![]() |
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình trước Quốc hội |
Nhiều nguy cơ
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, hiện Việt Nam đang đối mặt với các nguy cơ đe dọa, mất kiểm soát về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng với nhiều hình thức, phương thức khác nhau. Các cuộc tấn công mạng có quy mô lớn, cường độ cao với mục tiêu hướng tới là hạ tầng mạng, hệ thống điều khiển, truyền dẫn... của các cơ sở quan trọng về kinh tế, quốc phòng an ninh; nguy hiểm hơn, thông qua không gian mạng, chúng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, phá hoại tư tưởng, chuyển hóa chế độ chính trị nước ta.
Tấn công mạng có thể diễn ra theo kiểu tự phát, đơn lẻ, theo các chiến dịch với mục đích khống chế và thu thập thông tin, khủng bố, đe dọa và tán phát các thông điệp xấu, phá hủy cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, thậm chí là phục vụ chiến tranh.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong bối cảnh hạ tầng, dịch vụ công nghệ, thiếu hụt nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, ý thức người dùng hạn chế và bất cập, yếu kém trong quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thông tin mạng thì nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng càng cao.
"Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thực trạng, tình hình diễn ra trên không gian mạng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác an ninh mạng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội" - Bộ trưởng Tô Lâm báo cáo.
Đáp ứng yêu cầu mới
Theo đó, dự án luật được xây dựng nhằm mục đích: Hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an ninh mạng theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; Phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an ninh mạng, phát triển lĩnh vực an ninh mạng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và bảo đảm quốc phòng, an ninh; Bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng, xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh; Triển khai công tác an ninh mạng trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh công tác giám sát, dự báo, ứng phó và diễn tập ứng phó sự cố an ninh mạng, bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; Đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; Nâng cao năng lực tự chủ về an ninh mạng, hoàn thiện chính sách nghiên cứu, phát triển chiến lược, chia sẻ thông tin về an ninh mạng. Đồng thời thực hiện mở rộng hợp tác quốc tế về an ninh mạng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.
Cũng theo Tờ trình, dự thảo Dự án Luật An ninh mạng sẽ khắc phục được một số tồn tại, hạn chế liên quan bảo vệ an ninh mạng; tránh chồng chéo trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng giữa các Bộ, ngành chức năng; tồn tại cách hiểu chưa rõ ràng giữa an ninh mạng và an toàn thông tin mạng.
Tiếp tục hoàn thiện
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt |
Đánh giá về Tờ trình của Chính phủ, ông Võ Trọng Việt- Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội- khẳng định, trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch, một số loại tội phạm, một số đối tượng khác đã và đang sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi phá hoại, trục lợi hoặc xâm phạm, đe dọa xâm phạm đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức và cá nhân, nhất là trong điều kiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, công tác quản lý còn nhiều sơ hở và hệ thống chính sách chưa đồng bộ, thì việc ban hành Luật An ninh mạng là rất cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội cũng cho biết, qua tổng hợp ý kiến của đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến còn khác nhau về những nội dung trong dự thảo, đơn cử như tên gọi, phạm vi điều chỉnh về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng và bảo vệ các hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; Đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp thu, bổ sung, chỉnh lý những ý kiến của đại biểu đảm bảo dự thảo luật đầy đủ, toàn diện, phù hợp với các luật khác cũng như thực tiễn cuộc sống.
Miễn nhiệm 2 chức danh
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội - Võ Trọng Việt - trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.
Cũng trong phiên họp chiều nay, Quốc hội đã bỏ phiếu việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả đa số đại biểu có mặt tại hội trường đồng ý miễn nhiệm (chỉ có 1 đại biểu không tán thành và 1 đại biểu không biểu quyết).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Quốc hội trình bày Tờ trình về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ. Tiếp đó, đại biểu sẽ thảo luận ở đoàn về phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 chức danh trên.
Theo Tờ trình của Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Thể- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng được giới thiệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; ông Lê Minh Khái- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Bạc Liêu được giới thiệu giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ.
Nguồn tin: baocongthuong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn