Xuất bản theo năm tháng có sự thăng trầm và ngày càng khó trên thị trường, sách của Nhà xuất bản Công Thương lại là sách đa phần về kinh tế, rất khó “thẩm thấu”. Cứ từng bước, chúng tôi khắc phục và khẳng định vị thế trong lĩnh vực xuất bản.
Tôi đến với ngành xuất bản hoàn toàn tình cờ và ngẫu nhiên, khi Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức thi tuyển kỹ thuật viên vào Trung tâm Vi tính năm 1993. Công việc tôi làm khi đó là sắp chữ trên máy tính thay cho sắp chữ chì, sau này thành Biên tập viên kỹ thuật.
Gắn bó được 16 năm, đến năm 2009, muốn thay đổi môi trường công tác nên tôi xin chuyển về Nhà xuất bản Công Thương, làm việc tại Phòng Công nghệ - Xuất bản. Khi đó, Nhà xuất bản Công Thương mới thành lập, quá non trẻ so với các Nhà xuất bản của các bộ, ngành. Phòng làm việc rất nhỏ tại Khu liên cơ 46 Ngô Quyền, trong phòng chỉ kê được 3 bàn với 2 bộ máy vi tính.
Cơ sở vật chất thiếu thốn, các phòng ngồi rải rác, Giám đốc và Tổng Biên tập đều kiêm nhiệm 2 chức danh, công việc thì không bỡ ngỡ, nhưng chuyên môn lại khác hẳn. Một Nhà xuất bản đảm nhận xuất bản các sách mang tính chuyên khảo cao, kén chọn độc giả, phục vụ công tác chính trị, chuyên môn của ngành nên các phòng phải tự tìm hiểu, xây dựng kế hoạch làm việc phù hợp. Năm 2012, tôi được điều chuyển tạm thời sang phòng Biên tập, lúc đó phòng chưa đủ 5 biên tập viên cơ hữu theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đến năm 2017, theo đúng nguyện vọng ban đầu khi thành lập Nhà xuất bản, tôi quay về Phòng Công nghệ - Xuất bản.
Thấm thoắt 15 năm đã trôi qua với rất nhiều cảm xúc đặc biệt cùng các đồng nghiệp. Với tôi, một người đã 2 thứ tóc, tuổi nghề đã 30 năm có lẻ, đến với sách đơn giản là thích đọc mà thành "nghiệp". Năm tháng qua đi, tôi vẫn đam mê với sách dù có không ít niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Cả một thời thanh xuân rực rỡ, nhiều khát vọng, đến với nghề xuất bản thật tình cờ và rồi tôi vẫn không ân hận khi "nghề đã chọn người".
Nguyễn Thị Thanh Hải
(Phòng Công nghệ Xuất bản)