![]() |
Cơ quan BHXH tuyên truyền, vận động HSSV tham gia để phấn đấu 100% HSSV có thẻ BHYT |
Nhiều khó khăn khi triển khai đồng bộ
Phân tích về những khó khăn khi triển khai BHYT cho HSSV, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, Luật BHYT quy định BHYT HSSV là hình thức bắt buộc, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với nhóm HSSV khi không tham gia BHYT. Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc HSSV phải tham gia BHYT, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương.
Ông Phạm Lương Sơn cũng nếu lên một thực tế là: nhóm đối tượng HSSV, đặc biệt là sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề chưa tích cực tham gia BHYT (chủ yếu chỉ tham gia năm thứ nhất) do nhận thức của một bộ phận HSSV cho rằng họ ít ốm đau nên không tham gia BHYT.
Thời gian qua, việc phát triển đối tượng sinh viên tham gia BHYT gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các địa phương do tỷ lệ tham gia BHYT thấp, chỉ có học sinh tại các trường phổ thông thì mới có tỷ lệ cao.
Thực tế, vẫn còn tình trạng HSSV có hoàn cảnh khó khăn, gia đình không có tiền đóng BHYT. Ví dụ như, HSSV là người dân tộc thiểu số mới thoát khỏi vùng khó khăn theo quy định của Chính phủ và một số HSSV thuộc đối tượng mới thoát nghèo, cận nghèo nên không được ngân sách đóng toàn bộ vì vậy số tiền tự đóng BHYT cao hơn, dẫn đến tình trạng những HSSV này không tiếp tục đóng BHYT.
Một khó khăn nữa là do HSSV thuộc các nhóm đối tượng khác như người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, thân nhân công an, quân đội cơ yếu, người có công… không được nhà trường thống kê đầy đủ.
Việc triển khai đồng bộ gặp khó cũng do một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác phối hợp giữa hai ngành BHXH và Giáo dục và Đào tạo trong việc triển khai BHYT HSSV. Một số Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm chỉ đạo triển khai BHYT học sinh tại các nhà trường, chưa quan tâm thích đáng đến công tác y tế trường học. Tại một số cơ sở giáo dục chỉ liệt kê số tiền đóng BHYT HSSV vào các khoản thu đầu năm học mà thiếu đi công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật BHYT cho HSSV.
Giao chỉ tiêu với từng cơ sở giáo dục
Cuối tháng 8 vừa qua, ngành BHXH đã đưa ra các đề xuất để thực hiện bao phủ 100% tỷ lệ HSSV tham gia BHYT. Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cần giao chỉ tiêu tỷ lệ tham gia BHYT của học sinh đối với từng cơ sở giáo dục; đưa tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của HSSV đảm bảo năm 2019 đạt 100% HSSV tham gia BHYT.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật BHYT đến HSSV và các bậc phụ huynh thông qua Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên, Đội Thiếu niên Tiền phong. Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng cung cấp danh sách HSSV, bao gồm cả HSSV có tham gia BHYT và chưa tham gia BHYT để cơ quan BHXH tuyên truyền, vận động HSSV tham gia để phấn đấu 100% HSSV có thẻ BHYT; đồng thời sử dụng có hiệu quả, đúng quy định đối với kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Đối với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương: không khen thưởng đối với các nhà trường nếu chưa hoàn thành tỷ lệ HSSV tham gia BHYT; huy động nguồn kinh phí thuộc Ngân sách địa phương, nguồn tài trợ để hỗ trợ HSSV tham gia BHYT ngoài phần kinh phí đã được ngân sách Trung ương hỗ trợ.
BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu để nâng mức hỗ trợ đóng từ 30% đến 50%; đơn giản hóa thủ tục KCB BHYT nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khi đi KCB; kiểm tra giám sát và có chế tài xử lý đối với trường hợp cơ sở KCB thu thêm các chi phí đã kết cấu trong giá dịch vụ y tế, chi phí thuộc phạm vi thanh toán BHYT và hạn chế thu thêm các chi phí ngoài phạm vi thanh toán BHYT.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn