Sau 10 ngày kể từ khi 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn cam kết giảm giá thịt lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, người tiêu dùng kỳ vòng giá lợn bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ giảm theo ít nhất từ 20 – 30%. Tuy nhiên, trong nhiều ngày qua, giá thịt lợn tại các siêu thị và chợ dân sinh chỉ giảm nhỏ giọt, hiện vẫn đang giữ ở mức giá từ 140.000 đồng đến 180.000 đồng/kg, tùy loại; sản phẩm có thương hiệu của các doanh nghiệp chăn nuôi mức giá bán tại siêu thị còn cao hơn, lên tới 200.000-240.000 đồng/kg.
Thậm chí, trong 2 ngày 9 và 10/4, giá lợn hơi trên thị trường tăng trở lại từ 3.000 – 5.000 đồng/kg, trong đó, tại Đồng Nai, mức giá phổ biến trong dân đã đạt hơn 80.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên phổ biến từ 78.000 - 80.000 đồng/kg;tại miền Bắc, mức giá lợn hơi ngày 10/4, phổ biến ở mức 85.000 - 86.000 đồng/kg. Theo tiểu thương ở chợ Gốc Đề (Hai Bà Trưng, Hà Nội), do lượng lợn đủ tuổi xuất chuồng bán ra thị trường khan hiếm, thương lái khó thu mua nên giá lợn hơi tiếp tục tăng cao, không mua thì thôi chứ không giảm giá bán. Giá lợn hơi tăng sẽ kéo theo giá bán trên thị trường sẽ tăng ngược trở lại.
![]() |
Cần giải pháp mạnh hơn để kiểm soát giá thịt lợn |
Từ ngày 10/4 đến 13/4, Hệ thống siêu thị Big C tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc áp dụng chương trình giảm từ 6% đến 25% tất cả sản phẩm thịt lợn. Cụ thể: Thịt vai giảm 20%, còn 127.000 đồng/kg; thịt nạc dăm giảm 10%, còn 149.000 đồng/kg; thịt nạc thăn giảm 8%, còn 149.000 đồng/kg; sườn non giảm 11%, còn 169.000 đồng/kg; bắp giò heo giảm 9%, còn 142.000 đồng/kg; thịt ba rọi giảm 14%, còn 145.900 đồng/kg... Tương tự, các siêu thị Co.opmart cũng khuyến mãi thịt lợn với mức giảm giá từ 15% đến 25%.
Tuy nhiên, chỉ riêng 2 hệ thống bán lẻ này giảm giá thì cũng không tác động nhiều đến thị trường mà cần thêm các giải pháp mang tính dài hơi. Bởi lẽ, hiện 15 doanh nghiệp lớn của ngành chăn nuôi chỉ chiếm 40% nguồn cung thịt lợn, vì vậy chưa đủ sức kéo giá thịt lợn giảm sâu, 60% còn lại phụ thuộc vào giá của các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi lớn.
Theo ông Trần Duy Đông – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Chính phủ cần xem xét đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá, yêu cầu các doanh nghiệp phải kê khai giá. Thậm chí, cần áp dụng các biện pháp mạnh mà pháp luật cho phép là áp giá trần và mỗi một lần tăng giá 5% thì theo quy định của Luật Giá các doanh nghiệp phải báo giá với cơ quan quản lý nhà nước.
Trên thực tế, khâu trung gian khiến giá lợn tăng mạnh không phải nguyên nhân chính, dịch tả lợn châu Phi khiến tổng đàn sụt giảm mạnh khiến cung không đủ cầu. Việc tái đàn gặp nhiều khó khăn do giá lợn giống tăng cao, nhiều hộ dân chưa tái đàn, do đó, lượng lợn trong dân không nhiều. Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đến hết quý I/2020, tổng đàn lợn đã tăng 6,3% so với tháng 12/2019, với số đầu lợn là 24 triệu con vào cuối tháng 3/2020. Với đà này, thì phải đến cuối quý III/2020 và khoảng đầu quý IV/2020 lượng thịt lợn sẽ bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018 và khi đó mới đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường.
Nguồn tin: congthuong.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn