Tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường cứ từng phút, từng giây thánh thót. Đã 0h, ngày 24/8 - ngày cách đây mười lăm năm, Nhà xuất bản Công Thương ra đời, tôi ngồi viết đôi dòng xúc cảm, định bụng thử viết một lần chỉ cho riêng mình như những dòng nhật ký. Nhưng dường như với tôi, việc mong được sẻ chia và cần sự sẻ chia đã thành tính cách. Tôi vốn không thể làm việc một mình, chỉ nghĩ đến cá nhân mình…
Từ sự khởi đầu cho một hành trình mới…
Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm một nghề gì khác ngoài viết báo đã được đào tạo bài bản từ trường đại học. Vốn là người xông xáo, tôi chẳng từ nan bất cứ việc gì, vượt qua cả giới tính, để rồi có mặt từ vùng biên cương tới nơi hải đảo xa xôi nhất trên khắp mọi miền tổ quốc; từ vùng chiến tranh phức tạp như Palestine, nội chiến ở Ai Cập hay vùng sa mạc đầy cát nắng Sahara ở Bắc Phi, vùng bọ chét và ruồi vàng với đại dịch sốt rét luôn hoành hành ở Mozambique… 28 năm gắn bó với nghề báo, ở một cơ quan duy nhất từ khi là nhóc sinh viên mới ra trường tới lúc trưởng thành - là người đứng đầu cơ quan báo chí - thực sự khiến tôi tự hào.
![17](/uploads/chung-toi-nghi-ve-chung-toi/17.jpg)
Ngã rẽ không bất ngờ nhưng đầy tâm tư đưa tôi rời nghề báo. Bước sang năm thứ 29, giữa tháng 5/2023, tôi nhận sự điều động tới làm việc tại Nhà xuất bản Công Thương. Định mệnh không rời được nghề viết lách, song sang trang mới - gắn bó với sách. Làm sách quả thực khác xa với làm báo. Một tổng biên tập tờ báo nhưng phải học để làm tổng biên tập nhà xuất bản. Cộng thêm chức danh giám đốc đầy lạ lẫm. Nghe thì quyền lực nhưng lại đầy áp lực…
Đã có lúc tôi buồn chán, muốn buông bỏ bởi mọi thứ “chậm” quá, “chậm” đúng như sự nghiền ngẫm một cuốn sách. Tại sao tôi đã cố gắng, để đồng nghiệp ghi nhận sự học hỏi của tôi, để thấy tôi dần chuyển biến, từ người “ngoại đạo” trở thành người trong nghề, mà vẫn chưa đạt được như kỳ vọng? Vốn biết “dục tốc bất đạt”, nhưng sao đôi khi cảm thấy bất lực. Bất lực bởi sự quản lý của chính mình (!).
Từ từ cảm nhận, đến giờ, tôi đã quen. Quả thực, mọi thứ đã dần tốt lên…
… Đến những dòng tâm sự
22 bài viết của đồng nghiệp tại chuyên mục “Chúng tôi nghĩ về chúng tôi” trên Trang thông tin điện tử của Nhà xuất bản Công Thương là 22 cung bậc cảm xúc. Tôi đã đọc, cảm nhận và nhắm mắt lại để thưởng thức. Tôi đọc đi đọc lại rất nhiều lần những chia sẻ của đồng nghiệp. Có những đoạn thơ khiến tôi rưng rưng; nhiều đoạn trong các bài viết khiến tôi bật cười vì sự chân thật hoặc thích thú bởi nhớ tới những kỷ niệm được các tác giả nhắc lại… Hơn ai hết, tôi biết, khi phát động chuyên mục, nhiều người cảm thấy áp lực vì chưa bao giờ “biết viết” và loay hoay không biết phải bắt đầu từ đâu. Nhưng rồi họ, những người tôi luôn trân quý trong một tập thể nhỏ đầy ắp tiếng cười, đã cho tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bằng những dòng suy tư đầy ắp sắc màu, vui có, buồn có, họ đã dệt nên sự tự tin cho chính họ và cho người đứng đầu đơn vị - là tôi.
![z5763743775968 4f872f327e906482f08ec5a9362536ed](/uploads/chung-toi-nghi-ve-chung-toi/z5763743775968_4f872f327e906482f08ec5a9362536ed.jpg)
Tôi đã nhận được những dòng tin nhắn của đồng nghiệp khi trăn trở dùng từ cho một bài thơ và đó cũng là bài thơ “mở hàng” cho chuyên mục; sự reo vui đầy phấn khởi khi bài thơ của mình được “lột xác” bởi biên tập lành nghề. Rồi trong cơn mưa sầm sập cuối chiều, tiếng chuông báo hiệu có tin nhắn mới, tôi lặng người khi đọc dòng chữ:
“Trời mưa tầm tã, em đang lái xe về nhà nhưng cũng dừng lại giữa đường để nhắn tin cho chị. Em đã trải qua 15 năm bao nhiêu khó khăn đến ngày hôm nay. Tự nhiên mắt em cay cay”. Và ngay hôm sau, tôi đã nhận được bài viết của cô bé ấy với những tâm huyết của mình. Cảm động nữa bởi một cậu bé, làm công nghệ tưởng chừng như khô khan, nhưng lại nhớ tới những kỷ niệm buồn khi phải nói lời chia tay với những đồng nghiệp sau bao năm gắn bó... Hoặc những bài viết trong đó nhắc tới những “người thuyền trưởng”, tôi thấy tôi trong bài viết của họ, thầm cảm ơn họ đã làm sống lại bầu nhiệt huyết tưởng chừng có lúc thoái trào của tôi. Có những trang viết sống động khi nhắc lại các mốc mùa thu mà mình được trải qua, trong đó đặc biệt dành những dòng cảm mến đầy tự hào khi nhắc tới quãng thời gian được làm việc tại nhà xuất bản.
Họ nhắc tới những chuyến đi, những buổi sinh hoạt tập thể từ các hoạt động thể thao, thiện nguyện, vui với những bữa ăn tập thể do chính họ làm đầu bếp. Mọi thứ cứ như hiện ra trước mắt tôi qua những dòng viết đầy rung cảm.
Dẫu biết khó khăn trước mắt còn nhiều, con đường đi cũng đầy chông gai, thử thách. Nhưng những dòng tự sự của các đồng nghiệp đã cho tôi hiểu họ hơn, hiểu và tự hào về nghề hơn, cho dù tôi mới làm quen với xuất bản được hơn một năm…
Hãy luôn là người cống hiến!
Đối với tôi, đây không phải khẩu hiệu suông.
Tôi luôn tâm niệm, không có quá khứ, không bao giờ có hiện tại và tương lai. Phải có sự kế thừa mới có sự phát triển. Thâm tâm, tôi luôn biết ơn những lớp người đi trước, đã dành trọn thanh xuân để vun đắp, tạo đà cho lớp đàn cháu, đàn em được cống hiến. Tôi cũng dành ngăn lớn trong trái tim nhỏ bé của mình để cảm ơn các đồng nghiệp hiện tại đã đồng hành, sát cánh cùng tôi.
Có lẽ, cho đến khi nghỉ chế độ, tôi sẽ vui khi mình là người được công nhận đã cống hiến hết mình cho công việc, cho tập thể.
Tôi nhớ có câu nói,
có thể bạn không có cách nào ngăn chặn được cơn lũ, nhưng bạn có thể học cách kiến tạo một con thuyền. Con thuyền mà tôi và tập thể Ban lãnh đạo cũng như toàn thể cán bộ viên chức “nhà ta” tạo dựng, qua sự vun đắp từ những thế hệ đi trước, chắc chắn sẽ vững vàng trước mọi thử thách, để rồi căng buồm no gió, ra khơi…
Tôi, người “thuyền trưởng” của hiện tại, luôn mong chờ đưa còn thuyền Nhà xuất bản Công Thương tới nhiều bến đỗ bình an.
Dẫu biết trong cuộc sống, “không phải lúc nào và điều gì muốn là được”, nhưng tôi vẫn mong ước được nhìn thấy, từ nhiệt huyết của sức trẻ tuổi mười lăm, Nhà xuất bản Công Thương sẽ đĩnh đạc bước vào giai đoạn mới với sự thay đổi cả về lượng và chất.
Trương Thu Hiền
Cảm ơn sếp đã đến, đón nhận chúng em và truyền cho chúng em rất nhiều năng lượng ah