Cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ: Tiếp tục chậm vì vướng mặt bằng

Thứ ba - 15/05/2018 04:12
Dự án mở rộng đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ hiện đã chậm so với kế hoạch đề ra 5 tháng. Song, dự án vẫn đang "loay hoay" với công tác giải phóng mặt bằng và dự kiến sẽ tiếp tục chậm đến cuối năm nay.

 

Biển cảnh báo: “Đoạn đường đang chờ giải phóng mặt bằng” trên Dự án nâng cấp cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ. Ảnh: VGP/Phan Trang

Chậm tiến độ vì vướng mặt bằng

 

Đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ được đầu tư, đưa vào khai thác từ năm 2002 với quy mô là đường cấp 1 đồng bằng, 4 làn xe. Năm 2014, Bộ GTVT đã lập và phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ chia thành 2 giai đoạn thực hiện, với tổng vốn hơn 6.269 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 1 (mức đầu tư 1.531 tỷ đồng) thực hiện cải tạo, nâng cấp tuyến đường 4 làn xe hiện tại đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 100 km/giờ với bề rộng nền đường 25 m đã hoàn thành và thu phí từ đầu tháng 10/2015. Giai đoạn 2 (mức đầu tư 4.737 tỷ đồng) sẽ xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5 m. Theo kế hoạch, giai đoạn 2 hoàn thành vào cuối năm 2017.

Mặc dù dự án đã đưa vào sử dụng tạm thời từ trước Tết Nguyên đán 2018 theo chỉ đạo của Bộ GTVT nhằm giải quyết ùn tắc giao thông trong dịp Tết Nguyên đán và nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua nhưng việc giải toả 2,4 km tuyến chính, 5,3 km đường gom, tương đương 11 điểm thắt hẹp thuộc địa phận 3 huyện: Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên hiện triển khai chậm và địa phương đã hứa rất nhiều lần mà chưa xong.

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ cho biết, theo kế hoạch ban đầu, TP. Hà Nội cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước 21/9/2016, sau đó, gia hạn đến 31/10/2017. TP. Hà Nội tiếp tục cam kết hoàn thành mặt bằng vào 30/4/2018. Tuy nhiên, tới ngày 9/5/2018, công tác giải phóng mặt bằng của cả 3 huyện trên đều không hoàn thành các hạng mục công việc theo yêu cầu của UBND TP. Hà Nội.


Chẳng hạn, tại huyện Thanh Trì, đất nông nghiệp còn tồn tại 0,43 km, đất thổ cư còn 0,93 km, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi như đường cáp thông tin, đường ống nước sạch của Công ty nước sạch Hà Nội, đường dây điện của Công ty điện lực Thanh Trì... chưa có phương án di chuyển nào được phê duyệt.

Không chỉ vậy, việc thi công còn bị một số hộ dân trái tuyến không thuộc diện được đền bù cản trở do có những vướng mắc khác với địa phương.

"Trường hợp khả thi nhất, phần mặt bằng được bàn giao toàn bộ trước 30/6/2018, dự án chỉ có thể kết thúc sớm nhất phần xây lắp vào cuối năm 2018, do các đoạn vướng mặt bằng hầu hết là những vị trí cần phải xử lý nền đất yếu và tường chắn, đường gom nên thời gian thi công kéo dài", ông Khôi cho biết.

Hoàn thành các khu tái định cư để người dân di dời

Trước tình hình khá "căng" của dự án, sau khi kiểm tra hiện trường cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận, dự án gặp nhiều khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng khiến tiến độ công trình bị chậm. Ngoài nguyên nhân khách quan do tuyến đường đi qua nhiều huyện, khu dân cư, còn có nguyên nhân chủ quan từ sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện dự án còn chưa chặt chẽ.

Để tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng cho dự án, Bộ trưởng cho rằng, các đơn vị liên quan phải tập trung hoàn chỉnh các khu tái định cư.

“11 vị trí còn vướng mắc mặt bằng, nhu cầu tái định cư rất lớn. Theo hồ sơ được duyệt, dự án xây dựng 5 khu tái định cư. Đến nay đã hoàn thành 4 khu, còn lại một khu tái định cư mới được bàn giao mặt bằng phải tập trung làm ngay. Chúng ta phải hoàn thành các khu tái định cư theo đúng hồ sơ được duyệt, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng điện, nước, đường kết nối giao thông… đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho bà con chuyển đến nơi ở mới phải bằng hoặc hơn chỗ ở hiện tại”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Ban QLDA Thăng Long, nhà đầu tư phối hợp chặt với chính quyền địa phương tập trung giải quyết, xử lý các điểm còn vướng mắc mặt bằng đồng bộ trên cả tuyến chính và đường gom, chi trả một lần cho người dân. Nếu người dân còn thắc mắc về giá thì phải căn cứ vào chính sách theo quy định, rà soát kỹ lưỡng, cái nào thuộc thẩm quyền của TP. Hà Nội, chính quyền địa phương báo cáo TP. Hà Nội giải quyết, cái nào vượt thẩm quyền, TP. Hà Nội cần báo cáo Chính phủ xem xét, xử lý.

Đề cập đến công tác thi công, Bộ trưởng yêu cầu: "Nhà thầu phải huy động máy móc, thiết bị, tập trung tối đa. Nhà đầu tư rà soát lại, nhà thầu nào không đáp ứng, không thể huy động máy móc, thiết bị cần xử lý ngay bằng cách cắt thầu, tịch thu bảo lãnh hợp đồng".

Quan sát của phóng viên tại hiện trường dự án cho thấy, mặt đường đã cơ bản được mở rộng từ 4 làn lên 6 làn xe. Tuy nhiên, trên tuyến chính của dự án vẫn tồn tại nhiều khu vực mặt đường chỉ có 4 làn xe, chưa mở rộng lên 6 làn và đang phải rào chắn vì chờ mặt bằng thi công. Các phương tiện lưu thông qua đây liên tục phải giảm tốc độ, nhiều khi phải phanh gấp. Điển hình là khu vực tuyến cao tốc đi qua địa phận huyện Thường Tín (Hà Nội), cứ vài km lại xuất hiện một biển cảnh báo: "Đoạn đường đang chờ giải phóng mặt bằng" gây mất an toàn giao thông nghiêm trọng.

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi