Vài triệu đồng đầu tư cho thư viện trường học không đáng kể

Thứ tư - 28/05/2025 03:34
Để tạo nên một tiết đọc sách thú vị, cơ sở vật chất của thư viện cũng là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, tại một số trường học, thư viện chỉ nhận được sự đầu tư nhỏ giọt.
hoc sinh anh 1
Thủ thư tại thư viện trường THCS và THPT Lương Thế Vinh đang phân loại sách. Ảnh: Việt Hà.

Đại diện Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh cho biết, mỗi năm nhà trường dành khoảng 150-200 triệu đồng cho thư viện, bao gồm kinh phí nhập sách và tổ chức các hoạt động liên quan. Trong đó, riêng khoản nhập sách đã tiêu tốn 20 triệu đồng, chưa kể chi phí xây dựng không gian và triển khai các chương trình hỗ trợ đọc sách. Một phần kinh phí do nhà trường chi trả, phần còn lại huy động từ sự đóng góp của phụ huynh.

Nhờ được đầu tư bài bản và chủ trương từ phía nhà trường, tiết đọc sách diễn ra đều đặn với nhiều sự kiện bên lề như giao lưu cùng tác giả, diễn giả và kho sách phong phú, đa dạng.

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có điều kiện tương tự để thực hiện điều như trên. Vì vậy, một trong những nút thắt đầu tiên trong việc triển khai tiết đọc sách là vấn đề kinh phí để nâng cấp thư viện.

Thư viện chưa được nhìn nhận đúng tiềm năng

Trong nhiều năm làm về văn hóa đọc và đào tạo cán bộ thư viện, TS Vũ Dương Thúy Ngà - nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) - nhận thấy nhiều trường học hiện nay vẫn chưa ưu tiên đúng mức cho thư viện. Ngoài ngân sách nhỏ giọt từ nhà trường, các thủ thư phải xoay xở đủ cách để kêu gọi thêm sách từ phụ huynh, phát động phong trào xây dựng tủ sách lớp học hay vận động xã hội hóa theo kiểu "mỗi người góp một cuốn".

“Những nỗ lực ấy mang tính tạm thời và chưa đủ sức tạo ra sự thay đổi căn cơ. Không ít nơi, kinh phí hàng năm chỉ vỏn vẹn từ 1 đến 3 triệu đồng/năm chi trả cho mọi thứ. Con số khó có thể đáp ứng nhu cầu đọc phong phú của hàng trăm học sinh”, TS Vũ Dương Thúy Ngà nói.

hoc sinh anh 2
Thư viện trường còn có thể trở thành nơi diễn ra các hoạt động giải trí khác bên cạnh việc đọc.

Tình trạng thiếu hụt nhân sự chuyên trách cũng là vấn đề đáng báo động. Nhiều trường chỉ có duy nhất một thủ thư. Nhưng người phải kiêm nhiệm đủ loại công việc ngoài chuyên mô, từ xử lý hành chính, hỗ trợ giảng dạy đến quản lý thiết bị… Vì vậy, khi không có người dành toàn tâm cho thư viện, không gian này dần bị xem là nơi mượn trả sách đơn thuần, thay vì là điểm tựa phát triển văn hóa đọc trong nhà trường.

Mặt khác, TS Vũ Dương Thúy Ngà cho rằng một tiết đọc sách chất lượng không thể chỉ dừng ở việc phát sách cho học sinh đọc rồi đợi hết giờ. Thư viện cần trở thành nơi hướng dẫn phương pháp đọc, khơi gợi tư duy phản biện và kết nối tri thức giữa sách và thực tiễn cuộc sống. Điều đó đòi hỏi người thủ thư phải biết cách thiết kế hoạt động, tương tác với học sinh, đồng hành cùng giáo viên trong việc tích hợp đọc sách vào chương trình học.

Trước những yêu cầu đặt ra để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, nguồn lực ở nhiều cơ sở vẫn chưa thể đáp ứng được. Do đó, mỗi đơn vị cần phải tìm tới phương án xã hội hóa.

Xã hội hóa nguồn lực đầu tư thư viện

Trước khi có những khoản đầu tư lớn hàng năm, trong những ngày đầu thành lập, thư viện của trường THCS và THPT Lương Thế Vinh đã được tạo nên từ sự chung tay đóng góp của rất tập thể nhà giáo, phụ huynh, học sinh. Chỉ trong thời gian ngắn, những giá sách trống trải đã được lấp đầy bằng chính tình yêu tri thức và tinh thần sẻ chia của cộng đồng. Hơn một nửa số sách tại thư viện hiện nay vẫn là những ấn phẩm do phụ huynh và giáo viên hiến tặng. Đây là minh chứng sống động cho thấy tiềm năng của cách thức xã hội hóa nguồn lực xây dựng thư viện.

Thực tế cũng chỉ ra rằng nhiều hoạt động của các đoàn thể xã hội, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp quan tâm tới việc xây dựng, nâng cao chất lượng thư viện.

hoc sinh anh 3
Bộ sách Vang danh nghề cổ được Nhà xuất bản Kim Đồng gửi tặng tới thư viện các tỉnh nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng.

Hồi đầu năm, hơn 2.000 cuốn sách Kim Đồng đã đến với các điểm trường của thôn làng Nủ (huyện Bảo Yên) và thôn Nậm Tông (huyện Bắc Hà), tỉnh Lào Cai. Những đứa trẻ nơi đây từng gánh chịu mất mát sau bão Yagi, giờ đây được đón nhận món quà tinh thần đầy ý nghĩa từ Đoàn thanh niên Nhà xuất bản Kim Đồng là những cuốn sách văn học, khoa học, truyện tranh...

Vào tháng 3, chương trình “Tháng Ba biên giới” do Đoàn thanh niên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát động tiếp tục đưa sách đến xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh, (Hà Giang). Ngoài các hoạt động thiện nguyện, chương trình còn mang tới sách tham khảo giúp học sinh vùng cao mở rộng tri thức, phát triển thói quen đọc.

Đồng hành cùng nỗ lực ấy còn có Văn phòng Hội Xuất bản Việt Nam với nhiều năm thực hiện các chương trình quyên góp, trao tặng sách và học bổng. Cuối tháng 1, Hội đã trao sách và quà tặng đến các điểm trường thuộc huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Từ năm 2017 đến nay, các chuyến đi của Hội đến với học sinh vùng lũ Kỳ Anh (Hà Tĩnh), các đồn biên phòng hay các trường vùng cao đều mang một tinh thần duy nhất: không để trẻ em nào bị bỏ lại phía sau vì thiếu sách.

Một điểm sáng đáng kể nữa là nỗ lực của Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) thông qua dự án “Tủ sách Chibooks - Lan tỏa yêu thương”. Từ năm 2020 đến nay, Chibooks đã trao tặng hàng chục tủ sách với tổng giá trị hàng tỷ đồng cho các trường học ở Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, TP.HCM... Đặc biệt, những chuyến khảo sát đến vùng cao như Ngọc Chiến (Sơn La), Sín Chéng (Lào Cai) giúp Chibooks nhận thấy sự thiếu thốn trầm trọng của học sinh nơi đây. Các em nhỏ phải lội rừng, vượt suối đến trường, còn sách thì là món quà xa xỉ.

Gần đây nhất, tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư, Nhà xuất bản Kim Đồng tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong khi giới thiệu loạt ấn phẩm mới và gửi tặng 1.000 cuốn sách tới các thư viện còn khó khăn thông qua Thư viện Quốc gia.

Những tín hiệu tích cực khác được ghi nhận liên quan tới việc chuyển đổi số. Một số trường đã chủ động tận dụng các nguồn tài nguyên miễn phí từ các nền tảng trực tuyến như “Hành trang số” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thư viện online Let’s Read. Những mô hình này mở ra khả năng biến tiết đọc sách trở nên thú vị hơn khi học sinh được khám phá cách sử dụng và làm quen tài liệu số.

Thực tế từ những mô hình thư viện được gây dựng bằng sự đóng góp của cộng đồng cho thấy: xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho thư viện trường học là hướng đi khả thi, bền vững và giàu tiềm năng. Không chỉ dừng lại ở việc bổ sung số lượng sách, nguồn lực từ bên ngoài còn góp phần cải thiện cơ sở vật chất, đa dạng hóa nội dung và phương thức tiếp cận tri thức. Khi nhà trường đủ sự quan tâm, chất lượng thư viện sẽ được nâng cao, từ đó tạo tiền đề cho những tiết đọc sách hấp dẫn.

Nguồn tin: znews.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gian hàng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi