Chính sách học phí và vấn đề công bằng trong giáo dục

Thứ bảy - 05/07/2025 01:56
Trong tiến trình cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn đề ra mục tiêu bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng, công bằng về cơ hội học tập cho mọi người dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Bước vào kỷ nguyên mới, rất cần có những quyết sách mạnh mẽ, thiết thực hơn dành cho giáo dục và đào tạo, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo tiền đề để đất nước phát triển bền vững và hội nhập.

Thách thức trong bảo đảm công bằng tiếp cận giáo dục

Việc thực hiện công bằng xã hội trong lĩnh vực giáo dục là chủ trương lớn, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ trương này đã được hiến định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”, “Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề”[1]; đồng thời được thể chế hóa qua hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách với mục tiêu hướng tới là sự công bằng và một hệ thống giáo dục dễ dàng tiếp cận cho mọi đối tượng người học.

Tuy nhiên, trong thực tế, dường như quyền này đã và đang bị ảnh hưởng bởi không ít rào cản liên quan tới nhận thức, tư duy, điều kiện kinh tế - xã hội mỗi địa phương và năng lực tài chính của mỗi gia đình... Yêu cầu bảo đảm kinh phí dành cho giáo dục vẫn là thách thức lớn đối với ngân sách của Trung ương và các địa phương; là gánh nặng đối với một bộ phận phụ huynh. Nhiều địa phương, không chỉ ở địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, mà ngay ở khu đô thị vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu giáo viên, thiếu trường lớp hoặc trường lớp chưa được kiên cố hóa.

Blank Funky Collage Template
Hiến pháp quy định, mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ học tập. Ảnh: Nhật Linh

Tình trạng hệ thống trường trung học phổ thông công lập chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu của học sinh[2], dẫn tới cuộc đua thông qua kỳ thi vào khối đầu cấp trung học phổ thông diễn ra căng thẳng, đầy áp lực; và việc tiếp cận cơ hội học các trường phổ thông công lập đã không thực sự công bằng đối với học sinh phải vào trường tư, trường công tự chủ, trường bổ túc văn hóa, trường nghề với mức học phí cao hơn.

Vấn đề thiếu trường lớp, áp lực về học phí, bất cập trong điều kiện phương tiện giao thông… dẫn đến hiện trạng con em các gia đình nghèo, ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phải bỏ học. Áp lực của mỗi kỳ thi tuyển sinh vào các khối đầu cấp trung học phổ thông để lại không ít băn khoăn về vai trò, trách nhiệm của Nhà nước và mỗi địa phương trong thực hiện chủ trương đầu tư cho giáo dục với ý nghĩa “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”.

Chính sách học phí và mục tiêu công bằng

Tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông, thời gian thực hiện bắt đầu từ năm học 2025 - 2026 với tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước ước tính khoảng 31,4 nghìn tỷ đồng/năm học (trong đó, khối công lập là 28,7 nghìn tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1,9 nghìn tỷ đồng).

Thực ra, đây không phải là chính sách mới, bởi đã có nhiều quy định về miễn, giảm học phí đối với người học ở cơ sở giáo dục công lập; hỗ trợ học phí đối với người học ở cơ sở giáo dục ngoài công lập[3]; một số tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về hỗ trợ học phí cho học sinh các cấp mầm non, phổ thông trên địa bàn[4]. Tuy nhiên, phải đến Nghị quyết này, chính sách miễn học phí cho người học các cấp mầm non và phổ thông công lập, hỗ trợ đóng học phí cho người học mầm non và phổ thông ngoài công lập mới được triển khai thực hiện đồng loạt, rộng khắp; thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục của mọi trẻ em, giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, góp phần phát triển bền vững xã hội.

Blank 4 Grids Collage
Từ năm học 2025 - 2026, trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông được miễn, hỗ trợ học phí. Ảnh: Nhật Linh

Có thể nói, chính sách miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh học chương trình phổ thông là chính sách nhân văn, cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về công bằng xã hội, bảo đảm quyền học tập cho trẻ em với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Mọi học sinh trên cả nước, từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, đều được hưởng quyền lợi như nhau. Chính sách không chỉ giới hạn ở khối công lập mà còn hỗ trợ một phần cho học sinh ngoài công lập, thể hiện sự linh hoạt và công bằng trong cách tiếp cận; giúp giảm tải cho hệ thống cơ sở giáo dục công lập, khuyến khích sự đa dạng trong giáo dục, tạo điều kiện để phụ huynh lựa chọn môi trường học tập phù hợp với nhu cầu của con mình.

Chính sách an sinh xã hội này đặc biệt thiết thực đối với những gia đình có thu nhập thấp, những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; góp phần giảm thiểu số trẻ bỏ học, trẻ không đến trường vì lý do thiếu tiền đóng học phí; cũng là động lực nâng cao chất lượng dân số, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh.

Trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn, giữa bộn bề công việc cần ưu tiên ngân sách nhà nước như phát triển hạ tầng giao thông hay công nghệ thông tin, quyết định miễn học phí cho thấy tầm nhìn chiến lược, đặt con người làm trung tâm, hướng tới công bằng xã hội và đầu tư bền vững cho tương lai.

Thể hiện rõ vai trò điều tiết của Nhà nước

Để đất nước chuyển mình bước vào kỷ nguyên mới, cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn, thể hiện rõ vai trò điều tiết của Nhà nước để bảo đảm công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng thành quả của nền giáo dục tiên tiến. Đặc biệt là cần có những chính sách ưu tiên mang tính đột phá dành cho các địa bàn khó khăn, các đối tượng yếu thế, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, khu vực; giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi; để trẻ em trên mọi miền đất nước đều được học ở những ngôi trường kiên cố, khang trang, có đủ phòng học bộ môn, sân chơi bãi tập, bàn ghế và thiết bị dạy học đạt chuẩn yêu cầu; được học những thầy giáo, cô giáo giỏi.

Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tổng Bí thư Tô Lâm

(Trích Thư gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2024 - 2025)

Muốn vậy, cần đầu tư nhiều hơn để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa trường lớp học, trang bị đầy đủ sách vở, trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy học cho các cơ sở giáo dục ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Có chính sách thu hút tốt hơn để tuyển dụng đội ngũ nhà giáo có trình độ cao, năng lực chuyên môn tốt, tâm huyết, trách nhiệm với nghề giáo tới giảng dạy, gắn bó lâu dài với các cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn...

Được biết, Chính phủ đang xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về hiện đại hóa, đột phá trong phát triển giáo dục và đào tạo, trong đó có chủ trương xây dựng và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mở đường cho giáo dục và đào tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, sứ mệnh mới và một chặng đường phát triển mới. Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, các chính sách trên đây sẽ thể hiện cam kết của Việt Nam về công bằng xã hội, tạo bước ngoặt đưa Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, hội nhập với thế giới.

Trong tương lai không xa, những thế hệ trẻ được trang bị tri thức, kỹ năng, sức khỏe, biết sống có trách nhiệm, có khát vọng cống hiến sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần dựng xây đất nước hùng cường, thịnh vượng, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới; để non sông Việt Nam “trở nên tươi đẹp” hơn, dân tộc Việt Nam có thể “bước tới đài vinh quang”, tự tin “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

-------

[1] Điều 39, Điều 61, Hiến pháp 2013;

[2] https://thanhtra.com.vn/giao-duc-A6BAEB6CD/gan-30000-hoc-sinh-khong-co-ve-vao-truong-cong-giai-phap-nao-thao-go-50859f176.html;

[3] Luật Giáo dục 2019 (Điều 85, 99); Luật Giáo dục đại học (Điều 62); Luật Giáo dục nghề nghiệp (Điều 62).

[4] Tính đến năm học 2024 - 2025, có 10/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện gồm: Hải Phòng, Quảng Ninh, Yên Bái, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Vĩnh Phúc.

 

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi