![]() |
Ông Nguyễn Xuân Vang. Ảnh: Báo Tuổi trẻ |
Dự thảo Nghị định này đang được lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận. Theo dự thảo, Nghị định quy định phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quy định về liên kết đào tạo, về cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; quy định về văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam; về đình chỉ tuyển sinh, chấm dứt hoạt động, giải thể, chia tách, sáp nhập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
Để tìm hiểu rõ hơn về những điểm mới trong dự thảo Nghị định, PV Báo Điện tử Chính phủ có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Vang, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT).
Thưa ông, đâu là lý do để Bộ GD&ĐT soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục? Những điểm mới trong dự thảo Nghị định là gì?
Ông Nguyễn Xuân Vang: Năm 2012, Nghị định số 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục được ban hành, sau đó có nhiều luật và văn bản liên quan đến lĩnh vực này ra đời như Luật Đầu tư, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Doanh nghiệp… Thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
Có một thực tế là thời gian để soạn thảo và ban hành một nghị định thường kéo dài cả năm, nhưng khi nghị định đó có hiệu lực thì thực tiễn đã thay đổi so với quy định trong văn bản. Căn cứ thực tiễn và cơ sở pháp lý như vậy, Bộ GD&ĐT đã chủ động đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định 73 với nhiều điểm mới.
Chẳng hạn, Nghị định 73 quy định việc thành lập cơ sở đầu tư có vốn nước ngoài, bây giờ điều chỉnh cả thành lập và hoạt động của cơ sở đầu tư có vốn nước ngoài. Một số từ ngữ, thuật ngữ trong Nghị định cũng được thay đổi theo các luật mới ban hành.
Bên cạnh đó, theo dự thảo Nghị định, thủ tục để thành lập một cơ sở đào tạo mới sẽ đơn giản hơn. Ví dụ, đối với cơ sở chỉ đào tạo ngắn hạn thì thủ tục thành lập đơn giản hơn so với việc thành lập trường học, trường phổ thông, trường đại học.
Hay trước đây chúng ta chỉ cho phép tiếp nhận tỷ lệ học sinh Việt Nam vào học chương trình nước ngoài là 10% đối với hệ tiểu học và 20% đối với hệ trung học, thì dự thảo Nghị định sẽ bỏ quy định này nhằm thu hút hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện cho những gia đình có đủ điều kiện cho con em mình vào học tại những ngôi trường này.
Trong dự thảo Nghị định có hơn 30 điểm sửa đổi, bổ sung thêm các cơ sở đào tạo giáo dục ngắn hạn của các tổ chức nước ngoài, các tổ chức liên chính phủ hoạt động ở Việt Nam như Viện Goethe, Hội đồng Anh…
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo dự thảo, thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài là 50 năm, trong trường hợp cần thiết không quá 70 năm. Vậy, trên thực tế, với những cơ sở trong quá trình hoạt động không đủ tiêu chuẩn thì Bộ có giải pháp như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Vang: 50 năm là thời hạn nhà đầu tư đề nghị. Sau thời hạn có thể gia hạn thêm thời gian hoạt động. Trong thời hạn hoạt động nếu cơ sở đào tạo không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, không thực hiện đúng các quy định của Việt Nam về thời hạn đầu tư và hợp tác của nước ngoài thì cơ sở đó sẽ phải đóng cửa, dừng tuyển sinh.
Dự thảo Nghị định có những quy định nào bảo vệ quyền lợi cho học sinh, sinh viên khi các cơ sở giáo dục đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài và chương trình liên kết hợp tác với nước ngoài bị dừng hoạt động, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Vang: Trong đề án các cơ sở này nộp lên xin thành lập phải nói rõ biện pháp xử lý rủi ro. Trước đây, với chương trình liên kết đào tạo nước ngoài, khi dừng tuyển sinh, chấm dứt hoạt động do phía nước ngoài vi phạm, hoặc do hai đối tác vi phạm, thì sinh viên được hai cơ sở liên kết đó chuyển sang cơ sở khác học tập hoặc bồi hoàn chi phí. Dự thảo Nghị định bổ sung thêm là đối với chương trình bị dừng tuyển sinh, người học có quyền được chuyển sang cơ sở khác. Nếu họ không muốn chuyển sang cơ sở khác thì chủ liên kết đào tạo phải bồi hoàn lại chi phí đào tạo cho họ.
Đối với cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài khi dừng tuyển sinh thì có biện pháp cụ thể theo luật hiện hành, giống như với cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Trong dự thảo Nghị định lần này có 30 điểm sửa đổi bổ sung, theo ông, khi Nghị định này được ban hành sẽ có tác động như thế nào tới xã hội nói chung và ngành GD&ĐT nói riêng?
Ông Nguyễn Xuân Vang: Trước khi ban hành dự thảo Nghị định chúng tôi đã có các buổi hội thảo, đồng thời gửi văn bản tới những cơ quan có liên quan. Nhiều cơ quan, chẳng hạn như Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị sửa đổi những bất cập trong dự thảo.
Khi Nghị định này được ban hành, tôi nghĩ môi trường đầu tư, khả năng cạnh tranh của Việt Nam sẽ tăng lên, các thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm theo đúng chủ trương của Chính phủ. Với những cơ sở thành lập trước khi Nghị định có hiệu lực thì việc chuyển tiếp của họ cũng được đơn giản hóa hơn và phù hợp với thực tiễn hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn tin: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn