|
Ảnh: Reuters |
Theo Bloomberg, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nadiem Makarim không nêu rõ các quốc gia hay dịch vụ mà Go-Jek hướng tới. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn, doanh nhân này cho biết, mục tiêu của họ là những nơi có dân số đông và có thói quen sử dụng tiền mặt, bởi dịch vụ thanh toán điện tử của Go-Jek sẽ là một phần quan trong trong việc thúc đẩy các thị trường mới.
Đối với Go-Jek, đây sẽ là lần đầu tiên hãng mở rộng thị trường ra nước ngoài, nhằm cạnh tranh với các hãng dịch vụ xe đình đám khác như Grab và Uber trong khu vực.
Go-Jek và Grab vừa mở nhiều dịch vụ thanh toán bằng điện thoại di động, xem đây là một cách để mở rộng quy mô kinh doanh và xây dựng doanh nghiệp có tiềm năng sinh lời bằng cách cung cấp dịch vụ tài chính cho nhiều người ít có khả năng truy cập vào ngân hàng.
“Tôi nghĩ chúng tôi có nền tảng có thể hoạt động trong nền kinh tế mới nổi, nơi cơ sở hạ tầng chưa phải là quá tốt. Có nhiều khả năng chúng tôi sẽ tận dụng toàn bộ những gì chúng tôi có. Nếu chúng tôi bước vào, chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ và làm hết sức”, ông Makarim thể hiện quyết tâm.
Hiện tại, hãng Grab của Singapore, với sự đầu tư lớn từ tập đoàn SoftBank Group (Nhật Bản) và Didi Chuxing (Trung Quốc), đã tấn công vào “sân nhà” của Go-Jek ở Indonesia. Hãng này đang trở thành công ty vận tải dịch vụ lớn nhất Đông Nam Á với thị trường hoạt động ở 7 quốc gia.
Go-Jek đang được định giá ở mức 3 tỷ USD sau khi có tin đồn huy động thành công 1,2 tỷ USD từ “gã khổng lồ” Tencent vào tháng 5 năm nay.
Hãng đã đạt 40 triệu lượt tải với 10 triệu người sử dụng trung bình mỗi tuần, chiếm 50% hoạt động vận tải của Indonesia nói chung và và 95% thị trường giao nhận đồ ăn nói riêng.
Chỉ trong hơn 2 năm kể từ khi xuất hiện, Go-Jek đã đánh bại Uber và Grab ở sân nhà Indonesia. Hình ảnh hàng nghìn người lái xe với đồng phục màu xanh lá, len lỏi qua các tuyến đường đông đúc của thủ đô Jakarta để chở người, giao báo, vận chuyển hàng hóa… đã trở nên quá quen thuộc với người dân địa phương.