Cơ hội quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao là khả khi

Thứ hai - 30/10/2023 22:17
Từ chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024. TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam nhìn nhận, “cơ hội để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao trong năm 2024 là thực tế và khả khi”, hàm ý mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% năm sau có thể đạt.

Ổn định kinh tế vĩ mô là nền tảng quan trọng nhất

Nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng qua, theo ông, đâu là kết quả nổi bật, mang tính nền tảng?

Kết quả nổi bật nhất là kinh tế vĩ mô đã được duy trì ổn định, các chỉ số cân đối lớn của nền kinh tế như chỉ số giá tiêu dùng (tăng 3,16%), lạm phát cơ bản, nợ công (khoảng 39 - 40% GDP), thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại, cán cân thanh toán, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều nằm trong tầm kiểm soát. Đây là kết quả rất quan trọng, không chỉ tạo tiền đề cho nỗ lực tăng trưởng trong bối cảnh vô cùng khó khăn của năm nay mà còn tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển những năm tới.
 


Trên cơ sở nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, những kết quả nổi bật khác cũng rất đáng chú ý. Đó là việc đẩy mạnh chi tiêu của Chính phủ, đặc biệt là cho các công trình hạ tầng giao thông, công trình trọng điểm nhằm hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả về cơ sở hạ tầng, mở rộng không gian phát triển kinh tế. Nguồn vốn đầu tư công dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục về con số tuyệt đối trong năm nay (đến hết tháng 9, giải ngân đầu tư công đạt 51,38% kế hoạch trong số hơn 720.000 tỷ đồng theo kế hoạch cả năm, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ, về số tuyệt đối cao hơn khoảng 110 nghìn tỷ đồng), sẽ đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng và mang tính dài hạn.

Cùng với đó, tiêu dùng cuối cùng của người dân trong nước cũng tiếp tục được đẩy mạnh với các chính sách giảm thuế VAT, kích thích tiêu dùng nội địa. Đầu tư FDI tiếp tục được đẩy mạnh (vốn thực hiện đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 2,2%) và xu thế nguồn vốn đầu tư FDI bắt đầu có những dấu hiệu dịch chuyển tích cực theo hướng nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI… Đáng chú ý, các nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính cũng được chú trọng. Điều này có ý nghĩa quan trọng để gia tăng đầu tư, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến cả năm có 5/15 chỉ tiêu không đạt, trong đó có tốc độ tăng GDP. Điều này có đáng ngại, thưa ông?

Việc không đạt được tốc độ tăng GDP trong năm nay bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan từ thị trường toàn cầu, song các nội lực của nền kinh tế cũng đã được đẩy mạnh để bù đắp cho những ảnh hưởng tiêu cực từ sự sụt giảm của thị trường toàn cầu đối với hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam. Mặc dù không đạt mục tiêu đề ra, nhưng dự kiến vẫn đạt ở mức tăng trưởng tương đối cao (trên 5%) khi so với các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN hay châu Á - Thái Bình Dương.

Điều đáng ngại hơn là chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội - chỉ số rất quan trọng đánh giá hiệu quả và chất lượng về tăng trưởng kinh tế. Vì thế, trọng tâm trong thời gian tới cần tập trung vào cải thiện chỉ số này. Muốn vậy, phải nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, từ nhân lực, tài chính, đất đai gắn liền với quá trình chuyển dịch cơ cấu lại nền kinh tế. Do đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và được đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực. Cùng với thể chế, cần phải tập trung nâng cao tay nghề, kỹ năng cho người lao động; có cơ chế chính sách thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo; tập trung nguồn lực cho các ngành có giá trị gia tăng cao, như các ngành công nghiệp mới (vi mạch bán dẫn, năng lượng tái tạo…), công nghiệp công nghệ cao.

Công nghiệp mới không phải chỉ có bán dẫn

- Tại phiên thảo luận, Quốc hội cũng sẽ bàn kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng dự kiến 6 - 6,5%. Ông nghĩ sao về mục tiêu này?

- Cơ hội để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao trong năm 2024 là thực tế và khả khi, đặt trong bối cảnh các nền kinh tế lớn vốn là thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, ASEAN được dự báo sẽ bớt khó khăn hơn trong năm 2024. Quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp tục diễn ra và Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định được hình ảnh là một địa điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài quan trọng, đáng tin cậy.

Ở trong nước, Việt Nam vẫn duy trì được các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng như sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn được duy trì, hệ thống tài chính, ngân hàng hoạt động ổn định, lành mạnh. Một số yếu tố nội lực của nền kinh tế vẫn được duy trì như sự phát triển bền vững của ngành nông, lâm, thuỷ sản, sự gia tăng về tiêu dùng trong nước, sự phục hồi của ngành du lịch, dịch vụ, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn được duy trì ở mức thấp.

- Theo ông, Quốc hội, Chính phủ cần lưu ý gì để đạt được mục tiêu tăng trưởng này?

- Không chỉ hướng tới mục tiêu tăng trưởng của năm 2024, Quốc hội và Chính phủ cần lưu ý về các yếu tố nền tảng để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng không chỉ trong năm 2024 mà bền vững trong những năm tiếp theo. Điều này đòi hỏi ngoài các biện pháp, giải pháp chính sách hướng tới các mục tiêu ngắn hạn thì cần các chính sách, biện pháp hướng tới mục tiêu trung hạn để phát triển bền vững.

Theo đó, quan trọng nhất vẫn là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hài hòa tăng trưởng kinh tế - xã hội - môi trường. Công tác xây dựng pháp luật cần có tính dự báo xa hơn, đồng thời bám sát các yêu cầu từ thực tiễn. Các chính sách, pháp luật hay các chương trình phát triển kinh tế cần vận dụng một cách nhuần nhuyễn cơ chế vận hành và các công cụ của thị trường nhằm phân bổ và sử dụng một cách hiệu quả nhất các nguồn lực của nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế cũng cần tiếp tục được phát huy.

Đặc biệt, cần có chiến lược mạch lạc, rõ ràng cho các ngành công nghiệp mới. Đó không chỉ là về công nghiệp vi mạch bán dẫn - hiện đang được nói nhiều, mà còn cần phải chú trọng đến phát triển các ngành công nghiệp mới khác mà Việt Nam có tiềm năng cũng như nhu cầu phát triển, như năng lượng tái tạo, công nghiệp xe điện, công nghiệp đường sắt tốc độ cao… Chúng ta không thể tách rời việc phát triển đường sắt đô thị, làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với ngành công nghiệp đường sắt, đây cũng là ngành có tiềm năng và nhu cầu phát triển ít nhất trong 20 - 30 năm tới. Do đó, rất mong tại phiên thảo luận, các đại biểu sẽ tập trung cho vấn đề phát triển các ngành công nghiệp mới này, từ đó, Quốc hội sẽ có định hướng rõ ràng cho vấn đề này để làm cơ sở cho Chính phủ triển khai.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi