Cộng sinh của truyền thống và hiện đại

Thứ tư - 28/11/2018 00:20
Nếu phải chọn một lĩnh vực thị trường có sức sống bền bỉ và dẻo dai, luôn đi cùng với nhu cầu của người Việt Nam qua các giai đoạn phát triển của nền kinh tế, có lẽ không lĩnh vực nào tiêu biểu hơn bán lẻ. 
 

Cửa hàng xén của bà Vân nằm ở cuối đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội) có từ những thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Gọi là cửa hàng nhưng thực ra chỉ là ghép lại từ các tấm ván gỗ, trên lợp giấy dầu, được dựa lưng của một ngôi nhà mặt phố. Khi cần, người lớn chạy ra đây tìm cái kim, sợi chỉ hay những con tem gửi thư.

Giờ thì bà Vân đã thành người thiên cổ nhưng cái cửa hàng xén mini của bà vẫn được người con gái lớn tiếp tục bán. Hàng hóa đã phong phú hơn, không chỉ lèo tèo như xưa nhưng nó vẫn y nguyên dáng vẻ như thời nào. Bên kia đường là một siêu thị mới mở được nâng cấp từ một cửa hàng tiện dụng, biển hiệu đỏ chóe, tấp nập người ra vào. Mấy ông bảo vệ hối hả dắt xe cho khách mua, mồ hôi nhễ nhại.

cong sinh cua truyen thong va hien dai

Số lượng cửa hàng tiện lợi tăng nhanh


Sự cộng sinh hữu hình của gian hàng xén với những siêu thị, cửa hàng tiện dụng đã minh chứng cho tiềm năng phong phú của thị trường bán lẻ Việt Nam. Giờ không ai còn lo không có hàng, vấn đề là tìm nó bằng cách nào. Giới trẻ thích ngồi văn phòng bấm chuột tìm hàng. Hàng mới thì đắt nhưng kiểu dáng đẹp, dễ tìm. Hàng cũ tuy khó tìm hơn nhưng bù lại giá rẻ và lắm kiểu dáng. Người cao tuổi, trung niên thích ra tận cửa hàng "mục sở thị" trước khi mua hàng.

Tuy là "cộng sinh" nhưng kênh bán lẻ truyền thống đang phải chịu sự lấn lướt, cạnh tranh chưa từng có của các kênh bán lẻ hiện đại. Từ năm 2012, số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gần gấp bốn lần và siêu thị mini dẫn đầu về tốc độ khai trương cửa hàng trong 9 tháng đầu năm 2018.

Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, doanh thu mặt hàng tiêu dùng nhanh của kênh thương mại hiện đại ở khu vực thành thị đạt mức tăng trưởng hai con số 11,3% trong quý II/2018, vượt trội hơn so với kênh truyền thống chỉ tăng 1,6%. Vì các nhà bán lẻ kênh thương mại hiện đại tiếp tục mở rộng và đầu tư vào việc cải thiện hệ thống cửa hàng để thu hút nhiều người mua hàng hơn, nên triển vọng của kênh này trong tương lai sẽ còn được đẩy mạnh hơn nữa.

Lý giải về sự cộng sinh nói trên, một số chuyên gia mô tả, trong khi kênh "hàng xén" còn đất sống là do thói quen và văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, mà chính xác hơn là sự quy định của các phân khúc thị trường thì kênh bán lẻ hiện đại được "chống lưng" bởi công nghệ hiện đại. Một báo cáo tổng quan thị trường di động Việt Nam của Công ty Appota cho biết, Việt Nam đang nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới với 49 triệu người kết nối, nghĩa là gần 50% dân số. Đây là mảnh đất màu mỡ đến độ lý tưởng của thời cách mạng công nghiệp 4.0 để bán lẻ hiện đại của Việt Nam tăng tốc.

Hiện, tỷ lệ đóng góp của bán buôn và bán lẻ vào GDP là gần 15% hàng năm và chiếm tỷ trọng lớn trong các ngành kinh tế ở Việt Nam. Con số này được dự báo sẽ còn gia tăng trong những năm tới như là một minh chứng cho vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

Để tiếp cận và tận dụng được cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0, ngành dịch vụ bán lẻ cần nâng cao năng lực, đặc biệt là năng lực cạnh tranh để đưa ra các kế hoạch chiến lược phù hợp khi mà các "đại gia" bán lẻ nước ngoài đã và đang rình rập thị trường nội địa.

Nguồn tin: congthuong.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi