![]() |
Như vậy, sau một năm rưỡi đàm phán đầy căng thẳng đã làm chậm tăng trưởng toàn cầu, làm tổn thương người nông dân và người tiêu dùng, chính quyền Trump và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại tạm thời hạn chế thảm họa kinh tế cho đến bây giờ. Việc vội vàng hoàn tất thỏa thuận trong hai tuần, khi Tổng thống Mỹ đang đối mặt với viễn cảnh bị luận tội, đồng thời tìm cách tăng cơ hội tái đắc cử vào năm 2020 cùng sự giúp đỡ của người nông dân - lá phiếu bầu cử quan trọng, nhưng cũng là đối tượng đã bị tổn thương nhiều nhất bởi thương chiến.
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, dự kiến thỏa thuận dài 86 trang bao gồm 9 chương, sẽ được ký với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vào đầu tháng 1/2020 tại Washington và phát hành công khai sau đó. Các luật sư của cả hai bên sẽ rà soát pháp lý thỏa thuận trước khi ký; nếu suôn sẻ, thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký.
Washington và Bắc Kinh đã có thương chiến trong gần hai năm, liên quan đến gần 500 tỷ USD các sản phẩm được giao dịch giữa hai quốc gia bị áp thuế trả đũa lẫn nhau. Tân Hoa Xã đã đăng tải ý kiến của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị trên trang điện tử của Chính phủ Trung Quốc ngày 15/12, cho biết thỏa thuận này sẽ giúp khôi phục dần quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc - Mỹ, tạo niềm tin cho nền kinh tế thế giới, mang lại sự ổn định cho trật tự thương mại toàn cầu. Phía Trung Quốc cũng đánh giá, việc đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 với Mỹ không ảnh hưởng đến lợi ích của những nước khác vì các công ty Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu sản phẩm và dịch vụ từ Mỹ cũng như từ các quốc gia khác.
Thỏa thuận này là một bước tiến rất quan trọng, vượt xa việc chỉ mua nông sản và bao gồm các cam kết có ý nghĩa hoàn toàn có thể thực thi được. Cơ chế thực thi để giải quyết tranh chấp cho phép một trong hai bên áp dụng thuế quan nếu thỏa thuận bị vi phạm. Về nông nghiệp, Trung Quốc đã đưa ra các cam kết chi tiết sẽ mua ít nhất 16 tỷ USD hàng năm các mặt hàng trên mức trước thương chiến là 24 tỷ USD và nỗ lực mua tới 50 tỷ USD hàng năm. Trong nỗ lực xoa dịu nỗi sợ hãi của các quốc gia khác mà Trung Quốc đang mua hàng nông sản, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh rằng, việc tăng mua nông sản sẽ tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới. Văn bản của thỏa thuận thương mại được hai bên thống nhất có 9 chương, bao gồm các phần về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc, thực phẩm và nông sản, tài chính, tiền tệ và minh bạch, thúc đẩy thương mại, đánh giá song phương và giải quyết tranh chấp.
Thay vì thỏa thuận toàn diện, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã giải quyết điều cần nhất để đảm bảo cho cuộc tái bầu cử năm 2020, đó là thỏa thuận về xuất khẩu nông sản. Theo đó, sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ từ nước nông nghiệp lên một mức cao hơn so với trước khi có thương chiến. Trong khi các nhà bán lẻ và lãnh đạo doanh nghiệp ngay lập tức thở phào nhẹ nhõm, thừa nhận thỏa thuận sơ bộ là "một bước nhỏ" theo "hướng đi đúng đắn" nhưng có ý kiến cho rằng, tuyên bố thỏa thuận này là một phiên bản nhỏ hơn của thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ đã tuyên bố trước đó vào tháng 10. Theo các nhà phân tích, thỏa thuận giai đoạn 1 là bước đi đúng hướng, không làm giảm bớt các vấn đề thương mại lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc - điều chắc chắn sẽ tiếp tục đè nặng lên thị trường toàn cầu vào năm 2020.
Tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đánh giá rằng, hiệp định thương mại này là "một trong những thỏa thuận lớn nhất từ trước đến nay". Tổng thống cho biết, Mỹ sẽ sử dụng các mức thuế còn lại làm đòn bẩy trong giai đoạn thứ hai của các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Thuế quan phần lớn sẽ vẫn còn và Mỹ sẽ sử dụng chúng cho các cuộc đàm phán trong tương lai về thỏa thuận giai đoạn hai. Đó là một thông điệp hơi khác so với những gì các quan chức Trung Quốc thông báo tại Bắc Kinh, nói rằng Mỹ đã đồng ý giảm thuế quan bổ sung đối với các sản phẩm của Trung Quốc theo từng giai đoạn. Nhà đàm phán chính của Trump - Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer - cho biết, sẽ là khôn ngoan khi hoài nghi về việc liệu Trung Quốc đưa ra một số thỏa thuận nhất định. Ông cũng cho biết, sẽ không có thuế quan mới, miễn là Bắc Kinh đàm phán với tinh thần thiện chí.
Thêm sự không chắc chắn vào thỏa thuận ban đầu là sự miễn cưỡng được ghi nhận bởi các quan chức Trung Quốc, khi xác nhận bất kỳ chi tiết nào được cung cấp bởi chính quyền Trump, bao gồm cả việc Trung Quốc chi 200 tỷ USD mua hàng nông sản Mỹ và các sản phẩm khác. Các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc xác nhận rằng, hai bên đã đồng ý văn bản của thỏa thuận nhưng từ chối xác nhận bất kỳ chi tiết cụ thể nào. Do đó, không rõ chính xác Trung Quốc đã cam kết tăng cường mua bao nhiêu hàng hóa của Mỹ. Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn cho biết, nước này đã hứa hẹn trong hiệp định thương mại sẽ tăng mua hàng hóa sản xuất, hàng nông sản, sản phẩm năng lượng và dịch vụ ít nhất 200 tỷ USD trong hai năm tới, bao gồm cả 40 - 50 tỷ USD hàng nông sản theo cam kết. Họ không thể nói lý do tại sao Trung Quốc không thực hiện các lời hứa cụ thể, nhưng những cam kết trong hiệp định thương mại này có thể được thi hành và bị phạt dưới hình thức thuế quan.
Các quan chức Mỹ cho biết, để trao đổi, Trung Quốc đã đồng ý thực hiện thay đổi về cấu trúc liên quan đến những nội dung ưu tiên như sở hữu trí tuệ và buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ của họ để cạnh tranh ở Trung Quốc. Quan chức cả hai nước đã chỉ ra công việc cần thiết của các nhà đàm phán để hoàn thành việc rà soát pháp lý và dịch thuật là lý do cho việc thiếu chi tiết cụ thể trước khi hoàn tất thỏa thuận. Cả hai bên đã cam kết sẽ làm điều đó càng sớm càng tốt. Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow cho biết, thỏa thuận sẽ được ký kết ở cấp bộ trưởng bởi Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc "trong một vài tuần nữa".
Đại diện Thương mại Mỹ cho biết, chưa xác định thời gian giai đoạn hai của thỏa thuận thương mại giữa hai nước Mỹ - Trung. Theo phía Trung Quốc, điều đó sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện giai đoạn một. |
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn