11 loại vaccine sử dụng trong chương trình TCMR từ nhiều năm qua là do Việt Nam sản xuất cho hàng chục triệu trẻ em và được chứng minh là an toàn, hiệu quả cao trong phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em. Có 2 loại vaccine nhập khẩu là vaccine 5 trong 1 (ComBe Five) sản xuất tại Ấn Độ và vaccine IPV sản xuất tại Pháp.
Vaccine 5 trong 1 (ComBe Five) được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia và đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế Thế giới. Vaccine ComBe Five có thành phần, hiệu quả, tính an toàn, cách sử dụng như vaccine Quinvaxem trước đây. Việc sử dụng vaccine ComBe Five là phù hợp và thuận lợi cho quá trình triển khai tại tất cả các địa phương trên cả nước.
Lê Hà, Hà Nội: Ngoài mũi vaccine viêm gan B còn có vaccine viêm gan A,C. Tôi thấy nhiều người bảo không nên tiêm viêm gan A, C. Vậy cho tôi hỏi trong trường hợp nào bé nên tiêm và trường hợp nào thì không tiêm?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Về câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được trao đổi như sau:
Hiện tại chưa có vaccine phòng bệnh viêm gan C, vì vậy việc phòng bệnh viêm gan C chủ yếu là các thực hành chống phơi nhiễm với các tác nhân mang virus viêm gan C, ví dụ như phòng phơi nhiễm với máu, dịch cơ thể.
Virus viêm gan A chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa. Vì vậy, việc chủ động tiêm vaccine để phòng nhiễm virus viêm gan A là một việc cần làm, đặc biệt ở những khu vực có tỉ lệ lưu hành viêm gan A cao, vệ sinh ăn uống không đảm bảo.
Hiện nay, tại các địa điểm tiêm chủng trên cả nước, vaccine viêm gan A có 2 dạng vaccine phòng viêm gan A đơn thuần và vaccine phòng viêm gan A kết hợp với viêm gan B, rất thuận tiện cho việc quý độc giả tiếp cận với vaccine.
![]() |
Bạn đọc: Sổ điện tử theo dõi lịch tiêm của trẻ được cập nhật ở đâu? Bố mẹ đi tiêm cho trẻ có sổ điện tử để tự theo dõi không? Hiện nay, mọi người đã sử dụng nhiều điện thoại thông minh, ngành y tế có dự kiến sẽ quản lý sổ điện tử theo dõi tiêm chủng qua các app trên điện thoại để tạo thuận lợi theo cho các bậc phụ huynh không?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Từ tháng 6/2018, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia. Mỗi trẻ sinh ra sẽ có một mã số tiêm chủng cá nhân, mã số này là duy nhất và có thể sử dụng suốt cả cuộc đời để cập nhật các thông tin từng mũi vaccine. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Tổng công ty viễn thông Viettel xây dựng sổ tiêm chủng điện tử cá nhân cho từng trẻ. Bạn có thể sử dụng mã số tiêm chủng cá nhân để truy cập sổ tiêm chủng tại địa chỉ http://sotiemchung.vncdc.gov.vn hoặc qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Các thông tin này được lưu trữ lâu dài và cha mẹ dễ dàng truy cập để biết tình trạng tiêm chủng của con và các mũi vaccine cần thực hiện.
Tại một số địa phương đã áp dụng việc gửi tin nhắn vào điện thoại của bố mẹ để thông báo lịch tiêm chủng của trẻ hàng tháng, bạn có thể hỏi cán bộ trạm y tế và đăng ký sử dụng dịch vụ này. Khi đi tiêm chủng, bạn cần mang theo mã số tiêm chủng cá nhân để cán bộ y tế truy cập chính xác thông tin tiêm chủng của con bạn và chỉ định tiêm chủng vaccine phù hợp.
Châm Anh, Hà Nội: Tại sao có nhiều trẻ đã tiêm phòng sởi, thủy đậu, ho gà nhưng vẫn mắc, đặc biệt còn có trẻ chưa đến tuổi tiêm đã mắc bệnh? Điều này liệu có mâu thuẫn với việc tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ không?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Như đã đề cập ở phần trên, trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm phụ thuộc vào khả năng bảo vệ của cơ thể, phụ thuộc mức độ miễn dịch thu được qua tiêm chủng, mức độ miễn dịch ở cộng đồng và mức độ lưu hành tác nhân gây bệnh.
Hiện nay, một số bệnh như sởi, thủy đậu, ho gà… vẫn lưu hành ở cộng đồng. Ngay cả khi trường hợp trẻ tiêm chủng đầy đủ theo lịch thì khả năng phòng bệnh lên đến 95%. Tỉ lệ chưa được bảo vệ và tỉ lệ sót lại do tiêm chủng chưa bao phủ hết, mặc dù rất thấp (khoảng dưới 5%) được tích lũy theo thời gian qua từng năm, dẫn đến sau một khoảng thời gian (4-5 năm) tạo ra khoảng trống miễn dịch. Đây là giai đoạn thuận lợi cho việc một số bệnh vẫn đang lưu hành có nguy cơ bùng phát. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiêm đầy đủ vaccine của mỗi cá thể thì việc có các mũi bổ sung hoặc chiến dịch tiêm vét là để tạo ra miễn dịch trong cộng đồng, phòng ngừa bùng phát dịch bệnh như sởi, ho gà…
Hà Phương, Hà Nội: Bé nhà tôi năm nay 2 tuổi. Cháu đã tiêm 1 mũi sởi đơn (lúc 11 tháng) và 1 mũi sởi-quai bị-rubela (lúc 18 tháng). Tuy nhiên, theo thông báo của phường về chiến dịch tiêm sởi vừa rồi đã là đợt tiêm vét mà con tôi vẫn chưa tiêm được do cháu bị cúm. Vậy cho tôi hỏi, bây giờ tôi cho cháu ra tiêm mũi dịch vụ Sởi đơn để thay thế mũi sởi-rubela như trong chiến dịch vừa rồi được không?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Trong chiến dịch tiêm bổ sung sử dụng vaccine phối hợp phòng 2 bệnh sởi và rubella, con bạn nếu chưa được tiêm vẫn có thể đến trạm y tế xã/phường để được tiêm vét hoặc có thể chủ động tiêm nhắc tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, và nên sử dụng vaccine phối hợp (sởi-rubella hoặc sởi-quai bị-rubella) vì cùng một mũi tiêm có thể phòng được 2 hay 3 bệnh.
Thanh Thủy, Thái Bình: Con tôi hiện nay đã gần 2 tuổi, nhưng cháu chưa được tiêm mũi sởi nào do các lần tiêm đều bị ốm. Vậy giờ con tôi nên tiêm vaccine như nào, thưa bác sĩ?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Con của bạn đã bị trễ tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho nên cháu cần phải bổ sung mũi tiêm sởi càng sớm càng tốt để đảm bảo có đủ 3 mũi vaccine cơ bản phòng bệnh sởi. Nếu cháu thường xuyên bị ốm, bạn có thể đưa con đến các bệnh viện có chuyên khoa Nhi và có đơn vị tư vấn tiêm chủng để được tư vấn về tiêm chủng vaccine cho trẻ.
Đỗ Hương, Hà Đông: Tiêm rồi vẫn bị bệnh đã tiêm thì có phải do vaccine không hiệu quả không? Xin Bộ Y tế cho biết về quy định bồi thường tai biến tiêm chủng hiện nay như thế nào? Có trường hợp Bộ Y tế vẫn kết luận là “không rõ nguyên nhân” thì gia đình và bản thân trẻ bị tai biến có được hỗ trợ không?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Tác dụng của vaccine là chủ động tạo miễn dịch để phòng bệnh. Tuy nhiêu không có loại vaccine nào đạt được hiệu quả phòng bệnh 100%. Việc đáp ứng miễn dịch sau tiêm vaccine cũng sẽ tùy thuộc vào bản chất loại vaccine và từng cá thể. Cùng trong số được tiêm chủng cùng 1 loại vaccine có những trẻ có đáp ứng miễn dịch, nhưng cũng có những trẻ nồng độ kháng thể ở mức thấp không đủ bảo vệ phòng bệnh, hoặc hoàn toàn không có đáp ứng miễn dịch. Vì vậy, đối với một số bệnh, trẻ cần được tiêm bổ sung hoặc tiêm nhắc trong các chiến dịch để đảm bảo tỷ lệ phòng bệnh ở mức cao, chủ động phòng ngừa không để dịch bệnh xảy ra.
Theo Nghị định 104/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1/7/2016, các trường hợp tai biến sau tiêm chủng sẽ được nhà nước bồi thường gồm có: tử vong, tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến khuyết tật. Với từng trường hợp tai biến nặng cụ thể, Hội đồng Tư vấn chuyên môn tuyến tỉnh sẽ họp xem xét và ra quyết định bồi thường.
Bạn đọc: Có phải sau tiêm vaccine, trẻ bị sốt – một phản ứng mà nhiều người nói rằng đó là phản ứng thông thường thì mới tốt cho trẻ có đúng không? Tôi rất muốn nghe trực tiếp từ các bác sĩ?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Các phản ứng như sốt, sưng, đau tại vị trí tiêm là các phản ứng sau tiêm thường gặp đối với bất kỳ loại vaccine nào. Mức độ phản ứng tùy thuộc vào từng loại vaccine và từng cá thể được tiêm. Mức độ phản ứng không liên quan đến hiệu quả vaccine mà trẻ nhận được. Điều quan trọng là người chăm sóc trẻ cần phải theo dõi và có các biện pháp xử trí các phản ứng sau tiêm đúng như tư vấn của các thầy thuốc chuyên môn, ví dụ sốt trên 38,5 độ thì dùng thuốc hạ sốt... Bạn đọc quan tâm cũng có thể đến cơ sở tiêm chủng gần nhất để được tư vấn chi tiết.
Hoàng Lâm, Vĩnh Phúc: Vaccine mới này khác gì vaccine cũ và trẻ tiêm vaccine mới này thì sẽ có những phản ứng như nào sau tiêm, thưa bác sĩ?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Vaccine ComBe Five là vaccine phối hợp 5 trong 1 để phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib cho trẻ em. Vaccine ComBe Five có thành phần, hiệu quả, tính an toàn, lịch tiêm chủng, cách sử dụng như vaccine Quinvaxem trước đây.
Về phản ứng sau tiêm vaccine ComBE Five cũng tương tự như các vaccine DPT-VGB-Hib có thành phần ho gà toàn tế bào và tương tự như vaccine Quinvaxem. Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (<38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày. Một số phản ứng ứng hiếm gặp như khóc dai dẳng, co giật, giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng, phản vệ có thể xảy ra với tỉ lệ 20/1 triệu liều.
Vaccine ComBe Fiv là vaccine đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới, được sử dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia. Vì vậy bạn hãy yên tâm đưa con đi tiêm chủng vaccine này trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các xã phường.
Việt Anh, Hà Nội: Vì sao khi trẻ tiêm vaccine phòng bệnh rồi mà vẫn mắc bệnh? Xin bác sĩ cho biết làm sao để cha mẹ phân biệt được trẻ sốt do sởi, sốt do viêm não hay chỉ là sốt thông thường?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Như đã đề cập ở trên, khả năng hay xác suất mắc bệnh truyền nhiễm liên quan đến miễn dịch cơ thể bao gồm cả miễn dịch thu được thông qua tiêm chủng, miễn dịch cộng đồng và mức độ lưu hành tác nhân gây bệnh, cho nên vẫn có một xác suất nhỏ trẻ đã tiêm vaccine rồi mà vẫn có thể mắc bệnh, mặc dù tỉ lệ này là rất thấp.
Sốt là biểu hiện của rất nhiều tình trạng bệnh lý bao gồm cả bệnh lý nhiễm trùng và không nhiễm trùng. Tùy thuộc vào mỗi loại bệnh, sốt có kèm theo các triệu chứng và biểu hiện khác nhau. Trong bệnh sởi, sốt thường kèm theo biểu hiện như phát ban, xuất huyết đường hô hấp…Trong viêm não, sốt kèm theo các biểu hiện về thần kinh. Vì vậy, khi trẻ bị sốt và có các dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được tư vấn và thăm khám, điều trị.
Bạn đọc: Trong năm nay, Bộ Y tế sẽ đưa vaccine phòng bại liệt vào chương trình tiêm chủng mở rộng có đúng không? Bao giờ Bộ triển khai?TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Vaccine bại liệt tiêm (IPV) là vaccine bại liệt bất hoạt. Trẻ cần uống đủ 3 điều vaccine bại liệt OPV và tiêm 1 mũi cho trẻ 5 tháng tuổi. Vaccine IPV đã được triển khai trong chương trình TCMR từ tháng 6/2018 với lịch tiêm 1 mũi cho trẻ 5 tháng tuổi để chủ động tại miễn dịch phòng ngừa bệnh bại liệt cho virut tuyp 2. Đến nay, vaccine đã được triển khai miễn phí tại tất cả các xã phường trên cả nước cho khoảng 220 nghìn trẻ.
Bạn hãy liên hệ với các trạm y tế xã phường để con bạn được tiêm chủng miễn phí vaccine này.
Sỹ Hùng, Lào Cai: Xin bác sĩ chia sẻ những trường hợp nào vẫn sẽ triển khai tiêm chủng cho trẻ khi trẻ bị ốm thông thường, nhằm tránh để sót mũi tiêm?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Nếu trẻ có các biểu hiện ốm nhẹ mà không ảnh hưởng đến an toàn tiêm chủng thì trẻ vẫn được tư vấn tiêm chủng để tránh việc lỡ lịch tiêm. Hiện nay, tại các bệnh viện có chuyên khoa Nhi đang bắt đầu triển khai các đơn vị tư vấn tiêm chủng tại bệnh viện nhằm khám, sàng lọc, tư vấn tiêm chủng cho một số trường hợp trẻ có một số bệnh lý mãn tính. Bạn đọc quan tâm có thể đến Trung tâm tiêm chủng của BV Nhi Trung ương hoặc bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến tỉnh để được tư vấn và hỗ trợ.
Hồng Loan, Nam Định: Mũi tiêm sởi cho bé trước 1 tuổi mà không có mũi sởi đơn, thì tiêm mũi kép có ảnh hưởng gì không?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Trong chương trình TCMR của hiện nay đang sử dụng vaccine sởi đơn để tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi và vaccine phối hợp sởi-rubella cho trẻ 18 tháng tuổi. Nếu trường hợp tiêm vaccine dịch vụ vẫn có thể sử dụng vvaccine phối hợp có thành phần vaccine sởi để phòng bệnh (vaccine phối hợp sởi-rubella hoặc vaccine tam liên sởi-quai bị-rubella).
Ngọc Anh, Đà Nẵng: Có nhiều người cho rằng, không tiêm chủng thì cơ thể sẽ có miễn dịch tự nhiên. Điều này có đúng không, thưa bác sĩ?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Miễn dịch tự nhiên thu được không qua tiêm chủng thì chỉ bằng con đường phơi nhiễm tác nhân gây bệnh và thực sự nhiễm bệnh. Tiêm chủng là quá trình chủ động tạo miễn dịch đặc hiệu, có hiệu quả như miễn dịch tự nhiên mà không phải nhiễm bệnh và mắc bệnh. Đây chính là lý do tại sao tiêm chủng là biện pháp chủ động hiệu quả hiện nay để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm.
Khánh Hội, Quảng Nam: Tôi được biết, trong năm vừa rồi có tới 3 loại vaccine chuyển đổi sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí, vậy xin cho hỏi có phải do chất lượng vaccine cũ không đảm bảo không? Vì sao giá vaccine trong tiêm chủng mở rộng lại rẻ hơn rất nhiều giá vaccine dịch vụ?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong việc sản xuất vaccine và tự chủ nguồn cung ứng cho chương trình TCMR. Hiện tại, hầu hết các vaccine sử dụng trong tiêm chủng mở rộng là vaccine sản xuất tại Việt Nam và đạt các tiêu chuẩn khắt khe về tính an toàn và tính sinh miễn dịch. Các vaccine này đã được sử dụng cho hàng chục triệu trẻ em trong nhiều năm qua. Hàng triệu trẻ em được phòng bệnh, hàng chục ngàn trẻ được cứu sống nhờ những vaccine này cho thấy vaccine đạt chất lượng và an toàn.
Trong năm 2018 chương trình TCMR đã chuyển đổi vaccine phối hợp 2 trong 1 sởi-rubella nhập khẩu sang sử dụng vaccine sản xuất trong nước là vaccine MRVAC do Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC). Đây là vaccine được chuyển giao công nghệ do chính phủ Nhật Bản hỗ trợ ngành y tế. Trước đó, vaccine sởi đơn cũng do POLYVAC sản xuất đã được sử dụng cho trẻ 9 tháng tuổi từ năm 2010 đến nay cho khoảng 20 triệu trẻ em Việt Nam.
Từ tháng 10/2018, vaccine 5 trong 1 (ComBe Five ) thay thế cho vaccine Quinvaxem trong chương trình TCMR. Vaccine này đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Từng lô vaccine đều phải được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế kiểm định, chỉ khi đạt được các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng thì mới được đưa ra sử dụng trong chương trình TCMR.
Từ tháng 6/ 2018, vaccine mới là vaccine bại liệt tiêm (IPV) được triển khai trong chương trình TCMR với lịch tiêm 1 mũi cho trẻ 5 tháng tuổi để chủ động tại miễn dịch phòng ngừa bệnh bại liệt cho virut tuyp 2.
Tất cả các vaccine trong TCMR đều do nhà nước chi trả vì vậy người dân không phải trả tiền. Đối với các vaccine dịch vụ thì không được nhà nước hỗ trợ nên phải trả phí.
Linh Hương, TPHCM: Xin bác sĩ cho biết những dấu hiệu nguy hiểm, phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine ở trẻ và trong tình huống như vậy, gia đình cần xử trí như thế nào trước khi đưa trẻ đến cơ sở y tế?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Khi trẻ được tiêm chủng đảm bảo các quy định về an toàn tiêm chủng thì tỷ lệ trẻ có phản ứng nặng sau tiêm chủng rất thấp. Một số phản ứng nặng sau tiêm được mô tả như co giật, khó thở, tím tái hay sốc…Những trường hợp này thì trẻ được đưa trẻ các cơ sở y tế càng sớm càng tốt, để được xử lý thích hợp. Người chăm sóc trẻ cần lưu ý, sao cho trẻ được đảm bảo thông thoáng đường thở, phòng tránh các nguy cơ trẻ bị sặc, hít phải các dịch tiết của đường tiêu hóa… trong khi vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế.
Hồng Hạnh, Hà Nội: Tại sao chúng ta đã thực hiện tiêm chủng từ nhiều năm nay với tỷ lệ trẻ được tiêm theo báo cáo của Bộ Y tế rất cao, nhưng vẫn bùng phát nhiều dịch bệnh gần đây như sởi, ho gà…?
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Vaccine là biện pháp phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em hiệu quả nhất. Tuy nhiên, không có vaccine nào đạt tỉ lệ miễn dịch 100% trong cộng đồng. Tỉ lệ này còn phụ thuộc vào các cá nhân được tiêm chủng, có những trường hợp đã tiêm vaccine nhưng không có miễn dịch hoặc miễn dịch không đủ. Trên toàn quốc, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi nhiều năm qua đạt tỷ lệ trên 90-95%, như vậy vẫn còn khoảng 5-10% số trẻ dưới 1 tuổi mỗi năm (khoảng 85.000 trẻ - 170.000 trẻ) chưa được tiêm chủng đầy đủ. Như vậy, trên phạm vi cả nước vẫn còn nhiều trẻ cảm nhiễm, chưa có miễn dịch phòng bệnh. Số lượng này được tích lũy qua các năm và là yếu tố thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát, nhất là trong điều kiện hiện nay các bệnh truyền nhiễm như ho gà sởi hiện nay vẫn đang lưu hành tại Việt Nam. Vì vậy bên cạnh việc nâng cao tỉ lệ tiêm chủng cho trẻ em hàng tháng thì định kỳ cần triển khai các chiến dịch tiêm chủng bổ sung để hạn chế số lượng trẻ cảm nhiễm nói trên.
Hồng Hạnh, Hà Nội: Một số trường hợp sau khi tiêm vaccine lần đầu bị sốt cao và nôn trớ. Sau đó bác sĩ chỉ định không tiêm mũi sau. Vậy có cách nào kiểm tra xem trẻ có bị dị ứng trước khi tiêm vào người hay không, thưa bác sĩ?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Không có chống chỉ định tuyệt đối cho những trẻ bị sốt, nôn sau khi tiêm mũi tiêm lần đầu, tuy nhiên nếu con của bạn có các biểu hiện như trên, cần đưa trẻ đến các bệnh viện có chuyên khoa Nhi để được tư vấn.
Nếu trẻ nghi ngờ có các biểu hiện dị ứng sau khi tiêm vaccine, bạn có thể đưa trẻ đến chuyên khoa Dị ứng miễn dịch, BV Nhi Trung ương để được xét nghiệm, đánh giá. Nếu bệnh viện tuyến tỉnh có chuyên khoa dị ứng miễn dịch thì bạn có thể đưa trẻ đến đây để được tư vấn.
Mai Hoa, Bắc Ninh: Con tôi 12 tuổi đã tiêm HPV được chưa? Có thông tin cho rằng, tiêm tại Singapore đảm bảo hơn Việt Nam. Xin bác sĩ giải thích rõ hơn cho tôi và gia đình được biết. Xin cảm ơn bác sĩ.
TS. Đặng Thị Thanh Huyền: Trường hợp con bạn 12 tuổi là lứa tuổi được chỉ định tiêm vaccine HPV phòng nhiễm virus này và các bệnh kèm theo. Vaccine có hiệu quả cao nhất khi trẻ chưa bị nhiễm virus HPV, trước khi bước vào độ tuổi quan hệ tình dục. Vaccine HPV tại Việt Nam được chỉ định cho trẻ em và thanh niên từ 9 đến 26 tuổi. Phần lớn các trường hợp HPV ở độ tuổi khi còn trẻ nhưng nhiễm HPV có thể để lại biến chứng lâu dài sau nhiều năm như ung thư cổ tử cung ở nữ, ung thư sinh dục hậu môn ở cả hai giới và các u nhú sinh dục.
Tiêm chủng vaccine HPV có thể được chỉ định khi trẻ đủ điều kiện sức khỏe và do cán bộ y tế thực hiện. Tình trạng kinh nguyệt không phải là chống chỉ định hoặc là tạm hoãn vaccine này. Vaccine HPV hiện tại được cung ứng tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và con bạn có thể dễ dàng tiếp cận với vaccine này nếu có nhu cầu. Vaccine HPV sử dụng tại Việt Nam là vaccine nhập khẩu tương tự như vaccine tại các quốc gia khác. Do vậy, bạn có thể yên tâm cho con tiêm chủng tại Việt Nam.
Mai Hoa, Thái Bình: Hiện tượng sốc phản vệ thậm chí tử vong, khiến nhiều người đã bỏ cả tiền sang nước ngoài tiêm, thậm chí có nơi còn tranh nhau để được suất tiêm. Có người bỏ cả mũi tiêm đó của con. Chứng tỏ vaccin có rất nhiều vấn đề. Vậy chất lượng vacccin ở Việt Nam có đảm bảo hay không, thưa bác sĩ?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Như đã trao đổi, bất kỳ loại vaccine nào đều có phản ứng sau tiêm. Mức độ của các phản ứng sau tiêm tùy thuộc vào từng loại vaccine. Bộ Y tế và Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia đã đưa ra các hướng dẫn rất chi tiết về sàng lọc tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Các cơ sở, trung tâm tư vấn tiêm chủng vaccine trên cả nước đều phải tuân theo hướng dẫn này. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất vaccine cũng có những hướng dẫn riêng cho từng loại vaccine.
Chất lượng vaccine được tuân theo các quy định nghiêm ngặt về dược phẩm và các sinh phẩm sử dụng cho người. Khi tất cả các điều kiện trên được tuân thủ thì tiêm vaccine là một quá trình an toàn, nhằm chủ động cung cấp các miễn dịch phòng bệnh.
Diệu Thúy, Quảng Nam: Bác sĩ chỉ định những trẻ dưới 2kg không đủ sức khoẻ tiêm. Nhưng nhiều trẻ đủ cân mà sức đề kháng vẫn rất yếu. Tôi thấy có người nói, vaccine là chất độc làm suy yếu và đưa vào cơ thể để tăng sức đề kháng, trường hợp trẻ không đủ sức sẽ làm cơ thể bị độc nhiều. Tôi cũng lo lắng khi nghe về thuận tự nhiên, vì tất cả cũng xuất phát từ lòng thương con trẻ. Thậm chí có người còn bảo, tiêm vaccine sẽ dẫn đến những bệnh sau này, có trẻ bị phát ra, có trẻ tiềm tàng độc trong cơ thể. Tôi thấy rất lo lắng và băn khoăn vấn đề này, xin Bác sĩ giải thích giúp. Tôi xin cảm ơn!
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Vaccine là sinh phẩm có tính kháng nguyên, đã được tinh chế an toàn để sử dụng cho cơ thể người. Với tất cả các bằng chứng khoa học hiện nay, tiêm vaccine là biện pháp an toàn, chủ động tạo miễn dịch phòng bệnh đặc hiệu cho cơ thể. Những trẻ có một số tình trạng bệnh lý thì cần được tư vấn, sàng lọc tại các cơ sở chuyên khoa Nhi để lựa chọn giải pháp tiêm chủng thích hợp. Không tiêm vaccine làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cho mỗi cá thể và làm suy giảm miễn dịch cộng đồng.
Thúy Bình, Thanh Hóa: Có nên tiêm cúm hàng năm cho bé trên 4 tuổi không hay để bé tự tạo miễn dịch?
TS. BS. Lê Kiến Ngãi: Vaccine cúm mùa cho trẻ từ 6 tháng tuổi hiện nay được tiêm 2 mũi cơ bản ban đầu, cách nhau 1 tháng, sau đó tiêm nhắc lại hàng năm. Con bạn 4 tuổi, hoàn toàn có thể tiêm vaccine cúm hàng năm để phòng bệnh.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn