![]() |
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) |
Ông có thể thông tin cụ thể về đợt nắng nóng đang diễn ra tại các tỉnh Bắc bộ?
Ông Lê Thanh Hải: Mùa nắng nóng năm nay xảy ra muộn hơn so với trung bình nhiều năm, thông thường vào cuối tháng 4, hoặc sớm hơn là tháng 3 các tỉnh Bắc Bộ đã đón đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên. Tuy nhiên năm nay, đầu tháng 5 vừa qua các tỉnh miền Bắc mới đón đợt nắng nóng gay gắt đầu tiên, kéo dài 3 ngày, nền nhiệt cao nhất ghi nhận tại Hà Nội đạt 38 độ C.
Đợt nắng nóng đang diễn ra hiện nay ở Đồng bằng Bắc Bộ là đợt nắng nóng thứ hai kể từ đầu mùa tới nay. Dự báo, đợt nắng nóng này sẽ kéo dài đến hết tuần, đỉnh điểm rơi vào từ thứ Năm đến hết thứ Bảy, nền nhiệt cao nhất có thể lên tới 38-39 độ C.
Từ Chủ nhật, trời dịu bớt, nền nhiệt giảm khoảng 3-5 độ C. Nguyên nhân do xuất hiện mưa rào và dông, giúp nắng nóng dịu bớt. Song, khả năng xảy ra 1 đợt mưa dông mạnh như cuối tuần vừa qua là thấp.
Trong đợt nắng nóng này cần lưu ý, về chiều tối thường xảy ra dông, lốc. Chúng tôi đang theo dõi, có thể trong tuần tới sẽ xuất hiện 1 trận dông mạnh, cường độ có thể đạt như trận dông xảy ra ngày 13/6/2015, trận dông lớn khiến cây ở Hà Nội đổ, gãy hàng loạt.
Dự báo mùa nắng nóng năm nay như thế nào, thưa ông?
Ông Lê Thanh Hải: Mùa nóng năm nay được dự báo đến muộn, nắng không quá gay gắt như trung bình nhiều năm. Đơn cử như tháng 5 hiện tại, sau khi kết thúc đợt nắng nóng này vào cuối tuần thì khả năng đến hết tháng 5 không ghi nhận thêm một đợt nắng nóng nào nữa. Và tháng 6, tháng 7 dự báo cũng chỉ có 2 đợt nắng nóng, mỗi đợt kéo dài từ 3-5 ngày.
Khả năng lặp lại kỷ lục 41-42 độ C như mùa nắng năm 2017 là rất hiếm, tháng 6 năm ngoái Hà Nội ghi nhận mức nhiệt lên tới 41,7 độ C tại Láng, tại Hà Đông là 42,2 độ C.
Khả năng xuất hiện những đợt nắng nóng kéo dài, nền nhiệt lên tới 42 độ C là rất thấp.
Các mô hình dự báo cũng chưa ghi nhận cho thấy sẽ xuất hiện những đợt nắng nóng kéo dài như trung bình nhiều năm, và chắc chắn sẽ không lặp lại những đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục (10 ngày liên tục) như năm 2014. Bởi hiện tại, khí hậu đang ở trạng thái La Nina yếu, sau đó chuyển sang trung tính nên khí hậu ổn định hơn, tần suất xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan là hiếm.
![]() |
Dự báo bão sẽ dự báo trước 5 ngày, thay vì 3 ngày như trước đây - Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Vậy còn mùa mưa bão năm nay được dự báo ra sao?
Ông Lê Thanh Hải: Mùa mưa bão năm nay dự báo Biển Đông sẽ có khoảng 12-13 cơn, trong đó một nửa số này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Đây là mức trung bình nhiều năm. Năm 2017 ghi nhận số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới kỷ lục trên Biển Đông là 20 cơn.
Dự báo số lượng cơn bão là khá khó khăn, có năm không có cơn bão nào như năm 1976 không ghi nhận cơn bão, áp thấp nào hoạt động trên Biển Đông, hay năm 2016 chỉ ghi nhận 4 cơn, trong khi năm 2014 là 19 cơn, và năm 2017 là 20 cơn.
Công tác dự báo bão, áp thấp nhiệt đới năm nay có được cải thiện hơn?
Ông Lê Thanh Hải: Năm nay, trong công tác dự báo bão và áp thấp nhiệt đới chúng tôi sẽ có cải thiện hơn, ngoài việc nâng cao chất lượng bản tin thì trong công tác dự báo bão sẽ dự báo trước 5 ngày, thay vì 3 ngày như trước đây. Còn trong dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ dự báo trước 3 ngày.
Tuy nhiên, sai số dự báo sẽ lớn hơn, mang tính chất chuẩn bị, phòng chống cho các địa phương, còn để ra các quyết định lớn như di dời dân cư thì cần độ chính xác cao hơn.
Một điểm mới nữa là, khi báo sắp đổ bộ sẽ dự báo chi tiết đến cấp huyện, ví dụ khi dự báo bão đổ bộ vào Thanh Hóa thì các huyện ven biển sẽ như thế nào, các huyện trên đất liền bị tác động ra sao…
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn