ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long): Nên giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp cho địa phương
Từ thực tiễn quản lý ở địa phương, tôi thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư phát triển của các Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết năm 2025, tức là đến hết giai đoạn thực hiện các chương trình do một số khó khăn, vướng mắc như đã được nêu trong kết quả của Đoàn giám sát; giao Chính phủ rà soát, xác định rõ số vốn cần kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân của từng dự án, trên cơ sở đó báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Tôi cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ tăng nguồn vốn tín dụng chính sách trong giai đoạn 2024 - 2025 để tiếp tục thực hiện các Chương trình, trong đó ưu tiên tập trung tăng nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn chương trình vay vốn ưu đãi về thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Xem xét cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng cho vay đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm để người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn chính sách tín dụng phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, cho phép các xã thuộc khu vực III, khu vực II khi đạt chuẩn nông thôn mới tiếp tục được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với vùng khó khăn trong khoảng thời gian 3 năm.
Cùng với đó, đề nghị Quốc hội nghiên cứu cơ chế giao tổng kế hoạch vốn sự nghiệp cho địa phương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, còn dự toán chi tiết đến từng dự án, nguồn vốn theo từng dự án, lĩnh vực cụ thể thì để các địa phương chủ động triển khai. Đồng thời, cho phép được điều chỉnh kế hoạch vốn hàng năm giữa các dự án, tiểu dự án cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn và khả năng giải ngân, điều chỉnh nguồn vốn từ các dự án thực hiện chưa hiệu quả hoặc không có địa bàn, không có đối tượng thụ hưởng sang thực hiện các dự án khác có nhu cầu vốn nhiều hơn, đảm bảo thực hiện đúng đối tượng và địa bàn thụ hưởng của dự án theo quy định. Đây cũng là đề xuất của rất nhiều địa phương trong các cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương về việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn): Ban hành Bộ tiêu chí định hướng chung, dài hơi hơn
Tôi rất đồng tình với kiến nghị của Đoàn giám sát là cần sớm tham mưu sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn; nghiên cứu, đề xuất ban hành Bộ chỉ số, biểu mẫu giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.
Đồng thời, để quá trình tổ chức triển khai thực hiện được diễn ra thường xuyên, liên tục, không bị gián đoạn, giảm thời gian, thủ tục nghiên cứu, ban hành các Bộ tiêu chí và các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương, đề nghị xem xét ban hành Bộ tiêu chí mang tính chất định hướng chung, xuyên suốt và dài hơi hơn. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những chỉ tiêu, tiêu chí không còn phù hợp với thực tiễn thì chỉ cần điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu, tiêu chí đó. Bộ tiêu chí theo từng giai đoạn như hiện nay (giai đoạn 5 năm) là quá ngắn so với thời gian triển khai để đạt chuẩn nông thôn mới.
Cần đánh giá hiệu quả nguồn vốn của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong quá trình triển khai thực hiện 2 Chương trình này có tình trạng so sánh và lựa chọn nguồn vốn hỗ trợ nhà ở của chương trình này với chương trình kia, do Chương trình về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chính sách ưu đãi hơn.
Cụ thể, Chương trình giảm nghèo bền vững: ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ và không có chính sách vay vốn ưu đãi của các Ngân hàng, trong khi Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì cùng với chính sách ngân sách Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ còn được vay vốn Ngân hàng Chính sách với lãi vay ưu đãi và mức vay tối đa là 40 triệu đồng/hộ). Điều này cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững.
Do đó, tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, nghiên cứu và phân loại đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở để áp dụng chính sách cho phù hợp. Trong mỗi chương trình có nội dung, đối tượng thụ hưởng giống nhau thì đề nghị quy định mức hỗ trợ và các điều kiện hỗ trợ khác tương đồng, tránh chồng chéo, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân khi thực hiện.
ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh): Phải coi trọng tiêu chí mức độ hài lòng của người dân
Tôi đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn mà phải rà soát đồng bộ các tiêu chí của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn, khó trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xác định các chỉ tiêu, tiêu chí rất quan trọng đến việc xác định nguồn vốn dự án và các bước thực hiện tiếp theo. Tôi có cảm nhận nhiều tiêu chí không phải thể hiện mục tiêu, ý nghĩa cần đạt được của các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, mà đang lấy phương tiện, cách thức thực hiện để làm tiêu chí. Chính vì vậy, dẫn đến việc vừa dập khuôn, cứng nhắc cho các địa phương mà kết quả cũng còn hình thức.
Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ xác định các tiêu chí gắn với mục tiêu đạt được. Còn cách thức, phương tiện, con đường để đạt được mục tiêu đó thì giao cho các địa phương quyết định lựa chọn. Đơn cử như, thực tế có những xã bộ mặt nông thôn mới khang trang hơn, nhưng đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất khó khăn, vẫn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Ở một số địa phương, mặc dù tiêu chí nông thôn mới không đạt được một số chỉ tiêu nhưng đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã được nâng lên, người dân hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống của mình.
Tôi cũng đề nghị phải coi trọng tiêu chí đánh giá về mức độ hài lòng của người dân đối với chương trình mục tiêu quốc gia. Đây cũng là một cơ sở để đánh giá kết quả của chương trình; quan tâm việc huy động người dân và cộng đồng dân cư tham gia thực hiện các chương trình. Theo Báo cáo của Đoàn giám sát, giai đoạn 2021-2023 có 2,5% vốn huy động từ người dân và cộng đồng đóng góp, trong khi các chương trình mục tiêu quốc gia chỉ có thể bền vững khi người dân nhận thức và coi mình là chủ thể thực hiện và lôi cuốn được người dân tự giác, tự nguyện tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở chính cộng đồng dân cư của mình. Vì vậy, việc huy động người dân và cộng đồng dân cư tham gia phải là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới bền vững.
Nguồn tin: daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn