Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu trụ sở UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cùng dự hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam được tổ chức hôm nay là Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị
Thủ tướng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào một số nội dung chính:
Thứ nhất, đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa thời gian qua (cố gắng nêu rõ số liệu minh chứng cụ thể); nêu rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta có thể học tập được gì từ những quốc gia đã thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa?
Thứ hai, đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi, đột phá, trong đó:
- Giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách? (về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư; việc bảo hộ và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số…). Theo đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thị trường, khoa học công nghệ, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng, thu hút nguồn lực hợp tác công tư.
- Những sản phẩm, dịch vụ nào cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao? Phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa như thế nào?
- Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa cả về số lượng và chất lượng?
- Có cần xây dựng một Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa cho giai đoạn mới với tầm nhìn dài hạn, giải pháp đồng bộ hơn?
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các đại biểu cho ý kiến về đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, quy định phù hợp sau Hội nghị.
Tại Hội nghị, Bộ Công Thương tham gia tham luận với chuyên đề “Gia tăng giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”, nhấn mạnh vai trò của ngành thủ công nghiệp trong phát triển các ngành văn hóa Việt Nam, thực trạng phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam, các hoạt động xúc tiến thương mại góp phần phát triển ngành thủ công mỹ nghệ của Bộ Công Thương và nêu giải pháp phát triển ngành thủ công mỹ nghệ trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, trong đó nhấn mạnh trong thời gian tới, cần: Chú trọng đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế. Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, phát triển sản phẩm, thị trường thủ công mỹ nghệ, gắn với các chương trình quốc gia như: Khuyến công, xúc tiến thương mại, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”… nhằm nâng cao thương hiệu, quảng bá sản phẩm ở thị trường trong nước và quốc tế.
Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa được nêu tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có 03 ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông gồm: xuất bản; phát thanh và truyền hình; phần mềm và trò chơi giải trí. Đối với 03 ngành này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu một số cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển ngành; không ngừng có sự đánh giá, tổng kết về kết quả đạt được của ngành để có phương án phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành cũng như tìm hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho ngành nếu có.
Đối với lĩnh vực xuất bản, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ nhiệm vụ :”Căn cứ kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” và Thông báo số 19-TB/TW ngày 29/12/2016 thông báo kết luận của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42, trên cơ sở đánh giá những mặt đã làm được, những mặt còn tồn tại, hạn chế, vướng mắc để phối hợp với các cơ quan chức năng đề xuất hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành trong thời gian tới.