Ảnh: VGP/Thùy Dung |
Hội nghị Cấp cao Liên Hợp Quốc (LHQ) khu vực Á-Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững được tổ chức từ ngày 7-9/3 tại Hà Nội đã thảo luận các vấn đề chính của hợp tác trung chuyển và tạo thuận lợi thương mại khu vực Á-Âu.
Trong 3 ngày, các đại biểu đã chia sẻ các thông lệ và kinh nghiệm, tập trung vào việc thực hiện Chương trình hành động Vienna cho các nước đang phát triển không có biển giai đoạn 2014-2014 (VPoA) và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Hội nghị hoan nghênh việc Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTFA) có hiệu lực, mang lại lợi ích tiềm năng to lớn cho các nước đang phát triển không có biển trong việc giảm chi phí thương mại và tăng cường hợp tác với các nước trung chuyển láng giềng. Tăng cường tạo thuận lợi cho thương mại và vận tải là chìa khóa để đạt mục tiêu phát triển bền vững ở các nước không có biển và trung chuyển khu vực Á-Âu.
Hội nghị đưa ra các khuyến nghị, nhấn mạnh về sự cần thiết lồng ghép Chương trình hành động Vienna và Chương trình nghị sự 2030 vào các kế hoạch, chiến lược và ngân sách quốc gia, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các nước đang phát triển không có biển và các nước trung chuyển trong việc thiết lập hệ thống vận tải trung chuyển, cơ sở hạ tầng chất lượng, hiệu quả, đáng tin cậy, an toàn.
Các đại biểu cũng kêu gọi sự hỗ trợ hơn nữa của cộng đồng quốc tế cho các sáng kiến hợp tác song phương và khu vực của các nước đang phát triển không có biển và các nước trung chuyển nhằm hỗ trợ các nước này đạt được các mục tiêu của cả Chương trình hành động Vienna và Chương trình nghị sự 2030.
Hợp tác mang tính xây dựng giữa các nước đang phát triển không có biển và các nước trung chuyển là nhân tố quyết định nhằm tạo thuận lợi cho dòng lưu chuyển hàng hóa nhanh và dễ dàng hơn từ các nước không có biển đến các cảng, như một cách tiếp cận khu vực để tạo thuận lợi cho thương mại.
Các khuyến nghị của Hội nghị sẽ giúp các nước đang phát triển không có biển đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững và sẽ được trình lên Hội nghị Bộ trưởng Thương mại của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm nay.
Khuyến nghị, ý kiến đóng góp cho Hội nghị Cấp cao APEC 2017
Tại buổi họp báo diễn ra vào ngày 9/3 sau khi kết thúc Hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao kiêm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, ông Vũ Quang Minh cho biết, Việt Nam không chỉ là một thành viên tích cực của LHQ với các hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam-LHQ, mà còn là nước chủ nhà Hội nghị Cấp cao APEC trong năm 2017.
“Những kết quả của Hội nghị lần này sẽ đóng góp quan trọng vào những thảo luận ưu tiên tại Hội nghị Cấp cao APEC trong thời gian tới, đặc biệt là những nội dung liên quan tới Chương trình nghị sự 2030”, ông Minh nhấn mạnh.
Các thành viên APEC là các đối tác phát triển của các nước chậm phát triển, các nước đang phát triển, các nước không có biển và các nước trung chuyển. Các khuyến nghị và ý kiến trong Hội nghị lần này sẽ là nguồn tham khảo quan trọng cho các thành viên APEC để điều chỉnh chính sách của họ trong thời gian tới.
Ông Gyan Chandra Acharya, Phó Tổng Thư ký LHQ, Đại diện cao cấp Cơ quan Đại diện cao cấp về Nhóm các nước kém phát triển cho rằng: “Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong hai thập kỷ qua với tỷ lệ thương mại trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) rất cao”.
“Chúng ta cần tạo ra một cơ chế mang tính kết nối hơn nữa để mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả các nước không có biển và các nước trung chuyển. Việt Nam là một nước quá cảnh có vị trí địa lý chiến lược, cần phải hỗ trợ rất nhiều cho nước không có biển như Lào và nước láng giềng Campuchia”, ông Gyan Chandra Acharya khuyến nghị thêm.
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn