Ngành cơ khí-điện và nhựa-cao su được biết đến như một trong những ngành đang sản xuất khá nhiều chủng loại sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Song đây đa phần là những DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ. Riêng Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí-điện và cao su-nhựa TPHCM có khoảng 80 DN đang hoạt động. Phần lớn số DN này nằm rải rác ngoài các khu công nghiệp (KCN). Đây cũng là lý do không thể hình thành được chuỗi liên kết cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), càng không tạo được nguồn lực đủ mạnh đáp ứng nhu cầu của các nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối lớn.
Không nằm trong KCN cũng đồng nghĩa nhóm này không đủ tiêu chuẩn làm hồ sơ vay vốn theo chương trình kích cầu đầu tư của TPHCM (Quyết định 50/2015/QĐ-UBND). Sự phân bố rải rác về địa lý cũng khiến nhóm DN này thiếu cơ hội tiếp cận các chương trình xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ, hỗ trợ đào tạo từ TPHCM và các hiệp hội …
Tuy nhiên, để vào được các KCB thì DN cơ khí-điện và cao su-nhựa lại vướng quy định về mức đầu tư vào KCN, tức là phải đầu tư tối thiểu 5.000 m2 trong khi nhu cầu của họ chỉ dao động từ 500 đến 2.000 m2.
Một giải pháp khác đã được các DN này nghĩ tới là tìm đến một số KCN cho thuê đất diện tích nhỏ. Nhưng khó khăn lại xuất hiện khi giá cho thuê thường vượt tầm cân đối tài chính của DN, với mức 3,5 đến 5 USD/m2/tháng.
Ông Kiều Đình Sơn, giám đốc Công ty Máy và Sản phẩm Thép Việt, đại diện Hội Cơ khí - Điện nhận xét chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kích cầu đầu tư theo Quyết định 50 của TPHCM vẫn chủ yếu tập trung cho nhà xưởng và máy móc thiết bị, trong khi thứ quan trọng ban đầu của một doanh nghiệp sản xuất bắt đầu từ mặt bằng. Có lẽ vì vậy nên tại TPHCM, tăng trưởng CNHT vẫn chậm hơn so với nhiều ngành và ở mức thấp so với các tỉnh thành khác.
Cần tiểu khu CNHT chuyên ngành với giá thuê thấp
Tháo gỡ trước mắt cho nhóm DN cơ khí-điện và cao su-nhựa, theo kiến nghị của đại diện nhóm DN này chủ yếu là điều chỉnh chính sách để DN vào được các KCN.
Đó là một số giải pháp như hỗ trợ bù giá tiền thuê đất tại các KCN; chính sách khuyến khích để các hội và DN đại diện hội có thể đầu tư xây dựng mô hình các tiểu KCN hỗ trợ chuyên ngành nằm trong các KCN hiện nay.
Ví dụ, Thành phố có thể cho xây dựng tiểu KCN hỗ trợ cho ngành cơ khí-điện hoặc cao su-nhựa, với quy mô từ 3-5ha/tiểu khu. Mỗi tiểu khu có 20-30 DN với quy mô diện tích chỉ từ 750-1.500 m2/nhà xưởng.
Thành phố có thể xem xét để DN có 2 lựa chọn. Một là cho thuê trung hạn từ 5-10 năm. Hai là cho thuê dài hạn bằng đúng thời hạn cấp phép cho KCN (trường hợp này DN được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà xưởng có thể dùng làm căn cứ pháp lý để vay vốn ngân hàng).
Cũng theo ông Kiều Đình Sơn, khi đã vào được các KCN thì DN sẽ có cơ hội tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố. Như vậy bài toán về hình thành chuỗi liên kết cho CNHT xem như đã có lời giải.
Tháng 3: TPHCM sẽ có kế hoạch kích cầu riêng cho CNHT
Theo ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ngay trong tháng 3 này, Thành phố sẽ ký ban hành kế hoạch kích cầu riêng dành cho CNHT. Đây là chương trình lớn bên cạnh 7 chương trình đột phá của TPHCM hiện nay.
Nói thêm về định hướng phát triển tiểu KCN, cụm công nghiệp hay các KCN, KCX, ông Lê Thanh Liêm cũng cho biết TPHCM đang rà soát quy hoạch các KCN, KCX trên địa bàn. Trong đó sẽ dành phần riêng để thu hút phát triển CNHT.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn