Nói là “duyên”, bởi với tôi - một công chức làm việc tại cơ quan quản lý chuyên ngành về xuất bản gắn bó chặng đường 13 năm cùng đơn vị, khi quyết định chuyển đổi công việc về một đơn vị sự nghiệp trở thành viên chức làm việc tại nhà xuất bản, rất nhiều câu hỏi đặt ra, buộc phải chọn lựa…
Đã là sự lựa chọn, tôi luôn bằng lòng với những điều mình có. Khi đến với Nhà xuất bản Công Thương, tôi chỉ nghĩ tới những tiêu chí rất đỗi đơn giản và bình dị. Nhưng sau hai năm gắn bó, nhìn lại, tôi thấy cái “được” rất nhiều.
Đó là, tôi được làm nghề theo đúng nghĩa, một công việc mà ngay từ khi ra trường và gắn bó với ngành xuất bản, tôi đã luôn yêu và muốn đồng hành lâu dài. Nghề xuất bản, nghề thầm lặng nhưng rất đỗi tự hào. Được làm việc với sách vở, trong môi trường văn hóa, gặp gỡ, học hỏi từ những người gắn bó với nghề từ những cán bộ quản lý, những anh, chị làm công tác biên tập tại các nhà xuất bản, những tác giả, cộng tác viên say mê truyền tải những tri thức..., tôi luôn thấy mình nhỏ bé nhưng bình yên. Khi vào nghề, các anh chị cùng cơ quan thường nói với tôi rằng, nghề xuất bản không giàu về vật chất, nhưng giàu tri thức. Và khi ở đây, hiện thực đã hiện hữu khi tôi được mang những điều mà trước đây chỉ được “nghe” thành được “thấy”, được “đọc” thành những công việc cụ thể, góp phần nhỏ bé để cống hiến, hình thành nên những cuốn sách để đời.
Tôi được học rất nhiều. Tôi học nghề từ những anh chị đang công tác. Với mỗi một nhiệm vụ mới, một công việc mới, tôi lại có dịp được trải nghiệm bản thân, vừa làm vừa học. Tôi học được những kiến thức thực tế mà trước đây tôi chưa từng được biết, tôi đã chuyển từ tư duy lý thuyết sang tư duy ứng dụng, thực hành trong chính công việc mà trước đây mình từng quản lý.
Tôi học được sự nhẫn nại đến kiên cường của các anh các chị, những người đã gắn bó với đơn vị trong suốt chiều dài 15 năm, có đủ thăng, trầm, khó khăn, vất vả nhưng vẫn gắn bó và xây dựng nhà xuất bản đến ngày hôm nay. Qua những câu chuyện anh chị ôn lại, từ những ngày đầu thành lập, đối mặt với vô vàn khó khăn, từ khi chưa có việc ổn định, không có kinh nghiệm về nghề, đến những ngày tháng làm việc không lương - đều là những thách thức lớn... Nhưng chính những khó khăn này lại là cơ hội để chứng minh sự kiên trì và lòng đam mê không ngừng nghỉ của những người khởi nghịệp ở đây. Đúng như ai đó đã nói “nếu không có tình yêu với nghề và nhà xuất bản, sẽ không thể ở lại đến hôm nay”. Thật khâm phục và biết ơn!
Tôi có rất nhiều bài học từ hai người “thuyền trưởng”. Một người đã chuyển công tác nhưng mang lại cho tôi bài học từ sự cần cù, nhẫn nại. Một người, tuy mới, nhưng không “lạ” đối với truyền thông nói chung, nhà xuất bản chúng tôi nói riêng, đã mang đến cho chúng tôi những nguồn năng lượng mới, phương pháp làm việc mới và có những hiệu quả mới, từ công việc đến phong trào. Và thêm một bài học đến với tôi: Luôn để tâm dù là những việc nhỏ nhất, việc nhỏ làm không tới thì việc lớn sẽ khó thành.
Hoạt động hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam luôn được Nhà xuất bản Công Thương chú trọng
Tản mạn đôi điều nhân dịp ngôi nhà chung sắp tròn 15 tuổi. Tuổi chưa lớn, nhưng đã bắt đầu vào “giai đoạn trưởng thành”. Tôi luôn tin, với những nỗ lực mà bao thế hệ đã cố gắng dựng xây, với những quyết tâm mới và tinh thần đoàn kết chung, Nhà xuất bản Công Thương sẽ vẽ tên mình trên bản đồ xuất bản Việt Nam, là một thương hiệu và một phong cách rất mới, rất riêng.
Với cái “duyên” cùng nhà xuất bản, tôi mong mình sẽ đóng góp một phần sức lực nhỏ bé, như một viên gạch nhỏ, để xây dựng ngôi nhà chung ngày càng ấm cúng và vững chãi. Đào Thị Thúy Ngà
(Phòng Kế hoạch – Kinh doanh)