Bài 3: ‘Thành phố vườn’ với mô hình đô thị trong mơ

Thứ hai - 16/10/2017 01:17
Như đã phân tích ở bài trước, công nghiệp chính là nền tảng, là lực đẩy để quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, ồ ạt. Chính nhờ thành tựu của các cuộc cách mạng công nghiệp mà quy mô của đô thị ngày càng đồ sộ hơn.
 
Mô hình "Thành phố vườn"
Tuy nhiên, cũng chính từ những “con đẻ của cách mạng công nghiệp”, ví dụ như ô tô- biểu tượng một thời cho sự giàu sang của đô thị- đã và đang gây nên không ít hệ luỵ cho môi trường sống và đã có nhiều ý kiến đề xuất “quay về điểm xuất phát” trong công tác quy hoạch và quản lý đô thị.

“Thành phố vườn”- một mô hình đô thị trong mơ

Những năm cuối thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp bước sang giai đoạn thứ 2, đánh dấu bằng sự ra đời của động cơ đốt trong và các máy móc sử dụng điện, mở ra triển vọng về sự xuất hiện và phát triển nhiều hơn nữa của các đô thị mới. Tuy nhiên, ngay tại các thành phố của Anh- cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp- khi đó cũng đã và đang bộc lộ những hiện tượng xấu trong đời sống văn hoá, xã hội, kinh tế... 

Ebenezer Howard (1850-1928), một công chức kiêm chuyên gia xã hội học nổi tiếng của Anh đã lý giải nguyên nhân sâu xa của các hiện tượng này chính là do có sự tập trung quá cao dân cư với mật độ dày đặc trong các đô thị. Năm 1898, trong cuốn sách “Phố thị - Những ngôi vườn của tương lai” của mình, mặc dù không phải là chuyên gia quy hoạch nhưng E.Howard đã viết rằng: Chính từ những hiện tượng lộn xộn, vô nguyên tắc, tiếng ồn và bụi bẩn… từ các thành phố công nghiệp sẽ dẫn thế giới tới sự tự huỷ hoại chính mình. Và vì vậy, ông đề xuất phải có những thay đổi căn bản trong việc quy hoạch đô thị. 

Với ý tưởng về mô hình "Thành phố vườn" (Garden City), E.Howard đã mô tả sự kết hợp những đặc điểm tốt nhất của thành thị và nông thôn vào trong một thành phố. Cụ thể hơn, đó là một cấu trúc vòng tròn hướng tâm, mà trong lõi của nó là các khu nhà chuyên dành cho bộ máy hành chính và xã hội, bao quanh nó là các bãi đỗ xe và công viên cây xanh. Xa hơn một chút đó là vành đai của cụm các đơn vị đô thị vệ tinh với số dân quy ước khoảng 50.000 người và cũng được bố trí các khoảng cây xanh đan xen. Kết nối giữa các thành phố trong cụm đô thị là hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt... Còn các khu công nghiệp được đẩy xa ra phía ngoài, bảo đảm một môi trường sống lý tưởng cho các đô thị và cũng tránh để tồn tại một đại đô thị đầy hỗn mang. 

Những ý tưởng, mong muốn mà E.Howard gửi gắm trong mô hình "Thành phố vườn" không bao giờ trở thành hiện thực một cách trọn vẹn mặc dù đã có rất nhiều phiên bản được triển khai trên thế giới. 

Trợ thủ đắc lực của “Thành phố cho người đi bộ”

Phải thừa nhận công nghệ số hoá và đặc biệt từ khi chiếc điện thoại thông minh (smartphone) ra đời, thế giới dường như trở nên nhỏ lại, nhiều vấn đề đã được giải quyết chỉ sau một cái nhấn nút.

Như chính Rudiger Grubbe, Chủ tịch công ty vận tải đường sắt hàng đầu của Đức Deutsche Bahn đã nhận xét: “Khoảng 15 năm về trước, bộ phận điều vận của công ty tôi còn có ít thông tin hơn so với một cậu bé cùng với chiếc Iphone như hiện nay”.

Hơn 350 năm trước, khi Blaise Pascal, triết gia người Pháp đề xuất một ý tưởng mà nhờ bạn ông- Công tước de Roanne- đã biến nó thành hiện thực, đó là hệ thống các toa xe công cộng được định hình bằng một lộ trình, lịch trình cụ thể với mức phí đồng nhất. Hành khách chỉ cần đăng ký trước là có thể được đáp ứng theo nhu cầu. Hiện nay, quy mô và hình thức có thể thay đổi nhưng nguyên tắc về hệ thống giao thông công cộng thì không. Nhờ thành quả của công nghệ số mà hệ thống các dịch vụ điện tử ra đời và phát triển, trong đó có dịch vụ giao thông điện tử. Những dịch vụ như dẫn đường, định vị, hệ thống bến đỗ… được hiển thị trên các máy điện thoại thông minh giờ đã trở nên rất phổ biến, ngay cả tại Việt Nam. Giờ đây, hình thức taxi thông minh như Uber, Grab… đã trở thành một hình thức thông dụng, thuận tiện. 

Không chỉ hệ thống vận tải công cộng mà tại các nước phát triển như Mỹ, hình thức Carsharing, tức là thuê xe theo phút, theo giờ, thuê tại một địa điểm và có thể trả xe ở bất kỳ một địa điểm nào khác, đang trở nên rất thịnh hành. Cũng với sự hỗ trợ của công nghệ số hoá, theo dự báo, trong tương lai sẽ còn có thêm cả hình thức dịch vụ xe không người lái dạng như Uber, Grab…

Tóm lại, có 2 lý do mà các đô thị dần phải thoát khỏi sự lệ thuộc vào xe cá nhân: Một là công nghệ số hoá sẽ trợ giúp tích cực và hai là các thành phố không thể mãi đập phá, di dời vì không gian đô thị là hữu hạn.

Giáo sư Trường Stanford Tony Seba và là sáng lập Trung tâm nghiên cứu RenthinkX cùng với nhà đầu tư James Arbib đã đưa ra nhận định, rồi sẽ đến lúc khi mà những người có nhu cầu chỉ cần nhấn nút là ngay lập tức, một chiếc xe không người lái sẽ có mặt để đưa bạn đến nơi mà bạn cần. Và như vậy, sự sở hữu những chiếc xe cá nhân sẽ trở nên lãng phí và còn rất bất tiện. Từ những nghiên cứu và đánh giá của mình, 2 chuyên gia đưa ra dự báo: Đến năm 2030, số lượng cá nhân sở hữu xe ô tô tại Mỹ sẽ giảm 80%. Năm 2020 sẽ còn có 247 triệu xe ô tô cá nhân nhưng sau 10 năm, số lượng này sẽ chỉ còn 47 triệu chiếc. Và trong giai đoạn này, nhu cầu về dầu mỏ trên toàn cầu sẽ từ 100 triệu thùng/ngày giảm còn 70 triệu thùng/ngày.

Cũng theo 2 chuyên gia này thì nhờ Carsharing mà mỗi gia đình Mỹ sẽ tiết kiệm được 5.600 USD/năm so với việc sử dụng xe cá nhân và tổng số tiền mà nước Mỹ được hưởng lợi từ việc chi tiêu này sẽ tương đương với 1.000 tỷ USD/năm.

Sở hữu một chiếc ô tô cá nhân đã và còn đang là niềm mơ ước của “Thế hệ mang ước mơ Mỹ” và để rồi chỉ vì điều này mà con người đang phải trả giá. Chỉ đơn cử như bệnh béo phì- căn bệnh của xã hội giàu có và lười vận động. “Thành phố dành cho người đi bộ” không chỉ giúp cuộc sống đô thị sẽ trở nên văn minh và đáng sống mà còn giúp cho mỗi người có thêm sinh lực nhờ sự tích cực và chủ động vận động mỗi ngày.
 

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi