Ngày 30/5, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Nguyễn Mạnh Hùng và ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM đã đồng chủ trì buổi làm việc giữa Bộ TT&TT với đoàn công tác UBND Thành phố HCM về chương trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM.
Tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long và lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, VNPT, CMC...
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cảm ơn những hỗ trợ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các lãnh đạo và cơ quan chuyên môn thuộc Bộ TT&TT đối với TP.HCM. Ông Mãi cho biết, thời gian qua TP.HCM đã rất tập trung cho chuyển đổi số, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng và yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Theo ông Phan Văn Mãi, UBND Thành phố HCM muốn lắng nghe góp ý của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đặc biệt là sự chỉ đạo, định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số cũng như phát triển, ứng dụng AI trên địa bàn TP.HCM.
Bên cạnh đề nghị được là địa phương thí điểm đồng bộ, trọn vẹn cả chuyển đổi số và ứng dụng AI, lãnh đạo UBND TP.HCM cũng kiến nghị thành lập tổ công tác giữa Bộ TT&TT và TP.HCM để thường xuyên trao đổi, thống nhất các công việc nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, ứng dụng AI tại địa phương này.
Cụ thể, TP.HCM đề xuất Bộ TT&TT sớm tham mưu ban hành hướng dẫn Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 73/2019 của Chính phủ và hướng dẫn quy trình thử nghiệm các sản phẩm CNTT, chuyển đổi số; Chọn TP.HCM là địa phương thí điểm mô hình phát triển kinh tế số và hỗ trợ TP.HCM trong việc đánh giá kinh tế số định kỳ; Hỗ trợ triển khai ứng dụng AI tại thành phố, tập trung trong chính quyền số...
Toàn bộ 10 đề xuất của TP.HCM đều đã được Thứ trưởng Phạm Đức Long thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT giải đáp ngay tại buổi làm việc.
Cần tập trung làm xong 7 yếu tố nền tảng cho chuyển đổi số
Nội dung quan trọng, chiếm phần lớn thời gian của buổi làm việc là phần trao đổi, hỏi đáp để định hướng, tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai chuyển đổi số, kinh tế số và ứng dụng AI trên địa bàn TP.HCM.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải có bức tranh tổng thể về chuyển đổi số cũng như phát triển, ứng dụng AI của địa phương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Bài học lớn của chuyển đổi số là người đứng đầu phải tự mình dùng, nếu không sẽ không chuyển đổi được. Do đó, khi lãnh đạo TP.HCM điều hành thành phố theo hướng điện tử, không sử dụng giấy tờ thì mọi việc mới ‘chạy’.
Lưu ý TP.HCM cần thay đổi cách làm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Thành phố cần lựa chọn doanh nghiệp công nghệ số đồng hành triển khai với từng việc cụ thể. Cách làm này sẽ giúp công việc triển khai nhanh, bởi khi được chọn, giao việc, các doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn lực và hết lòng thực hiện.
Dẫn chứng ngay với 7 yếu tố nền tảng cần đạt tỷ lệ 100% trong năm nay, Bộ trưởng Bộ TT&TT đề nghị, TP.HCM giao luôn việc cho doanh nghiệp cụ thể. Ví dụ, về chữ ký số, TP.HCM có thể chọn một đơn vị tiên phong cung cấp cho người dân theo mô hình trả trước, dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu (từng thành công với việc phát triển điện thoại di động trước đây).
Đánh giá cao việc TP.HCM lập trung tâm chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trung tâm này nên hỗ trợ luôn cho các tỉnh phía Nam, và cần huy động thêm các nguồn lực từ các trường, doanh nghiệp, hiệp hội cùng tham gia.
Trong trao đổi với đoàn công tác UBND TP.HCM, Bộ trưởng Bộ TT&TT còn định hướng TP.HCM chú trọng triển khai một số việc cụ thể và gợi mở cách làm với từng việc.
Đó là: Tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng toàn trình, với 70% hồ sơ được làm điện tử, từ xa để kết thúc giai đoạn phát triển Chính phủ điện tử; Xây dựng Trung tâm điều hành thông minh – IOC để chính quyền TP.HCM chỉ đạo điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu; Thí điểm 3 trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức, phát hiện mâu thuẫn văn bản và hỗ trợ giải đáp pháp luật cho người dân; Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của Thành phố; Tham gia cùng Bộ triển khai thử nghiệm có kiểm soát – sandbox mô hình sàn giao dịch dữ liệu; Triển khai chương trình chuyển đổi số, AI hóa cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn.
Doanh nghiệp công nghệ số cam kết đồng hành với TP.HCM
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp công nghệ số tham dự đều cam kết sẽ đồng hành với công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và ứng dụng AI của TP.HCM. Theo đó, Viettel, VNPT, Zalo, CMC và FPT khẳng định sẽ phối hợp cùng thành phố với tinh thần cống hiến cao nhất.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho biết, Viettel đang làm việc với TP.HCM về nhiều khía cạnh của chuyển đổi số như quản lý đất đai, trung tâm điều hành thông minh - IOC.
“Chúng tôi xác định không cạnh tranh mà làm việc với tinh thần cống hiến. Mong lãnh đạo TP.HCM nghiên cứu giao việc sớm”, ông Thắng nói.
“Doanh nghiệp phục vụ công cuộc chuyển đổi số của đất nước sẽ được nhiều thứ. TP.HCM phát triển thì người dân có thu nhập tốt hơn, ARPU (doanh thu trung bình trên mỗi người dùng) tự khắc sẽ tăng, doanh thu của chúng tôi đôi khi đến từ đó chứ không phải việc làm chuyển đổi số”, ông Tô Dũng Thái nêu quan điểm.
Một doanh nghiệp khác là CMC cũng cho biết, đơn vị này sẵn sàng cung cấp giải pháp trợ lý ảo pháp lý, đồng thời hỗ trợ TP.HCM trong việc xây dựng hạ tầng tính toán hiệu suất cao.
Nguồn tin: vietnamnet.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn